Trước đây khi các em không thuộc bài, các em chỉ yên lặng hoặc xin thầy cô cho nợ, sẽ gỡ điểm vào bài tới, nhưng bây giờ, câu trả lời thường nghe của học sinh khi nhận được câu hỏi của thầy cô là: “Biết chết liền!”. Một số thầy cô không giữ được bình tĩnh đã phê bình nghiêm khắc các em làm không khí học tập bị ảnh hưởng, song học sinh thì không biết tại sao thầy cô nổi nóng như vậy, nói “biết chết liền” thì đã chết ai đâu?
Trên sân khấu, diễn viên còn được vỗ tay tán thưởng nữa là! Tôi vốn có xem các chương trình truyền hình này nên giải thích với các em rằng có những câu nói, hành động chỉ phù hợp trên sân khấu để khắc họa nhân vật. Các em sử dụng không phù hợp sẽ gây phản tác dụng nơi người nghe; có thể thầy cô đánh giá các em thiếu tôn trọng thầy cô.
Không lâu sau đó, một đồng nghiệp của tôi than thở trước hội đồng sư phạm nhà trường rằng khi cô hay các bạn cùng lớp mang đến một khái niệm, một thông tin mới trong bài học…, lập tức nhiều em hét to: “Á đù!”. Cô đã mất thời gian tìm hiểu nhưng chưa biết ý nghĩa của từ ngữ đó. Nhiều học sinh nữ khác cũng hay dùng từ này trong giờ học lẫn giờ ra chơi.
Thậm chí từ này hình như chực chờ sẵn nơi cửa miệng, chỉ va chạm nhau hay cần phát biểu gì thì trước tiên là “Á đù!” cái đã. Sau khi tìm xem các chương trình hài, tôi phát hiện đấy chính là biến thể của một câu chửi tục mà một diễn viên hài đã mang lên sân khấu. Học sinh thấy lạ nên bắt chước theo. Tôi và các đồng nghiệp phải ra sức giải thích cho các em biết đây là một từ thô tục, không thể chấp nhận nơi học sinh cũng như ở mọi người, nếu các em sử dụng trong giao tiếp sẽ bị đánh giá thấp. Các em cho biết không hiểu từ này nói gì nhưng thấy diễn viên sử dụng cũng hay hay nên nói theo, đâu ngờ nó mang ý nghĩa xấu như vậy.
Gần đây, thầy cô chúng tôi thoạt đầu bật cười nhưng sau đó khó chịu vì mỗi khi chúng tôi giảng bài hay các bạn làm tốt một bài tập, thì các em hô to “vi diệu”. Hóa ra đây là một từ hay xuất hiện trong một chương trình truyền hình từ một MC - danh hài nổi tiếng. Học sinh của tôi cứ nghĩ mình là giám khảo một chương trình truyền hình nên mặc sức khen thầy cô và các bạn là “vi diệu”. Cả khi không có điều gì là “vi diệu”, các em cũng hô to “vi diệu, vi diệu”. Lại một lần nữa, tôi và đồng nghiệp phải giải thích các em sử dụng tiếng Việt sao cho trong sáng, phù hợp với lứa tuổi học sinh.
Những người dạy học như chúng tôi mong sao các tác giả kịch bản, các diễn viên cẩn trọng hơn việc sử dụng các câu chữ khi lên truyền hình. Học sinh tuổi còn nhỏ, dễ tiếp thu mọi điều mà chưa đủ khả năng phân biệt giới hạn sử dụng. Đôi khi điều tốt, các em học rất lâu mới thấm nhưng điều chưa tốt lại tiếp nhận rất nhanh. Những người làm thầy như chúng tôi rất khổ tâm khi phải uốn nắn học sinh của mình thoát khỏi ảnh hưởng không mong muốn về việc sử dụng ngôn ngữ “biến thể” từ các chương trình truyền hình.