Tại điểm du lịch tự phát - người dân làm bè tre, nứa để kinh doanh du lịch, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chính quyền địa phương chưa xử lý được hiện tượng kinh doanh tự phát này.
Hoạt động tự phát
Sông Bôi đoạn chảy qua xóm Nà Bờ, xã Sào Báy có bãi đá cuội, nước trong xanh, là thắng cảnh đẹp.
Người dân ở đây cho biết, vào cuối tuần có rất nhiều người ở Hà Nội đi ô tô đến khúc sông tổ chức cắm trại. Xóm Nà Bờ yên ả trước kia giờ tuần nào cũng có hàng trăm người tìm đến tạo nên khung cảnh nhốn nháo. Nắm bắt được nhu cầu của du khách, một số hộ dân đã thu hẹp diện tích trồng trọt để chuyển sang làm dịch vụ, phục vụ du khách.
“Ban đầu là những hoạt động bình thường như làm cỗ lá, bán đồ, thực phẩm cho những người cắm trại. Về sau, để thu hút du khách hơn, người dân đóng bè tre, nứa để cho khách thuê, thả trôi sông. Một người làm thấy hiệu quả, kéo theo cả trăm người tại xóm Nà Bờ đua nhau làm theo khiến khúc sông yên bình ngày nào giờ bị phủ kín bởi những chiếc bè”, người dân địa phương chia sẻ.
Để đến được địa điểm cắm trại trên, từ đường lớn, du khách đi vào trung tâm xóm Nà Bờ. Từ đây, sẽ có 2 con đường dẫn ra bờ sông Bôi. Con đường thứ nhất là đường đất, khá hẹp. Trường hợp đi bộ hoặc di chuyển bằng xe máy có thể ra đường bờ sông. Con đường thứ 2 to hơn, khang trang hơn để dành cho những du khách di chuyển bằng xe ô tô.
Nguy hiểm trực chờ
Ghi nhận của phóng viên, chỉ một khúc sông ngắn chảy qua xóm Nà Bờ nhưng có đến hàng chục chiếc bè xuất hiện dày đặc trên mặt sông. Những chiếc bè này là do người dân trong xóm tự đóng thủ công bằng cách gia cố tre, nứa và không có bất cứ cơ quan chức năng nào thẩm định độ an toàn, mức chịu tải.
Thông tin từ một chủ bè chia sẻ, mỗi chiếc bè được định lượng có thể chở từ 10 đến 12 người. Và do những chiếc bè khá giống nhau và nhiều nên để tránh nhầm lẫn, chủ bè đã nghĩ ra cách in và dán những con số lên phía đầu bè.
Sông Bôi chảy qua địa phận xóm Nà Bờ nước khá mạnh, số lượng người trên mỗi bè nhiều nhưng chỉ có lác đác một vài chiếc áo phao cũ treo tạm bợ. Tuy nhiên, những du khách trên bè (trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em) cũng chẳng mấy ai quan tâm đến sự hiện diện của những chiếc áo phao này. Và để những chiếc bè không bị cuốn theo dòng nước, những người chủ sẽ dùng một đoạn dây để cố định bè với một vật nặng trên bờ.
Con đường mòn dẫn ra điểm du lịch tự phát. |
Du khách phải trả tiền để được đi qua barie trên đường vào điểm du lịch tự phát. |
Mặc dù tạm bợ, sơ sài và tiềm ẩn nguy hiểm như vậy nhưng cái giá du khách phải bỏ ra cho một lần thuê bè lên đến 400.000 đồng. Mức giá như vậy nhưng vào những ngày cuối tuần hoặc dịp nghỉ lễ, nhiều người muốn thuê cũng không có.
Kể từ khi địa điểm cắm trại này được “khai quật”, bên cạnh việc tự chế bè để cho khách thuê, nhiều chủ bè còn đầu tư những chiếc loa kéo với công suất lớn để phục vụ mỗi khi khách có nhu cầu. Giá cho mỗi lần thuê loa kéo là 300.000 đồng. Mỗi chiếc bè chở theo một loa kéo mở nhạc ầm ĩ khiến cuộc sống của những người dân ven sông cũng bị ảnh hưởng.
“Ngày cuối tuần đối với chúng tôi đúng là tra tấn. Mỗi thuyền họ thuê một loa, mở đủ các thể loại nhạc gây náo động một góc xóm. Nhiều lần chúng tôi đã có ý kiến trong những cuộc họp xóm nhưng tình trạng không được giải quyết. Bên cạnh đó, tình trạng xả rác bữa bãi cũng khiến cho bãi sông trở nên nhếch nhác”, một người dân sinh sống gần điểm cắm trại bức xúc.
Chính quyền địa phương cần xử lý mạnh tay
Ông Bùi Văn Tường - Chủ tịch UBND xã Sào Báy cho biết, việc lấn chiếm lòng sông để hình thành các điểm du lịch tại địa phận xóm Nà Bờ chưa được bất cứ cơ quan chức năng nào cấp phép và hoàn toàn là tự phát.
Chủ tịch UBND xã Sào Báy thông tin thêm, sông Bôi đoạn chảy qua xóm Nà Bờ mùa Hè, mực nước chỉ dưới 1,5m nhưng vào mùa mưa lũ, nước sông dâng lên có lúc đến 4 - 5m.
“Việc các bè nứa tự phát hoạt động dày đặc gây ảnh hưởng đến dòng chảy của nước. Chính quyền địa phương đã nhiều lần nhắc nhở và yêu cầu chấm dứt hoạt động trên nhưng có kết quả chưa tốt”, ông Tường cho biết.
Những chiếc bè tre, nứa được làm thủ công chở theo hàng chục người lênh đênh trên dòng sông Bôi. |
Vị lãnh đạo này cũng thẳng thắn thừa nhận, từ khi đoạn bãi sông Bôi trở thành địa điểm được nhiều người biết đến, người dân địa phương có thêm nguồn thu nhập bên cạnh việc làm nông nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động du lịch tự phát trên do không được quản lý chặt chẽ, bài bản dẫn đến tình trạng xả rác thải bừa bãi, ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng đến đời sống người dân ven sông.
Chính quyền xã Sào Báy hiện cũng đã báo cáo sự việc tới UBND huyện Kim Bôi và UBND tỉnh Hòa Bình về thực trạng này. UBND xã Sào Báy cũng đã ban hành văn bản yêu cầu người dân dừng các hoạt động phục vụ du khách tự phát, cắm các biển cảnh báo tại các khu vực tiềm ẩn nguy hiểm trên sông Bôi.