63 tỉnh, thành sẵn sàng cho Kỳ thi THPT quốc gia 2018

GD&TĐ - Bắt đầu từ ngày 24/6, gần 926.000 thí sinh sẽ chính thức bước vào Kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại 2.144 điểm thi, với 39.689 phòng thi trên cả nước. Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã cơ bản hoàn tất ở 63 tỉnh, thành.

63 tỉnh, thành sẵn sàng cho Kỳ thi THPT quốc gia 2018

Hầu hết các nhà trường cũng chốt lại củng cố kiến thức cho HS, để các em có thời gian nghỉ ngơi, chuẩn bị tâm lý và sức khỏe tốt nhất trước kỳ thi.

Đề thi đã sẵn sàng

Trao đổi với báo chí về công tác chuẩn bị cho kỳ thi, ông Nam Nhật Minh - Phó trưởng phòng Quản lý thi và Tuyển sinh (Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT) - cho biết: Rà soát ma trận đề thi Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, Bộ GD&ĐT đã thực hiện bổ sung điều chỉnh xây dựng ma trận đề thi Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 phù hợp với phương án đã công bố.

Ma trận đề đảm bảo phù hợp với hình thức thi đã công bố, theo hướng tiếp tục thực hiện định hướng đánh giá năng lực người học, tăng mức yêu cầu vận dụng kiến thức, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn; đồng thời tăng cường phân hóa kết quả thi đảm bảo đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tin cậy để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, trung cấp.

Căn cứ ma trận đề thi, Bộ GD&ĐT đã xây dựng và công bố bộ đề thi tham khảo làm cơ sở cho giáo viên và học sinh vận dụng trong dạy học và ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi. Hiện nay, đề thi đã sẵn sàng để phục vụ kỳ thi. Công tác bảo mật đề thi được đặc biệt quan tâm, các địa phương đều đã có phương án cụ thể, khả thi để bảo mật tuyệt đối đề thi ở tất cả các khâu.

Phần mềm Quản lý ngân hàng câu hỏi thi đã được hoàn thiện, sử dụng dễ dàng, phục vụ tốt cho xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và công tác xây dựng đề thi. Phần mềm chấm thi trắc nghiệm đã được bàn giao và nghiệm thu, các Sở GD&ĐT đã dùng thử cho kết quả tốt, đến nay đã sẵn sàng sử dụng. Hệ thống phần mềm quản lý Kỳ thi THPT quốc gia vận hành tốt, đến nay phần mềm hoạt động thông suốt, không có bất kỳ trục trặc nào.

Nghiêm từ trong, phòng từ xa, ngăn chặn từ đầu

“Nghiêm từ trong, phòng từ xa, ngăn chặn ngay từ đầu” là phương châm của ngành Giáo dục tỉnh Thanh Hóa trong chuẩn bị, triển khai thực hiện các kỳ thi qua nhiều năm, trong đó có Kỳ thi THPT quốc gia. Theo ông Hoàng Văn Thi – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa - nghiêm từ trong tức là việc thực hiện nghiêm túc, đúng quy chế trước hết từ những người tham gia vào quá trình tổ chức thi; phòng từ xa: Lên phương án, dự phòng những tình huống có thể xảy ra trong kỳ thi; ngăn chặn từ đầu: khi vào phòng thi, giám thị tiếp tục quán triệt thí sinh về quy chế thi, các vật dụng được phép mang vào phòng thi, chú ý phát hiện, xử lý các trường hợp gian lận trong thi cử nếu có...

“Từ đầu năm học, Sở GD&ĐT đã tuyên truyền, phổ biến quy chế thi, những điểm mới của kỳ thi; ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo đơn vị, trường học thực hiện công tác chuẩn bị. Sở cũng làm tốt công tác tham mưu với UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các ban, ngành liên quan như công an, y tế, điện lực, Đoàn Thanh niên… Đến nay, mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng” - ông Hoàng Văn Thi cho hay.

Đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công tác phòng chống gian lận trong thi cử, đặc biệt gian lận bằng các thiết bị công nghệ cao được đặc biệt quan tâm. Ông Nguyễn Huy Bằng – Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT – cho biết: Các thiết bị thông minh sử dụng để gian lận thi cử có thể ngụy trang bằng nhiều cách, có thể là vỏ máy tính nhưng bên trong là thiết bị ghi âm, ghi hình; cải trang qua thẻ ATM, hoặc tai nghe rất nhỏ, khó phát hiện.

Tuy nhiên, khi sử dụng các thiết bị đó, thí sinh nhất định có dấu hiệu bất thường. Chống gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao, vai trò số một là giám thị. Do đó, việc tập huấn kĩ cho đội ngũ này được nhấn mạnh; ngay trước khi thi, các điểm thi cần lưu ý, hướng dẫn giám thị về điều này.

Để làm tốt việc chống gian lận trong thi cử, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với A83, Bộ Công an, chỉ đạo PA83 ở các địa phương tập huấn cho cán bộ coi thi về nội dung này. Hai bên cũng phối hợp trong suốt quá trình diễn ra kỳ thi để xử lý nhanh những tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Riêng công tác thanh tra thi, tinh thần chung là phân tuyến rõ, thanh tra không chồng chéo. Với khoảng hơn 2.000 điểm thi, lực lượng thanh tra lên tới khoảng trên 4.000 người.

Tinh thần chuẩn bị nghiêm túc tại 63 tỉnh, thành

Báo cáo của Bộ GD&ĐT cung cấp cho báo chí tại Hội nghị tập huấn công tác truyền thông, cho đến nay, toàn bộ các địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh; nhiều đơn vị thành lập thêm Ban chỉ đạo thi cấp huyện để giúp Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh chuẩn bị chu đáo, triển khai tổ chức tốt các điểm thi ở địa phương. Đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, nhân lực để triển khai công tác đề thi, thực hiện chặt chẽ quy trình in sao đề thi; đảm bảo tuyệt đối an toàn, bảo mật trong các khâu in sao, vận chuyển, lưu giữ, sử dụng đề thi; thực hiện kĩ lưỡng việc rà soát điều kiện cơ sở vật chất và công tác chuẩn bị của các điểm thi...

Các địa phương đều tiếp tục quán triệt tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật và tăng cường tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi cho cán bộ tham gia kỳ thi; rà soát kỹ phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, thông tin liên lạc, vệ sinh an toàn thực phẩm và cung cấp điện, nước tại tất cả các điểm thi; tăng cường công tác truyền thông nhằm ngăn chặn kịp thời và tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, gian lận trong thi cử. Mọi Hội đồng thi đều tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn nghỉ cho thí sinh và người thân ở các địa điểm thi, không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại...

Cùng với 63 tỉnh, thành, công tác phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Bộ Công an, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, trong tổ chức kỳ thi tiếp tục được tăng cường.

Từ nay đến ngày chính thức diễn ra kỳ thi, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức và kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại các Sở GD&ĐT, hướng dẫn xử lý các khó khăn vướng mắc trong quá trình chuẩn bị tổ chức thi; chỉ đạo các Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch in sao, vận chuyển, bảo quản đề thi, bài thi, bố trí cơ sở vật chất thiết bị, nhân lực thực hiện đảm bảo bảo mật an toàn cho đề thi, bài thi trong suốt quá trình tổ chức thi. Chỉ đạo địa phương phối hợp với các trường ĐH, CĐ lên phương án chuẩn bị phương tiện tổ chức đưa, đón cán bộ, giảng viên về địa phương coi thi và thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu phối hợp của địa phương...

Năm 2018, cả nước đã điều động hơn 45.000 cán bộ, giảng viên tham gia phối hợp với các địa phương để tổ chức thi. Các trường cũng đã xây dựng và triển khai kế hoạch tham gia tổ chức thi với các địa phương đáp ứng yêu cầu của quy chế; có phương án cụ thể, khả thi cho việc đi lại, ăn ở cũng như bảo đảm an ninh, an toàn trong thời gian làm công tác thi; triển khai tập huấn nghiệp vụ công tác thi cho cán bộ, giảng viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ