Xin bà cho biết về công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia 2018 của tỉnh Hậu Giang đến thời điểm này thế nào? So với năm ngoái, năm nay số lượng thí sinh dự thi, cán bộ coi thi – chấm thi thay đổi ra sao?
Tính đến thời điểm hiện nay thì công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT QG của tỉnh đã hoàn tất như: Thành lập và họp Ban chỉ đạo thi của tỉnh; Tổ chức Hội nghị Triển khai công tác thi THPT quốc gia cho trưởng điểm, phó trưởng điểm, thư kí và thanh tra thi. Hướng dẫn nhiệm vụ cho các thành viên công tác coi thi; Thanh, kiểm tra công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia tại các điểm thi.
So với năm qua: số lượng thí sinh, cán bộ coi thi tăng hơn. Số thí sinh đăng kí dự thi là 6216 (tăng 1066 thí sinh) trong đó: đăng kí xét tốt nghiệp: 5947 thí sinh; xét Đại học: 4880 thí sinh; vừa xét tốt nghiệp vừa xét đại học: 4611 thí sinh. Số điểm thi: 19 điểm thi với 278 phòng thi (tăng 58 phòng thi).
Kì thi THPT quốc gia năm 2018 tổ chức tại tỉnh Hậu Giang do Sở GD&ĐT chủ trì phối hợp với 3 trường ĐH để tổ chức là Trường ĐH Cần Thơ, ĐH Võ Trường Toàn, Đại học Kỹ thuật- Công nghệ Cần Thơ (năm qua có ĐH Cần Thơ và ĐH Võ Trường Toản). Số giám thị coi thi, thanh tra:
Trường ĐH Cần Thơ: 169 coi thi và 9 thanh tra cắm chốt. Trường ĐH Võ Trường Toản: 57 cán bộ coi thi và 5 thanh tra cắm chốt. Trường ĐH Kỹ thuật- Công nghệ Cần Thơ: 90 cán bộ coi thi và 5 thanh tra cắm chốt.
Việc bố trí các cụm thi, việc hỗ trợ đi lại ăn nghỉ đối với các thí sinh ở xa, thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, có đảm bảo thuận lợi cho các em và phụ huynh hay không, thưa bà?
Tỉnh Hậu Giang có 19 điểm thi được tổ chức tại 8 huyện, thị, thành phố. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các em tham gia kỳ thi, phụ huynh không phải đi xa. Nhà trường phối hợp với địa phương, Ban đại diện cha mẹ học sinh tạo điều kiện chỗ ăn, nghỉ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tỉnh đoàn, phối hợp với ngành giáo dục hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ thí sinh và người nhà thí sinh trong kỳ thi.
Công tác sao in đề thi, vận chuyển và bảo mật đề thi, tổ chức cho giám thị đi lại ăn ở, là vấn đề đặc biệt quan trọng được tỉnh chuẩn bị đến đâu? Tỉnh đã có các phương án đề phòng sự cố hay chưa, thưa bà?
Sở GD& ĐT phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố tạo điều kiện cho cán bộ coi thi chỗ ăn, nghỉ tại các điểm thi. Đặc biệt ngành Giáo dục phối hợp với Công an tỉnh trong công tác bảo đảm tính bảo mật, an toàn trong quá trình in, sao đề và vận chuyển đề thi, bài thi và tại các điểm thi. Ngoài ra tỉnh cũng có các phương án dự phòng như: cán bộ coi thi, phương tiện vận chuyển, máy in, máy phô tô, máy phát điện,… dự phòng khi xảy ra sự cố.
Công tác thanh tra giám sát trong suốt kỳ thi đã được chuẩn bị như thế nào? Lực lượng thanh tra chuyên trách không đủ vậy Sở đã tăng cường cho lực lượng này ra sao, chất lượng của lực lượng này thế nào, thưa bà?
Công tác thanh tra, giám sát suốt kỳ thi được đặc biệt quan tâm. Sở đã thành lập các đoàn thanh tra công tác chuẩn bị thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi, xét công nhận tốt nghiệp và phúc khảo bài thi, xét công nhận tốt nghiệp sau phúc khảo.
Tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh tra, thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin liên quan đến kỳ thi theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Lực lượng thanh tra chuyên trách của sở có 4 đồng chí. Sở đã triệu tập 19 cộng tác viên thanh tra thuộc sở, phối hợp với các trường đại học (đơn vị phối hợp tổ chức thi) cử 21 cán bộ tham gia thanh tra, giám sát kỳ thi. Tổng số có 44 cán bộ làm công tác thanh tra coi thi (4 cán bộ chuyên trách của Thanh tra sở, 19 cộng tác viên thanh tra của sở, 21 cán bộ của trường đại học).
Lực lượng cộng tác viên thanh tra của sở và cán bộ các trường đại học đều được bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra và được tập huấn nghiệp vụ thanh tra thi nên đảm bảo chất lượng, đáp ứng được yêu cầu thanh tra thi.
Xin cảm ơn bà đã tham gia cuộc trao đổi này!