Dù đã có kinh nghiệm nhưng tâm thế của các Sở GD&ĐT là không chủ quan, chuẩn bị tốt nhất về nhân sự, cơ sở vật chất, thiết bị; đặc biệt công tác tập huấn, hướng dẫn về nghiệp vụ in sao đề đã được thực nghiệm kĩ, nghiêm túc.
Nhiều địa phương dự kiến 22/6 hoàn thành in sao đề
Ông Nguyễn Xuân Trường - Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết, với số lượng thi sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia 2018 là trên 20.000, tăng nhẹ so với năm trước, công tác in sao đề thi của Hải Phòng được bắt đầu từ ngày 13/6 và dự kiến sẽ hoàn thành vào 22/6. Sở GD&ĐT thuê 5 máy in sao, tăng 1 chiếc so với năm 2017; lượng nhân sự huy động cho công tác này là 29 người.
Địa điểm in sao đảm bảo an toàn, kín đáo, biệt lập và được bảo vệ nghiêm ngặt trong suốt thời gian làm việc, có đầy đủ phương tiện bảo mật, phòng cháy, chữa cháy. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc yêu cầu cách ly theo 3 vòng độc lập, những người làm việc trong khu vực in sao đề thi chỉ được hoạt động trong phạm vi không gian cho phép.
“Trước khi thực hiện in sao, tất cả máy móc và con người làm công việc này đều được PA83 kiểm tra kĩ lưỡng. Mặc dù năm trước đã làm quen, nhưng chúng tôi vẫn quán triệt tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm cao, để đảm bảo việc in sao đề thi an toàn nhất” - ông Nguyễn Xuân Trường cho hay.
Cụm thi Sở GD&ĐT Bình Dương có mã số 47, gồm 21 điểm thi đặt tại các trường THPT, THCS ở các huyện, thị xã, thành phố, với tổng 11.399 thí sinh (9.275 thí sinh THPT và 1.040 thí sinh GDTX, còn lại là thí sinh tự do). Trong số này có 10.012 thí sinh vừa thi tốt nghiệp, vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ; 540 thí sinh chỉ thi tốt nghiệp, 847 thí sinh dự thi THPT quốc gia để xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Theo bà Nguyễn Phương Dung - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Dương - Sở GD&ĐT huy động 18 người cho công tác in sao đề, trong đó 12 nhân lực vòng 1; 4 nhân lực vòng 2 và 2 nhân lực vòng 3. Toàn bộ 18 người này đã vào khu vực in sao và cách ly theo đúng quy định từ ngày 14/6 - 27/6.
Vòng 1 chỉ gồm các cán bộ in sao đề thi, tiếp xúc trực tiếp với đề thi; là khu vực khép kín, cách ly tuyệt đối với bên ngoài từ khi mở đề thi gốc và bắt đầu in sao đến khi thi xong môn cuối cùng. Các thành viên vòng 1 có nhiệm vụ in sao, đóng gói, niêm phong đề thi cẩn thận, đầy đủ, chính xác theo đúng số lượng phòng thi ở mỗi điểm thi.
“Năm nay, cụm thi tại Bình Dương chuẩn bị 3 máy photocopy siêu tốc, 2 máy trộn đề và các cơ sở vật chất khác phục vụ in sao. Sở GD&ĐT đã tổ chức họp quán triệt về công tác quan trọng này trước khi cán bộ vào khu vực in sao đề. Sáng 23/6 bắt đầu triển khai công tác coi thi, bàn giao danh sách thí sinh, thẻ dự thi, phiếu thu bài thi và các văn bản, biểu mẫu khác cho các điểm thi. Ngày 24/6, Ban Giám đốc Sở GD&ĐT sẽ tham gia các đoàn đi giao đề thi cho các điểm thi trên địa bàn tỉnh” - bà Nguyễn Phương Dung cho biết.
Đề thi được bảo vệ nghiêm ngặt
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, khu vực in sao đề thi phải thực hiện nghiêm túc yêu cầu cách ly theo 3 vòng độc lập. Theo đó, vòng 1 là vòng in sao đề thi; vòng 2 bảo vệ trong, gồm có 1-2 cán bộ an ninh bảo vệ và 1 cán bộ thanh tra trong đoàn thanh tra; vòng 3 bảo vệ ngoài, gồm công an và nhân viên bảo vệ có nhiệm vụ bảo vệ và là đầu mối giao tiếp giữa vòng 2 với bên ngoài, đảm bảo tối thiểu 2 người trực và phải trực 24/ngày. Mọi phương tiện, thiết bị, vật tư trong khu vực in sao dù bị hư hỏng hay không dùng đến chỉ được đưa ra ngoài khu vực cách ly khi thi xong môn thi cuối cùng của kỳ thi.
Thông tin từ ông Trần Đức Thiện - Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT Hưng Yên) - ngoài bố trí 3 vòng độc lập theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT, trong đó vòng 3 có đến 4 cảnh sát - gấp đôi yêu cầu tối thiểu, Sở GD&ĐT còn bố trí thêm 2 bảo vệ của Sở ở vòng ngoài, giống như vòng thứ 4, đảm bảo an toàn nhất cho công tác in sao đề thi. Như vậy, Ban In sao đề thi của Hưng Yên gồm 22 người, trong đó có 1 Trưởng ban; 1 Phó trưởng ban, 1 Thư ký, 11 ủy viên, 1 Công an tỉnh PA83, 1 Thanh tra Sở, 4 cảnh sát bảo vệ và 2 bảo vệ cơ quan Sở.
“Năm nay, chúng tôi được UBND tỉnh mua thêm 2 máy in siêu tốc, do đó có tổng 5 máy phục vụ in sao. Thời gian hoàn thành dự kiến vào 22/6” - ông Trần Đức Thiện cho biết thêm.
Các Sở GD&ĐT cũng quán triệt nghiêm túc hướng dẫn thực hiện Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2018 của Bộ GD&ĐT. Theo đó, trong quá trình in sao cần đọc soát đề thi gốc, kiểm tra kỹ bản in sao thử, so sánh với bản đề thi gốc trước khi in sao. Trường hợp phát hiện sai sót hoặc có nội dung còn nghi vấn trong đề thi gốc phải báo cáo ngay với Chủ tịch Hội đồng thi để đề nghị Ban Chỉ đạo thi quốc gia xử lý.
Đồng thời, kiểm soát chính xác số lượng thí sinh của từng phòng thi, điểm thi, môn thi để tổ chức phân phối đề thi, ghi tên điểm thi, phòng thi, môn thi và số lượng đề thi, giờ phát đề thi vào từng phong bì chứa đề thi, quy định tại khoản 4 Điều 16 của Quy chế thi trước khi đóng gói đề thi.
Trong quá trình in sao phải kiểm tra chất lượng bản in sao; các bản in sao thử và hỏng phải được thu lại, bảo quản theo chế độ mật. Đóng gói đúng số lượng đề thi, đúng môn thi ghi ở phong bì chứa đề thi, đủ số lượng đề thi cho từng điểm thi, từng phòng thi. Mỗi môn thi ở điểm thi phải có đề thi dự phòng cho ít nhất 2 phòng thi với số lượng tối đa (đối với đề thi trắc nghiệm phải có đủ tất cả các mã đề cho mỗi phòng thi)... Phải có biện pháp cụ thể để phân biệt túi đề thi của các môn thi, bài thi khác nhau.
Ban In sao đề thi chuyển giao các bì đề thi đã niêm phong cho Ban Vận chuyển và bàn giao đề thi. Tuỳ theo điều kiện thực tế của địa phương, Chủ tịch Hội đồng thi quyết định phương án và thời gian giao đề thi cho các điểm thi, trên cơ sở đảm bảo an toàn và bảo mật.