Tại Điều 16 trong Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 đã quy định rõ: “Học sinh xếp loại hạnh kiểm cả năm học từ trung bình trở lên nhưng học lực cả năm học xếp loại yếu, được chọn một môn học trong số các môn học có điểm trung bình cả năm học dưới 5,0 hoặc có kết quả xếp loại chưa đạt để kiểm tra lại. Kết quả kiểm tra lại được lấy thay thế cho kết quả xếp loại cả năm học của môn học đó để tính lại điểm trung bình các môn cả năm học và xếp loại lại về học lực; nếu đạt loại trung bình thì được lên lớp”.
Có nhiều học sinh có học lực loại yếu bên cạnh những lý do chủ quan như lười học, năng lực tiếp thu kiến thức hạn chế còn có những lý do khách quan tác động như hoàn cảnh gia đình, điều kiện sống... Do đó, quy định cho học sinh được thi lại là rất nhân văn. Quy định này giúp những học sinh xếp loại học lực yếu cuối năm có dịp để “sửa sai”. Những học sinh có nỗ lực, cố gắng bù đắp những “lỗ hổng” về kiến thức sau khi vượt qua kỳ thi lại vẫn sẽ được lên lớp, không phải lưu ban, đồng nghĩa với việc không bị lãng phí về thời gian, học phí...
Tuy nhiên, để việc thi lại ở mỗi đơn vị trường học đạt được mục đích phân loại, đánh giá đúng năng lực học tập thực tế của học sinh, các khâu tổ chức cần được tiến hành nghiêm túc. Đề thi vẫn phải được ra theo quy định ma trận với các mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao; phù hợp với “mặt bằng” nhận thức của học sinh.
Các câu hỏi trong đề thi cần được tổ, nhóm chuyên môn thảo luận, thống nhất trên cơ sở đề cao nguyên tắc bảo mật, tuyệt đối tránh tình trạng lộ đề thi. Bên cạnh đó, khâu coi thi, chấm thi cần đảm bảo tính khách quan, công bằng, chặt chẽ.
Trên thực tế, vẫn còn tồn tại hiện tượng một số giáo viên vì “thương” học sinh, không muốn các em phải ở lại lớp nhiều nên còn có phần nương nhẹ, dễ dãi trong khâu coi thi, chấm thi. Đây là hiện tượng cần khắc phục, chấm dứt. Với những học sinh có kết quả làm bài không đạt yêu cầu, không đủ điều kiện để lên lớp thì phải chấp nhận lưu ban theo quy định. Nếu để những học sinh có học lực yếu lên lớp, các em sẽ khó có thể theo kịp bạn bè trong quá trình học tập, khối lượng kiến thức sẽ trở nên “quá sức” với lực học của bản thân. Khi đó, những “lỗ hổng” kiến thức sẽ khó có thể được lấp đầy.