Cần thiết đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc

GD&TĐ - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, sáng 6/6, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình về Chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc.

Toàn cảnh phiên làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV - sáng 6/6
Toàn cảnh phiên làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV - sáng 6/6

Cụ thể là các công trình: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa -Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, việc sớm đầu tư 3 dự án là hết sức cấp thiết với các lý do như: Một là, thực hiện các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết, Thông báo của Bộ Chính trị.

Hai là, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phát huy tiềm năng, khai thác lợi thế của vùng Tây Nguyên, vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Ba là, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia nói chung và các vùng Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.

Bốn là, tạo tiền đề, động lực và không gian mới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo.

Năm là, phát triển phương thức vận tải bền vững hiện đại, góp phần giảm tai nạn giao thông.

Dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm bảo đảm an toàn, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ và các cơ quan quản lý, khai thác dự án. Giải pháp thiết kế về hướng tuyến, nền mặt đường đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc; thiết kế nút giao khác mức, cầu vượt, hầm chui dân sinh, đường gom dân sinh bảo đảm kết nối thuận lợi, giảm thiểu chia cắt cộng đồng dân cư; bố trí hệ thống thu phí, giao thông thông minh, trạm dừng nghỉ thuận lợi cho việc quản lý khai thác, bảo đảm an toàn.

Theo Tờ trình, Chính phủ đã xây dựng một số cơ chế chính sách đặc thù và nếu được áp dụng, dự kiến tiến độ các dự án như: chuẩn bị đầu tư năm 2022, khởi công năm 2023, dự án Biên Hòa - Vũng Tàu cơ bản hoàn thành năm 2025; dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cơ bản hoàn thành một số đoạn có lưu lượng lớn năm 2025 và toàn tuyến năm 2026.

Sơ bộ tổng mức đầu tư các dự án khoảng 84.463 tỷ đồng. Trên cơ sở tiến độ triển khai 3 dự án, dự kiến nhu cầu vốn trong giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 60.124 tỷ đồng, chuyển tiếp giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 24.339 tỷ đồng.

Nguồn vốn giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ dự kiến bố trí từ: Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã dự kiến phân bổ cho 3 dự án khoảng 26.147 tỷ đồng; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Giao thông vận tải sau khi rà soát, sắp xếp lại khoảng 2.203 tỷ đồng; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội khoảng 9.620 tỷ đồng; Tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 khoảng 13.796 tỷ đồng; Ngân sách địa phương khoảng 8.358 tỷ đồng.

Trong 2 năm 2022, 2023, Chính phủ ưu tiên giải ngân hết toàn bộ nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình về Chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình về Chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc.

Theo Báo cáo thẩm tra Chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày:  Uỷ ban nhất trí với sự cần thiết đầu tư 3 Dự án này với những lý do đã nêu tại Tờ trình Chính phủ, nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua.

Đồng thời, việc đầu tư các tuyến cao tốc này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các vùng có tuyến cao tốc đi qua, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần đánh giá kỹ tính cấp thiết, khả năng bố trí nguồn lực, đánh giá tác động của việc sử dụng vốn đầu tư công triển khai cùng lúc nhiều dự án hạ tầng đối với lạm phát, khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, khả năng gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên vật liệu.

Chính phủ đã xây dựng một số cơ chế chính sách đặc thù và nếu được áp dụng, dự kiến tiến độ các dự án như sau: chuẩn bị đầu tư năm 2022, khởi công năm 2023, dự án Biên Hòa - Vũng Tàu cơ bản hoàn thành năm 2025; dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cơ bản hoàn thành một số đoạn có lưu lượng lớn năm 2025 và toàn tuyến năm 2026.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ