Cháy bãi xe tạm giữ của công an: Ai phải bồi thường?

Vụ cháy lớn xảy ra tại bãi giữ xe vi phạm của công an thuộc địa phận Kp.2 (P.Tam Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai) ngày 8/4 khiến hàng trăm xe máy bị cháy trơ khung. Vậy ai sẽ bồi thường?

Cháy bãi xe tạm giữ của công an: Ai phải bồi thường?

Chiều 8/4, Cảnh sát PCCC Đồng Nai cho biết sau 4 giờ chữa cháy, lực lượng chức năng đã cứu được hơn 1.000 chiếc xe các loại để trong kho xe trên. Thống kê thiệt hại ban đầu có khoảng 320 xe các loại bị cháy rụi hoàn toàn.

Bàn về trách nhiệm bồi thường, các chuyên gia pháp lý cho rằng theo quy định tại điều 9 nghị định 15/2013/NĐ-CP quy định về quản lý, bảo quản tang vật phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính thì trách nhiệm trong quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu được quy định như sau:

“Người ra quyết định tạm giữ, tịch thu có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu. Trường hợp tang vật, phương tiện bị mất, bán, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Người trực tiếp quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định tạm giữ, tịch thu về việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện”.

Chay bai xe tam giu cua cong an: Ai phai boi thuong? - Anh 1

Cả trăm xe trong bãi giữ xe vi phạm của Công an TP Biên Hòa bị cháy trơ khung. Ảnh: A Lộc

Mặt khác, về mặt dân sự thực chất là một dạng cầm giữ tài sản để đảm bảo bên kia (chủ xe vi phạm) thực hiện nghĩa vụ (nộp phạt, đảm bảo các chế tài khác theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ).

Theo điều 349 Bộ Luật Dân sự năm 2015, nghĩa vụ của bên cầm giữ là “bảo quản tài sản cầm giữ, không được thay đổi tình trạng của tài sản cầm giữ, bồi thường thiệt hại nếu làm mất hoặc hư hỏng tài sản cầm giữ”.

Do đó trong trường hợp này, cơ quan quản lý bãi xe phải chịu trách nhiệm bồi thường cho chủ xe. Trường hợp cơ quan công an ký hợp đồng ủy quyền việc trông giữ xe với chủ bãi giữ xe hoặc tổ chức, cá nhân nào khác thì người đó, tổ chức đó phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Cũng có trường hợp loại trừ, nếu là nguyên nhân bất khả kháng, khi đó cơ quan công an, chủ bãi giữ xe có thể không phải bồi thường.

Theo quy định nếu bãi giữ xe có đầy đủ giấy tờ hợp lệ về trông giữ xe, đủ tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy được cơ quan có chức năng về phòng cháy chữa cháy kiểm tra, ghi nhận các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy của bãi giữ xe...

Việc đám cháy xảy ra do thời tiết, giông sét... có thể coi là thiên tai hoặc sự kiện bất khả kháng.

Tuy vậy, để xác định nguyên nhân bất khả kháng thì cần phải chờ kết quả từ phía cơ quan điều tra.

Trường hợp có người nào đó vô tình hay cố ý gây cháy thì phải xác định người đó là ai để cơ quan công an, chủ bãi giữ xe (sau khi bồi thường cho chủ xe) yêu cầu người này có trách nhiệm liên đới bồi thường lại cho cơ quan công an, chủ bãi xe.

Theo Đời Sống Plus

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ