Tiếp tục kiên trì thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo

GD&TĐ - Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội và Bộ GD&ĐT cùng làm việc về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024 và kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2024.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Sáng 30/9, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đã làm việc với Bộ GD&ĐT về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024, dự kiến chương trình công tác năm 2025 và kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.

Dự họp, phía Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội có Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh; các Phó chủ nhiệm: Nguyễn Thị Mai Hoa, Đinh Công Sỹ, Phan Viết Lượng, Tạ Văn Hạ; các ủy viên thường trực Ủy ban.

Về phía Bộ GD&ĐT có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ.

Ghi nhận nhiều kết quả trong giáo dục

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024, dự kiến chương trình công tác năm 2025 và kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.

Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội đánh giá báo cáo của Bộ GD&ĐT cơ bản bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ và đề cương đề nghị của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; phản ánh khá cụ thể về tình hình, kết quả đạt được; tồn tại, hạn chế, bất cập và nguyên nhân trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về GD-ĐT; đồng thời đề ra các giải pháp khắc phục và đề xuất, kiến nghị.

Trình bày dự thảo ý kiến của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đinh Công Sỹ nhận định các kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024 của ngành Giáo dục.

Theo đó, quan tâm hoàn thiện thể chế, pháp luật; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; Chính phủ trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 91-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW; tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các nghị định, nghị quyết, đề án, kế hoạch về phát triển GD-ĐT; ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được giao và nhiệm vụ năm học của ngành. Chuẩn bị công phu dự án Luật Nhà giáo trình Quốc hội.

Bo truong1.jpg
Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại hội thảo.

Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 20/3/2024 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15; ban hành Kế hoạch 390/KH-BGDĐT ngày 22/4/2024 triển khai thực hiện Nghị quyết số 32/NQ-CP. Theo đó, phân công cho 12 đơn vị thuộc Bộ chủ trì triển khai thực hiện 25 nhóm nhiệm vụ; phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai 3 nhóm nhiệm vụ và phân công rà soát, sửa đổi, bổ sung ban hành 22 văn bản quy phạm pháp luật. Đến nay, các đơn vị đã nghiêm túc, tích cực, chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo phân công...

Quản lý nhà nước về GD-ĐT được đổi mới, đẩy mạnh tự chủ, đổi mới quản trị cho các cơ sở giáo dục; thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học. Các địa phương đã chủ động thực hiện phân cấp, phân quyền, nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính chủ động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục trong thực hiện nhiệm vụ.

Mạng lưới, quy mô trường, lớp tiếp tục được quan tâm đầu tư. Sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục, sáp nhập điểm trường, làm gọn đầu mối quản lý. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non ở khu công nghiệp, khu chế xuất được quan tâm. Bổ sung phòng học kiên cố, bán kiên cố; quan tâm đầu tư mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học phục vụ yêu cầu triển khai Chương trình Giáo dục mầm non, Chương trình GDPT 2018.

z5881899515921_e2e1295c9faa648bf7b5f6fa648ac4a4.jpg
Nhiều vấn đề giáo dục được Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đưa ra trao đổi tại buổi làm việc.

Tỷ lệ huy động trẻ em đến trường tiếp tục được tăng lên, đạt 72,6% (tăng 2,2% so với năm học trước). Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi được củng cố, duy trì; phổ cập giáo dục tiểu học và THCS được các địa phương quan tâm, từng bước phấn đấu đạt chuẩn mức độ cao hơn. Huy động trẻ em trong độ tuổi vào tiểu học, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em khuyết tật.

Xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non, các địa phương đã chủ động tự rà soát, đánh giá các tiêu chuẩn về an toàn theo quy định.

Chất lượng GDPT, giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng lên, học sinh Việt Nam dự thi và đạt nhiều giải quốc tế cao. Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ được chú trọng.

Tự chủ giáo dục ĐH từng bước đi vào thực chất, gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin theo quy định; hệ thống quản trị nhà trường được ưu tiên kiện toàn.

Hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục được đẩy mạnh. Số lượng cơ sở giáo dục ĐH, chương trình đào tạo được quốc tế công nhận và số lượng bài báo quốc tế của các nhà khoa học trong nước tăng.

Các điều kiện bảo đảm chất lượng ngày càng được các cơ sở giáo dục ĐH quan tâm, số lượng cơ sở giáo dục ĐH và chương trình đào tạo được công nhận kiểm định tăng mạnh. Tiếp tục đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ cao, nhất là nguồn nhân lực cho công nghiệp chip bán dẫn tại Việt Nam. Các cơ sở giáo dục ĐH đã chủ động, tích cực và trách nhiệm triển khai nhiều giải pháp nhằm chuẩn bị tốt cho việc đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp chip bán dẫn tại Việt Nam.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và trong hoạt động dạy và học. Đến nay, đã hoàn thành việc xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục từ mầm non, phổ thông. Chủ trương xã hội hóa giáo dục đạt kết quả đáng ghi nhận...

Cùng ghi nhận kết quả đạt được, Thường trực Ủy ban cũng chỉ ra những vấn đề còn hạn chế, tồn tại; đồng thời yêu cầu Bộ GD&ĐT bổ sung làm rõ thêm một số nội dung trong báo cáo.

Bo truong3.jpg
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại buổi làm việc.

Cần điều chỉnh chính sách vĩ mô, bảo đảm nguyện vọng học tập sau THCS

Tại buổi làm việc, nhiều vấn đề được Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đưa ra trao đổi, đề nghị Bộ GD&ĐT làm rõ, liên quan đến: dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài; sự chênh lệch trong lựa chọn tổ hợp thi tốt nghiệp THPT; từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học; xây dựng văn hóa học đường; liêm chính học thuật; vấn đề giải ngân, đầu tư cho giáo dục; xây dựng Luật Nhà giáo; dạy thêm học thêm; tuyển sinh vào lớp 10...

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng và đại diện các vụ, cục của Bộ GD&ĐT đã chia sẻ, làm rõ những vấn đề này.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh lại một số việc lớn ngành Giáo dục đã làm được trong năm vừa qua. Trong đó có việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, sản phẩm là Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị; xây dựng Chiến lược phát triển GD-ĐT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm; quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập... Những kết quả đạt được có sự đồng hành, hỗ trợ quan trọng của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

z5881382446283_2f184c48aa963ec3b7e79c838e16711b.jpg
Đại diện Bộ GD&ĐT tại buổi làm việc.

Về các vấn đề Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đặt ra, một số nội dung được Bộ trưởng nhấn mạnh khi trao đổi lại liên quan đến công tác phân luồng, tuyển sinh vào lớp 10, công tác giải ngân, triển khai Kết luận 91 của Bộ Chính trị, nhân lực bán dẫn, liêm chính học thuật...

Vấn đề đầu tiên và theo Bộ trưởng cũng là vấn đề nhiều thách thức, khó khăn nhất, "khả năng giải quyết, ngành Giáo dục không tự chủ được”, cần sự hỗ trợ, phối hợp của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội là công tác phân luồng sau THCS, tuyển sinh vào lớp 10, giải quyết chỗ học cho học sinh.

Lý giải việc căng thẳng trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở nhiều địa phương, Bộ trưởng nhắc đến nguyên nhân quan điểm về phân luồng, hướng nghiệp; nhiều địa phương chỗ học không hẳn thiếu nhiều nhưng thiếu trường công lập, đặc biệt là trường công có chất lượng tốt. Và cạnh tranh khốc liệt là vào những trường công lập có chất lượng, giáo viên tốt, chi phí thấp. Trong khi đó, địa phương không có căn cứ xây dựng trường vì quy định tỷ lệ phân luồng vào THPT.

Bộ trưởng mong Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cùng có tiếng nói để điều chỉnh chính sách vĩ mô, giúp bảo đảm chỗ học trong trường công lập cho học sinh sau tốt nghiệp THCS.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, cuộc làm việc trên tinh thần làm rõ các vấn đề của giáo dục; có vấn đề trước mắt, có vấn đề lâu dài, cùng đánh giá, đề xuất giải pháp và lộ trình thực hiện.

Điểm lại các kết quả tích cực của ngành Giáo dục năm học 2023-2024, ông Nguyễn Đắc Vinh đánh giá cao sự nỗ lực, kết quả của toàn ngành và cảm ơn sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục.

Về một số nhiệm vụ cần làm trong thời gian tới, ông Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục rà soát các chủ trương, chính sách, chiến lược về GD-ĐT; tiếp tục kiên trì thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo Kết luận số 91 của Bộ Chính trị; kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Chiến lược phát triển GD-ĐT đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Bộ GD&ĐT tiếp tục chú trọng công tác quản lý nhà nước về GD-ĐT, tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng tới giải quyết được những vấn đề đang nổi lên trong xã hội. Cùng với đó là tiếp tục triển khai xây dựng văn hoá học đường; đảm bảo công bằng trong giáo dục; tiếp tục thực hiện chống bệnh thành tích, thực hiện quan điểm học thật, thi thật, nhân tài thật.

Tới đây, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội sẽ thực hiện giám sát chuyên đề về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ông Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục trong hoạt động giám sát.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.