Cần thiết xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 16/3 tại Hà Nội, đại diện các bộ, ngành, nhà trường góp ý kiến về Đề án “Xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học”.

Cần thiết xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học.
Cần thiết xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì cuộc họp, tham dự có đại diện các bộ, ngành cơ quan trung ương và các vụ, cục chức năng của Bộ GD&ĐT.

Sự cần thiết phải xây dựng

Tri thức khoa học mang tính quốc tế và có tính chia sẻ rất cao. Tất cả các tài nguyên giáo dục đều lấy từ những thành tựu khoa học công nghệ của nhân loại. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ với nhiều thành tựu rực rỡ đã và đang từng ngày, từng giờ tạo ra nhiều tri thức khoa học và giải pháp công nghệ làm thay đổi bộ mặt của thế giới.

Cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là quá trình toàn cầu hóa và sự xuất hiện mạng truyền thông kỹ thuật số làm cho nhân loại ngày càng xích lại gần nhau hơn và chia sẻ những tài nguyên trí tuệ với nhau thông qua sự hợp tác về KHCN và GD, đặc biệt trong GD Đại học (ĐH). Để tận dụng điều này, cần xây dựng những định chế, cơ chế tiếp cận nguồn tài nguyên GD mở trong phạm vi quốc gia và quốc tế.

Đại diện các bộ, ngành phát biểu ý kiến tại cuộc họp.

Đại diện các bộ, ngành phát biểu ý kiến tại cuộc họp.

Các cơ sở GDĐH Việt Nam đang trong quá trình đổi mới về chương trình, nội dung đào tạo và phương pháp giảng dạy. Tài nguyên GD mở được xem là một nguồn tài nguyên hữu ích cho việc tăng cường chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Để đổi mới phương pháp giảng dạy giúp người học tự chủ khai phá tri thức, cần một nguồn học liệu đủ lớn và có chất lượng đến từ hệ thống các trường. Tuy nhiên, các trường đang rất thiếu, tài nguyên GD mở là giải pháp cho vấn đề này.

Đề xuất và kiến nghị

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, các đại diện đến từ Bộ, ngành, cơ quan trung ương đã làm rõ nhiều nội dung quan trọng liên quan đến việc xây dựng Đề án “Xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học”. Theo đó, cần hoàn thiện hành lang pháp lý làm cơ sở để xây dựng, phát triển, vận hành, khai thác, quản lý nguồn tài nguyên GD mở trong GDĐH một cách hiệu quả, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Mô hình nguồn tài nguyên GD mở, với mục tiêu bao trùm làm sao để nhiều người tiếp cận, sử dụng.

Mô hình nguồn tài nguyên GD mở, với mục tiêu bao trùm làm sao để nhiều người tiếp cận, sử dụng.

Phát biểu tại cuộc họp Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đặc biệt nhấn mạnh: Mục tiêu cuối cùng của đề án là xây dựng mô hình chứ không phải cái kho, nguồn tài nguyên. Chúng ta tận dụng tài nguyên thế giới nữa chứ không chỉ của Việt Nam và mô hình này có thể nằm rải rác ở khắp nơi. Cần làm rõ đây là mô hình nguồn tài nguyên GD mở, với mục tiêu bao trùm làm sao để nhiều người tiếp cận, sử dụng nguồn học liệu, tài nguyên có chất lượng; từ đó đi kèm theo là xây dựng xã hội học tập, giảm chi phí, nâng cao chất lượng.

Đây là vấn đề rất mới ở Việt Nam, UNESCO cũng đã đưa ra khuyến cáo về việc này. Từ khuyến cáo đó và những kinh nghiệm thế giới, chúng ta cần nhanh chóng triển khai ở Việt Nam. Nhưng vấn đề đặt ra là triển khai làm sao cho hiệu quả, vì vậy Đề án này rất cần thiết. Căn cứ pháp lý để xây dựng đề án, tính cần thiết, thực tiễn. Cần phải được rà soát lại, có giải trình, thuyết minh rõ, kỹ, đưa ra các căn cứ tại sao phải xây dựng đề án.

Tài nguyên mở rất rộng, tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học cần khoanh vùng phạm vi lại. Làm sao việc đưa tài nguyên lên đơn giản, ít thủ tục nhưng phải đảm bảo chất lượng về mặt chuyên môn của tác giả, sản phẩm, theo yêu cầu của ngành GD, đáp ứng nhu cầu người học và có sự kiểm soát quản lý của Nhà nước. Nếu không sẽ phản tác dụng. Tuy nhiên cần hạn chế phạm vi không phải trong Đề án này. Nếu có ban hành Nghị định, chúng ta sẽ nghiên cứu chi tiết hóa, về phạm vi, quy trình, quy chuẩn. - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ