Khơi dậy tích cực, sáng tạo trong giáo dục STEM

GD&TĐ - Năm học 2022-2023, ngành GD Cần Thơ tổ chức thí điểm giáo dục STEM, bước đầu góp phần tăng tính tích cực, sáng tạo của giáo viên và học sinh.

Học sinh hào hứng với các tiết học lồng ghép giáo dục STEM.
Học sinh hào hứng với các tiết học lồng ghép giáo dục STEM.

Hứng thú, sáng tạo hơn trong tiết học

Giáo dục STEM có vai trò quan trọng trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ngoài việc phát triển các năng lực và phẩm chất như định hướng của chương trình, giáo dục STEM còn nhấn mạnh đến việc nâng cao hứng thú học tập cho học sinh trong các môn học.

Đồng thời, chương trình còn tăng cường các hoạt động kết nối với cộng đồng, giúp cho học sinh có cơ hội tiếp cận, có những hiểu biết cơ bản về nghề nghiệp trong các lĩnh vực STEM, bước đầu tạo tiền đề cho việc định hướng nghề nghiệp.

Cô Nguyễn Kiều Khanh, giáo viên Trường TH Mỹ Khánh 1 (huyện Phong Điền) cho biết, cô sử dụng các kiến thức nền học sinh đã học, rồi chọn những chủ đề dạy học STEM cho thực tế, gần gũi. Từ đó, học sinh có thể vận dụng một cách hiệu quả vào cuộc sống. Chẳng hạn như làm thùng rác thân thiện. Ngoài việc làm được thùng rác, sau tiết học, các em còn phân loại rác, tuyên truyền với phụ huynh giữ vệ sinh môi trường sạch đẹp.

Vận dụng các tiết học theo giáo dục STEM, học sinh tham gia rất tích cực, phấn khởi và sáng tạo nhiều sản phẩm có ích. Để tiết học STEM có hiệu quả, bản thân cô Khanh đã cùng tổ chuyên môn họp, thảo luận để xây dựng chủ đề và đưa ra vật liệu chuẩn bị cho tiết dạy.

"Ngoài việc củng cố kiến thức nhiều môn học với nhau để tạo ra sản phẩm phục vụ cho học tập, cuộc sống thực tế, giáo dục STEM còn giúp học sinh tăng tính sáng tạo, nhạy bén hơn, làm việc nhóm tốt hơn...", thầy Hà Hữu Sĩ, giáo viên Trường TH Ngô Quyền (quận Ninh Kiều) chia sẻ.

Các tiết học trở nên sôi động và tích cực hơn với giáo dục STEM.

Các tiết học trở nên sôi động và tích cực hơn với giáo dục STEM.

Ứng dụng ở tất cả môn học và hoạt động đời sống

Năm học 2022-2023, ngành Giáo dục Cần Thơ được chọn thí điểm giáo dục STEM trên cả nước. Sở đã chọn 5 phòng Giáo dục, mỗi phòng chọn 2 trường tiểu học để tham gia thí điểm.

Ngành Giáo dục Cần Thơ đã chủ động triển khai sơ bộ về giáo dục STEM đến các trường. Sau khi được Bộ GD&ĐT chọn thí điểm triển khai, Sở đã chỉ đạo các đơn vị lựa chọn, tổ chức triển khai tập huấn, tham gia hội thảo, tuyên truyền đến phụ huynh tổ chức tích hợp lồng ghép vào các hoạt động trong nhà trường đạt hiệu quả.

Bà Lê Thị Hường, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT quận Bình Thuỷ cho biết, so với trước đây, giáo viên đã bước đầu được tiếp cận giáo dục STEM; đồng thời, chủ động ứng dụng trong các tiết học. Khi triển khai cũng không gặp nhiều khó khăn, tính sáng tạo và đổi mới của giáo viên được nâng cao hơn.

Giáo dục STEM là một trong những hoạt động giáo dục mà các em được chơi, được trải nghiệm và hình thành kỹ năng sống rất gần gũi, quen thuộc. Giáo dục STEM có thể ứng dụng trong tất cả các môn học và các hoạt động đời sống hằng ngày.

Thoạt đầu thầy cô vẫn nghĩ giáo dục STEM chỉ đi vào khoa học công nghệ, tính toán hay tin học... Nhưng khi triển khai thực tế, giáo dục STEM có thể ứng dụng trong tất cả các môn học và các hoạt động đời sống hàng ngày. Học sinh có thể tận dụng sản phẩm từ gia đình, từ những vật dụng các em đang dùng đem vào lớp tái chế. Trước hết là học sinh có thể tận dụng những đồ chơi, sản phẩm các em đang chơi nhằm tăng thêm tính giải trí và thông minh, sáng tạo phục vụ cho chính bản thân.

Ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết, qua kiểm tra công tác thí điểm giáo dục STEM, các trường bước đầu triển khai rất tốt và mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, chương trình giúp phát triển các phẩm chất và năng lực cho học sinh như định hướng của chương trình GDPT 2018.

Để đảm bảo triển khai thí điểm đúng theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, Sở chỉ đạo phòng chuyên môn và lãnh đạo các phòng giáo dục tham gia thí điểm phải chủ động hướng dẫn, thường xuyên quan tâm, đôn đốc, nhắc nhở các cơ sở giáo dục xây dựng và thực hiện được giáo dục STEM trong kế hoạch giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...