Đoàn công tác theo Quyết định số 435 ngày 24/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn làm trưởng đoàn làm việc với tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu và các tồn tại, vướng mắc tại địa phương.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn (Trưởng đoàn) đã đề nghị 3 địa phương cần tiếp tục phát huy tinh thần, kết quả đã đạt được của 9 tháng đầu năm 2024 trong 3 tháng cuối năm.
Tháp tùng đoàn công tác, phía Bộ GD&ĐT có ông Trần Thanh Đạm, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính; đại diện Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công Thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Xây dựng; Bộ Tài nguyên và Môi trường…
Tham gia buổi làm việc, về phía tỉnh Sóc Trăng có bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Ông Châu Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh; ông Ngô Vũ Thăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu.
Tín hiệu khả quan về kinh tế - xã hội
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của 3 tỉnh 9 tháng vừa qua đạt khá cao. Trong đó, tỉnh Trà Vinh đạt 9,93%; tỉnh Sóc Trăng đạt 6,55%; tỉnh Bạc Liêu đạt 6,32%.
Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ của cả 3 tỉnh đều tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt khá, trong đó tốc độ tăng tỉnh Trà Vinh đạt cao 9,93% (đứng thứ 7 trên 63 tỉnh thành về tốc độ tăng trưởng).
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước 9 tháng của 3 tỉnh chưa cao nhưng đã xấp xỉ bằng mức giải ngân trung bình của toàn quốc. Trong đó tỉnh Sóc Trăng giải ngân 40,7%, tỉnh Trà Vinh 49,6% và tỉnh Bạc Liêu 40,53%. Các tỉnh đều quan tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, quan tâm triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2024, ông Dương Văn Ngoảnh, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Sóc Trăng cho biết: Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng ước tăng 7% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 5,42%). Đồng thời, các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh đều tăng trưởng từ 0,99% - 32,8% so cùng kỳ, riêng tôm đông lạnh giảm 3,93%.
Về kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 (tính đến ngày 15/9/2024): Kế hoạch vốn năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao tính giải ngân đạt 40,69% kế hoạch (cùng kỳ năm 2023 giải ngân đạt 46,08%); kế hoạch vốn năm 2024 tỉnh giao bổ sung giải ngân đạt 17,91%; kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài giải ngân đạt 29,38%.
Đối với tỉnh Trà Vinh, ông Hồng Ngọc Hưng, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: Tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu 8 tháng (công bố ngày 11/9/2024) đạt 683,661 triệu USD, tăng 33,28% so với cùng kỳ.
Tình hình đầu tư công, phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 đảm bảo đúng nguyên tắc, tiêu chí theo quy định; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tổng kế hoạch vốn năm 2024 là 5.061,41 tỷ đồng, đến 16/9/2024 giải ngân 2.508,948 tỷ đồng, đạt 49,6% kế hoạch (cùng kỳ giải ngân đạt 50,2% kế hoạch)...
Thông tin tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2024, ông Ngô Vũ Thăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, hoạt động thương mại và dịch vụ nội địa trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 9 đạt 6.520,94 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng ước đạt 58.937,56 tỷ đồng, bằng 68,89% kế hoạch, tăng 5,4% so với cùng kỳ.
Trong tháng 12/2023, UBND tỉnh đã phân bổ vốn đầu tư công năm 2024 đến các chủ đầu tư để sớm triển khai thực hiện ngay từ đầu năm. Tính đến ngày 30/9/2024, vốn đầu tư công năm 2024 giải ngân được 1.481,473/3.655,092 tỷ đồng, đạt 40,53% kế hoạch. Riêng đối với vốn đầu tư công năm 2024 thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia là 253.247 triệu đồng. Đến cuối tháng 9 giải ngân 165.645 triệu đồng, đạt 65,4% kế hoạch vốn…
Tập trung giải quyết những khó khăn
Tại buổi làm việc, lãnh đạo, các sở, ban, ngành của 3 tỉnh trao đổi thẳng thắn, nêu rõ tình hình thực hiện, những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất để các thành viên Đoàn công tác nắm bắt, trao đổi, giải đáp, hướng dẫn tại buổi làm việc. Ghi nhận, tổng hợp báo cáo lãnh đạo các Bộ, cơ quan trung ương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, giải quyết.
Theo báo cáo của 3 tỉnh cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Một số khó khăn trong sản xuất kinh doanh như tiêu thụ một số loại rau màu ở tỉnh Sóc Trăng chưa thuận lợi, giá cả biến động; đăng ký doanh nghiệp thành lập mới so với cùng kỳ năm 2023 tại tỉnh Sóc Trăng chưa đạt mức kỳ vọng, trong khi đó tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường có xu hướng tăng; tương tự số doanh nghiệp thành lập mới của tỉnh Trà Vinh giảm, đồng thời số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng so với cùng kỳ năm 2023; tình hình nợ xấu...
Các khó khăn, vướng mắc đến thời điểm hiện tại được 3 tỉnh tiếp tục kiến nghị thuộc về các lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nông nghiệp, xây dựng, công thương, kế hoạch và đầu tư… Trong đó chủ yếu là các vướng mắc về đất đai; vướng mắc trong việc xác định nghĩa vụ tài chính đối với 20% quỹ đất nhà ở xã hội đối với dự án nhà ở thương mại; khung giá các nhà máy điện gió; nhu cầu hỗ trợ từ ngân sách trung ương để thực hiện một số dự án phòng, chống, khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển cấp bách…
Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thay mặt đoàn công tác đánh giá cao kết quả đạt được của 3 tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu trong 9 tháng đầu năm 2024. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn 3 tỉnh đều đã đạt được những kết quả khá khả quan trên các mặt sản xuất kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng, phân bổ chi tiết và thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, xuất nhập khẩu.
Bộ trưởng nhấn mạnh: Báo cáo của các tỉnh đã đề xuất, kiến nghị rất cụ thể. Các cơ quan liên quan đã có đại diện tham gia Đoàn công tác và trao đổi, giải đáp trực tiếp tại cuộc họp. Đối với một số nội dung kiến nghị của các tỉnh chưa được thành viên Đoàn giải đáp, hoặc ghi nhận; đề nghị các thành viên Đoàn công tác về báo cáo lãnh đạo để sớm có trả lời, hướng dẫn bằng văn bản gửi tới địa phương.
Với trách nhiệm cơ quan thường trực Đoàn công tác, Bộ GD&ĐT sẽ tổng hợp đầy đủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục gửi các kiến nghị, đề xuất của 3 tỉnh tới đúng địa chỉ các cơ quan liên quan để kịp thời nghiên cứu thực hiện hoặc trả lời kiến nghị, đề xuất của các tỉnh.
Thời gian tiếp theo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị 3 tỉnh bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra năm 2024, tiếp tục phát huy tinh thần, kết quả đã đạt được của 9 tháng đầu năm 2024. Khắc phục khó khăn để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những tháng đầu năm, thúc đẩy xuất nhập khẩu; liên hệ, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan trung ương để được giải quyết kịp thời những vướng mắc.
Đề nghị các tỉnh lưu ý tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo đã được nêu tại các Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện, Quyết định của của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tập trung vào một số nội dung như: Rà soát, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong những tháng cuối năm để tập trung chỉ đạo, điều hành; giải quyết tháo gỡ dứt điểm gắn với tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhất là đối với những nội dung, vấn đề còn vướng mắc, phức tạp, tồn đọng kéo dài, những vấn đề phát sinh...
Triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm; phấn đấu giải ngân đạt mức yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục tập trung thúc đẩy tiến độ thi công các công trình hạ tầng giao thông quan trọng.
Kịp thời điều chuyển vốn từ các nhiệm vụ, dự án không đủ điều kiện để giải ngân hoặc giải ngân chậm để bổ sung cho các nhiệm vụ, dự án có khả năng giải ngân nhanh và có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định; kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình chậm tiến độ thực hiện, giải ngân vốn, tiêu cực, tham nhũng, thất thoát, lãng phí...
Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, đặc biệt là UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ ngành Giáo dục địa phương trong thực hiện kế hoạch năm học. Chuẩn bị chu đáo cho 2 kỳ thi quan trọng là kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Bên cạnh đó, 3 tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống, nên tiếp tục quan tâm công tác giáo dục dân tộc; đào tạo giáo viên giảng dạy tiếng Khmer. Các trường đại học ở khu vực cần chủ động nhập cuộc đào tạo nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội…
"Các địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Tiếp tục rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực; thực hiện thực chất cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm quy định kinh doanh. Kịp thời khen thưởng hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền khen thưởng phù hợp để ghi nhận, động viên các tổ chức, cá nhân, lực lượng chức năng có thành tích nổi bật, xuất sắc…"- Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị.