Cẩn trọng với thực phẩm Tết 'nhà làm'

GD&TĐ - Thực phẩm 'nhà làm' đang dần trở thành xu thế, minh chứng là hoạt động mua và bán các sản phẩm này rất nhộn nhịp, đắt hàng nhất là trước dịp Tết.

Bên cạnh các loại mứt, củ kiệu ngâm cũng là một trong những sản phẩm được người dân ưa chuộng dịp Tết. Ảnh: Thảo Minh
Bên cạnh các loại mứt, củ kiệu ngâm cũng là một trong những sản phẩm được người dân ưa chuộng dịp Tết. Ảnh: Thảo Minh

Tuy nhiên, việc mua bán các sản phẩm này chủ yếu dựa trên niềm tin giữa người bán và người mua, dựa trên… cam kết miệng, không có đơn vị kiểm chứng chất lượng.

Đủ mọi mặt hàng

Thị trường thực phẩm “nhà làm” nhộn nhịp khi Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang tới gần. Chỉ cần gõ cụm từ “thực phẩm Tết nhà làm” trên các hội, nhóm trên mạng xã hội, người tiêu dùng có thể tiếp cận được rất nhiều sản phẩm được quảng cáo hấp dẫn, hình ảnh bắt mắt và mẫu mã đa dạng.

Một số sản phẩm được người bán khẳng định 100% là hàng làm từ nguyên liệu tươi, không chất phụ gia và không phẩm màu độc hại. Trong đó, những thực phẩm chế biến thủ công, được rao bán nhiều gồm: Giò chả, lạp xưởng, bánh quy, củ kiệu, khô gà/bò, các loại cá/tôm khô… Bên cạnh đó, các loại bánh, mứt nhà làm cũng đắt hàng.

Thời điểm này, chị P.H.T., một chủ hàng bán mứt dừa tại quận Bình Tân (TPHCM) đang tất bật để cho ra những sản phẩm kịp giao cho khách. Do được làm từ dừa non cùng sữa tươi và đường phèn nên so với các loại mứt trái cây trên thị trường Tết, mặt hàng này tuy nằm ở phân khúc giá cao nhưng vẫn rất hút khách hàng tìm mua.

Năm nay, mứt dừa non do cơ sở sản xuất tại nhà của chị T. được bán ra thị trường gồm nhiều vị như trà xanh, ca cao, lá dứa, lá cẩm, gấc… với nhiều mức giá khác nhau. Cụ thể, mứt dừa sáp non có giá 650 - 700 ngàn đồng/kg, mứt dừa xiêm non từ 350 - 500 ngàn đồng/kg, một số loại khác từ 250 - 300 ngàn đồng/kg.

“Mùa Tết năm ngoái, tôi sản xuất và bán ra gần 1,3 tấn mứt dừa non. Năm nay, kinh tế khó khăn, người dân đều thắt chặt chi tiêu nhưng số lượng khách sỉ và lẻ đặt hàng trong dịp Tết này cũng đạt gần 1 tấn. Do số lượng khách đặt hàng nhiều, tôi phải tuyển thêm hai nhân viên thời vụ để hỗ trợ khâu sản xuất và đóng gói”, chị T. nói.

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, cơ sở của chị T. đã đầu tư hệ thống máy hút chân không, bao bì đóng hộp và nhãn mác đầy đủ. Để khách hàng an tâm hơn, các quy trình từ chọn nguyên liệu đến chế biến cũng thường được chị T. quay, chụp và đăng tải lên mạng xã hội.

Còn chị L.H. ngụ quận Tân Phú (TPHCM) cho biết: “Bản thân lựa chọn kinh doanh lạp xưởng, vào dịp Tết là thời điểm sản xuất nhộn nhịp nhất trong năm. Khách hàng chủ yếu của tôi là người quen, trước đây đã đặt hàng nhiều lần và biết chất lượng nên tin tưởng đặt tiếp. Dù là thực phẩm tự làm nhưng sản phẩm của tôi đều được đóng gói và hút chân không cẩn thận, đảm bảo chất lượng đến tay khách hàng”.

Được biết, nhiều cơ sở, hộ gia đình, cá nhân sản xuất thực phẩm Tết đều chế biến tự phát. Do đó, nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, phụ gia, phương tiện chế biến, bảo quản không được kiểm soát. Trong khi đó bao bì sử dụng có thể được mua trôi nổi trên thị trường là loại giấy, nhựa tái chế, không rõ xuất xứ, không được các cơ quan chức năng thẩm định quản lý, cấp phép sử dụng.

Ngoài ra, phần lớn các cơ sở chế biến bán hàng online đều có quy mô nhỏ lẻ, không chịu sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền, không đủ trang thiết bị bảo quản, không đủ kiến thức về dinh dưỡng… Điều này dẫn đến tình trạng sản phẩm không đạt chất lượng, tiềm ẩn các nguy cơ về mất an toàn thực phẩm.

Mứt dừa là sản phẩm được nhiều người tiêu dùng lựa chọn vào dịp Tết. Ảnh: Thảo Minh.
Mứt dừa là sản phẩm được nhiều người tiêu dùng lựa chọn vào dịp Tết. Ảnh: Thảo Minh.

Cần kiểm soát chặt chẽ

Trước tình trạng hoạt động kinh doanh thực phẩm “nhà làm” đang nở rộ hiện nay, lãnh đạo Sở An toàn thực phẩm TPHCM nhìn nhận: Hầu hết các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh dưới dạng thực phẩm “nhà làm” thường không có giấy phép kinh doanh cũng như không có giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm. Việc mua bán chủ yếu dựa vào niềm tin. Do đó, đến nay, các cơ quan quản lý vẫn khó kiểm soát chất lượng của những sản phẩm này.

Dù được đảm bảo bằng “uy tín cá nhân” nhưng Sở An toàn thực phẩm TPHCM cho rằng, nguy cơ ngộ độc từ thực phẩm “nhà làm” vẫn có thể xảy ra. Nguyên nhân là do không ổn định về chất lượng giữa các lần sản xuất. Nguyên liệu đầu vào, phụ gia sử dụng không đảm bảo nguồn gốc và chất lượng; không có quy trình sản xuất cụ thể. Ngoài ra, phương tiện chế biến, cách bảo quản và thành phẩm không được kiểm tra, giám sát định kỳ…

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM cho biết, nếu thực phẩm được gắn mác “nhà làm” không có nhãn mác, sản xuất theo quy định thì hãy để người trong gia đình tự ăn với nhau.

Còn một khi thực phẩm được bán ra cộng đồng và thu lợi nhuận, người sản xuất cần phải tuân thủ tất cả những quy định về an toàn thực phẩm. Người chế biến và người bán phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình.

Theo đó, những thực phẩm chế biến đóng gói phải tự công bố theo các tiêu chuẩn chất lượng, có phiếu kiểm nghiệm, quy trình sản xuất. Ngoài ra, người trong khâu chế biến phải giữ vệ sinh sạch sẽ, không bị các bệnh truyền nhiễm… Dựa vào những thông tin này, người tiêu dùng có thể an tâm lựa chọn sản phẩm.

Hiện nay vẫn còn nhiều khoảng trống trong việc quản lý thực phẩm “nhà làm”, trong khi đó thị phần đang ngày càng mở rộng hơn. Đa số thực phẩm này được rao bán trong các hội nhóm trên mạng xã hội.

Vì đây là hình thức mới phát sinh trong những năm gần đây nên những quy định bán hàng trực tuyến chưa đầy đủ. Vì vậy, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm gọi là “nhà làm”, nhưng được rao bán qua mạng, để hạn chế rủi ro cho người tiêu dùng.

Hiện, Sở An toàn thực phẩm TPHCM vẫn đang kiểm tra các cơ sở sản xuất, cũng như nghiên cứu, đề xuất những mô hình để quản lý thực phẩm “nhà làm” phù hợp thực tiễn.

Ngoài ra, khi phát hiện những cơ sở bán sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, người dân có thể thông báo qua số đường dây nóng của Sở An toàn thực phẩm TPHCM để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

“Nếu người tiêu dùng không có hóa đơn thì khi xảy ra sự cố, khó truy trách nhiệm. Vì vậy, để tránh sử dụng phải thực phẩm không đảm bảo chất lượng, người dân nên chọn mua sản phẩm ở những địa chỉ đáng tin cậy, có thương hiệu, uy tín để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình”, bà Phạm Khánh Phong Lan khuyến cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ