Cẩn trọng khi mua bánh Trung thu giá rẻ trên mạng

GD&TĐ - Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Trung thu. Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường bánh Trung thu đìu hiu thấy rõ.

Bánh Trung thu giá rẻ tự làm được rao bán nhiều trên mạng.
Bánh Trung thu giá rẻ tự làm được rao bán nhiều trên mạng.

Thay vì ồ ạt tung ra sản phẩm chào bán như mọi năm, các doanh nghiệp lớn gần như chỉ làm theo đơn đặt hàng, còn thị trường nhỏ, tư nhân thì lên mạng tìm kiếm cơ hội.

Khó kiểm soát chất lượng bánh nhà làm bán online

Ảnh hưởng giãn cách vì dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu thụ bánh sụt giảm thê thảm. Nhiều doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất bánh Trung thu cũng giảm sản lượng, quy mô sản xuất, thậm chí ngưng luôn mặt hàng này.

Đơn cử như chuỗi cửa hàng bánh ngọt ABC Bakery và Tập đoàn Kido đã ra thông báo năm nay không sản xuất bánh Trung thu cung ứng cho thị trường. Nguyên nhân theo thông báo từ đơn vị này là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chi phí sản xuất bánh Trung thu tăng cao, kéo theo giá bán tăng tương ứng, nếu sản xuất thì doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng sẽ chịu thiệt, vì vậy phải tạm ngưng sản xuất.

Với những doanh nghiệp sản xuất bánh Trung thu có tiếng tại TPHCM như Kinh Đô, Đồng Khánh, Givral, Như Lan… hoạt động cung cấp bánh cho khách hàng vẫn duy trì nhưng chỉ ở mức hạn chế và được các đơn vị đẩy mạnh kênh mua bán dưới hình thức trực tuyến. Phương thức kinh doanh chủ yếu qua các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo… và theo đơn đặt hàng.

Việc các thương hiệu lớn năm nay giảm sản lượng đã tạo “sân chơi” cho sản phẩm bánh Trung thu nhà làm. Thực tế, hàng năm ngoài những bánh Trung thu truyền thống từ các thương hiệu lớn tung ra thị trường, những sản phẩm bánh được làm tại nhà (handmade) cũng được người tiêu dùng yêu thích do loại bánh này có hương vị thơm ngon, kiểu dáng, mẫu mã mới, sáng tạo.

Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (giãn cách), các tiểu thương sản xuất bánh tại nhà càng tận dụng mạnh hơn thế mạnh của mạng xã hội Zalo, Facebook, TikTok, các nhóm mua bán online, cộng đồng khu dân cư để tiêu thụ sản phẩm.

Điều đáng nói, sự cạnh tranh của dòng bánh tự làm lại đang có xu hướng hút khách nhiều hơn khi mức giá bán cạnh tranh và đáp ứng mọi mức giá của người tiêu dùng, tất nhiên, chất lượng sản phẩm sẽ tương ứng với mức giá bánh bán ra.

Hiện, mức giá bánh nhà làm được chào bán phổ biến từ 20.000 - 30.000 đồng/bánh. Loại nhỏ hơn (bánh mini) chỉ có mức bán 5.000 - 8.000 đồng/bánh.

Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp sản xuất bánh Trung thu lớn, uy tín tại TPHCM đều duy trì giá bán tương đương năm trước. Cụ thể, mức giá bánh phân khúc biếu tặng (size lớn) có mức giá từ 68.000 - 167.000 đồng/cái tùy loại. Ở phân khúc biếu tặng (size nhỏ) và bánh chay giá bán từ 52.000 - 68.000 đồng/cái. Phân khúc cao cấp giá bán từ 1,2 – 4,5 triệu đồng/hộp.

Vừa đặt trên Facebook và nhận được 2 hộp bánh Trung thu với giá bán chỉ 120.000 đồng/hộp, anh Nguyễn Thành Trung, nhà tại TP Thủ Đức cho biết sẽ không bao giờ đặt bánh trên mạng và mua hàng không rõ nguồn gốc nữa bởi quảng cáo một đằng bán một nẻo. Đó là chưa kể bánh có dấu hiệu bắt đầu bị hư do để quá ngày.

“Nhà có 3 đứa con, tụi nhỏ xem trên các trang mạng thấy quảng cáo bánh Trung thu nên đòi ăn. Vì tiết kiệm nên tôi đặt 2 hộp bánh trên Facebook của một người chuyên kinh doanh online.

Tuy nhiên, 2 hộp bánh họ giao thì một hộp tạm chấp nhận, hộp còn lại kiểu như bị tráo ruột. Phản ánh với họ thì ghi nhận và nói sẽ xem xét nhưng chờ mãi không thấy phản hồi, nhắn tin, phản ánh sản phẩm tệ thì họ chặn, xóa. Hộp bánh có 120.000 đồng nên thôi bỏ”, anh Trung nói.  

Cẩn trọng với bánh Trung thu giá rẻ, không rõ nguồn gốc

Có một thực tế là trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh hiện nay, không phải gia đình nào cũng đủ khả năng để mua hộp bánh 300.000 - 400.000 đồng cho con ăn. Vì vậy, nhiều người đã chọn kênh mua bánh giá rẻ từ các tiểu thương nhỏ lẻ, cá nhân tự làm bán.

Năm nay, dù thị trường bánh Trung thu không sôi động, nhưng số lượng bánh Trung thu kém chất lượng, bánh không có nguồn gốc rõ ràng vẫn được không ít người kinh doanh vì tiền mà bất chấp nhập lậu, đánh tráo bánh khi bán cho khách hàng.

Đơn cử, mới đây Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 thuộc Cục QLTT tỉnh Tây Ninh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh Thanh Hà về hành vi kinh doanh bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tang vật là 1.500 chiếc bánh Trung thu các loại.

Tương tự, trước đó ngày 9/9, Đội QLTT số 3 của tỉnh Gia Lai đã phát hiện và tiến hành khám đột xuất phương tiện vận tải xe “luồng xanh” (có mã QR Code) do ông Vũ Châu Quốc Hoàn điều khiển, địa chỉ thường trú phường Yên Đỗ, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Qua khám xét, Đội QLTT số 3 đã phát hiện trên xe đang vận chuyển 139 kg sản phẩm thực phẩm bánh Trung thu được đóng gói trong 59 thùng bao gồm hơn 3.000 cái bánh Trung thu các loại với các nhãn hiệu lạ như GANCHI TANGYUAN, AIDEBAO và JZYUKANG.

Toàn bộ số bánh Trung thu trên không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Qua làm việc, chủ lô hàng khai thừa nhận ông mua số bánh Trung thu trôi nổi trên thị trường rồi vận chuyển về để bán kiếm lời.

Trước thực trạng nở rộ trào lưu tự làm bánh, bánh Trung thu từ nước ngoài vào Việt Nam, Cục Thương mại Điện tử & Kinh tế số (Bộ Công Thương) cảnh báo nguy cơ về an toàn thực phẩm, cũng như sức khỏe người tiêu dùng nếu như mua và sử dụng các loại bánh không rõ nguồn gốc, xuất xứ, sản phẩm có chứa các chất phụ gia không cho phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Thương mại Điện tử & Kinh tế số khuyến cáo khi lựa chọn và sử dụng bánh Trung thu, người tiêu dùng cần chọn các sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, có tên, địa chỉ nhà sản xuất, hướng dẫn sử dụng, bảo quản.

Đặc biệt, chỉ nên chọn và mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin về chủ sở hữu website gồm tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế; Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, thông tin về các chính sách đổi trả hàng, hoàn tiền, giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng.

Theo bà Vũ Thị Thanh Huyền – Phòng Thông tin, Giáo dục, Truyền thông Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM, bánh Trung thu trước khi được bán ra thị trường phải đáp ứng các quy định rất nghiêm ngặt về điều kiện vệ sinh ATTP. Bánh phải có thông tin truy xuất được nguồn gốc để chịu trách nhiệm với người tiêu dùng.

“Với loại bánh cá nhân tự làm, bánh thẩm lậu không rõ nguồn gốc bán trên mạng, người tiêu dùng cần hết sức cân nhắc trước khi mua vì không ai đảm bảo những bánh ấy không chứa chất phụ gia, chất tạo màu, chất cấm, gây nguy hại đến sức khỏe người sử dụng.

Nếu mua hàng qua các kênh này, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét về vấn đề nguồn gốc rõ ràng, đầu vào nguyên vật liệu… để tự bảo vệ mình”, bà Huyền khuyến cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ