Cần thêm cơ chế khắc phục thiếu giáo viên cho Chương trình mới

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ- Tìm kiếm giải pháp để giải quyết thực trạng thiếu giáo viên đang là mối quan tâm hàng đầu của các phòng GD&ĐT và nhà trường tại Vĩnh Phúc.

Giáo viên và học sinh Trường THPT Nguyễn Viết Xuân (Vĩnh Phúc).
Giáo viên và học sinh Trường THPT Nguyễn Viết Xuân (Vĩnh Phúc).

Thiếu trên diện rộng

Chương trình GDPT mới đang triển khai đối với lớp 1,2,3 ở bậc tiểu học; lớp 6,7 ở THCS và lớp 10 ở bậc THPT. Năm học 2023-2024 sẽ tiếp tục triển khai đối với lớp 4,8 và 11. Triển khai Chương trình GDPT mới đã giúp nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển toàn diện cho học sinh tại các địa phương nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng.

Tuy nhiên, với sự gia tăng số lượng học sinh qua từng năm học đã khiến nhiều nhà trường rơi vào tình cảnh thiếu hụt giáo viên. Mặc dù địa phương đã có giải pháp về tuyển dụng bổ sung, tăng số lượng giáo viên hợp đồng nhưng những khó khăn về cơ chế, chế độ đãi ngộ vẫn là rào cản để giáo viên mới yên tâm với nghề.

Tại huyện Vĩnh Tường, ông Phan Quốc Hào - Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: Huyện thiếu khá nhiều giáo viên. Bên cạnh đó, nguồn tuyển dụng rất khó, đặc biệt là với giáo viên hợp đồng do lương thấp. Tính đến ngày 15/2/2023, tổng biên chế ngành Giáo dục tại huyện Vĩnh Tường theo chỉ tiêu tỉnh Vĩnh Phúc giao là 2.867 người trong khi đó, tổng biên chế hiện tại là 2.782 người, thiếu 85 người. Tuy nhiên, nếu chiếu theo quy định của Bộ GD&ĐT thì số biên chế huyện Vĩnh Tường còn thiếu là 495 người.

Toàn huyện có 221 giáo viên hợp đồng ở các cấp học và việc tuyển giáo viên hợp đồng ngày càng khó khăn do nguồn tuyển hạn chế.

Giờ lên lớp của cô và trò Trường THPT Nguyễn Viết Xuân

Giờ lên lớp của cô và trò Trường THPT Nguyễn Viết Xuân

Thực trạng thiếu giáo viên không chỉ diễn ra ở huyện Vĩnh Tường mà còn phổ biến ở các địa phương trong tỉnh Vĩnh Phúc.

Ông Trần Minh Tuấn – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Lạc chia sẻ: Năm 2022, chỉ tiêu tuyển dụng của huyện đối với cấp tiểu học là 50, trong đó số trúng tuyển là 29. Cấp THCS, chỉ tiêu tuyển dụng là 42, trúng tuyển là 41. Riêng TTGDNN-GDTX chỉ tiêu tuyển dụng là 7 và số trúng tuyển đủ so với chỉ tiêu đề ra.

Ông Trần Minh Tuấn đánh giá về thực trạng đăng ký hồ sơ dự thi: Cơ bản các bộ môn đều có số lượng thí sinh đăng ký dự thi cao hơn chỉ tiêu tuyển; riêng môn Văn hóa tiểu học số lượng hồ sơ đăng ký thấp hơn so với chỉ tiêu tuyển (chỉ tiêu tuyển là 41 nhưng chỉ có 30 hồ sơ dự tuyển).

“Qua thực tế khảo sát có 2 nguyên nhân, đó là, nguồn sinh viên tốt nghiệp sư phạm tiểu học những năm gần đây số lượng rất hạn chế; số giáo viên tiểu học còn thiếu không có nguồn tuyển dụng trong khi số học sinh ngày càng tăng theo năm học. Bên cạnh đó, chế độ lương và chính sách dành cho giáo viên thấp, áp lực nghề cao nên một số giáo sinh ra trường không theo nghề”, ông Trần Minh Tuấn thông tin thêm.

Cần cơ chế “mở”

Để đáp ứng việc triển khai dạy học theo Chương trình GDPT mới, nhiều phòng GD&ĐT tại Vĩnh Phúc đã phải bố trí điều động, biệt phái giáo viên ở những trường có tỷ lệ cao hơn về các trường có tỷ lệ thấp. Bên cạnh đó, phân công giáo viên liên môn, giáo viên bộ môn giảng dạy và phụ trách kiêm nhiệm những phần việc trong nhà trường như chủ nhiệm lớp,Tổng phụ trách Đội để giáo viên văn hóa tiểu học và giáo viên chuyên ngành giảng dạy đủ số tiết theo quy định.

Để giải quyết việc thiếu giáo viên hợp đồng, nhiều phòng GD&ĐT đã đề nghị được tổ chức hợp đồng giáo viên trong chỉ tiêu giao khi chưa tuyển dụng được người mới. Những chỉ tiêu hợp đồng này cần được tính trong định mức thiếu giáo viên và được cấp kinh phí theo Thông tư 06, 16 của Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên, về lâu dài, việc giải quyết vấn đề thiếu giáo viên tại tỉnh Vĩnh Phúc đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả bên liên quan như chính quyền, ngành GD-ĐT và cả nhà trường.

Giờ ôn tập của cô và trò Trường THPT Nguyễn Thái Học (Vĩnh Phúc)

Giờ ôn tập của cô và trò Trường THPT Nguyễn Thái Học (Vĩnh Phúc)

Về vấn đề này, ông Trần Minh Tuấn – Trưởng phòng GD&ĐT Yên Lạc đề xuất: Mong Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT có lộ trình tuyển sinh viên sư phạm và có chính sách ưu đãi đối với sinh viên học sư phạm và đặc biệt chế độ tiền lương, các chính sách khác dành cho ngành. Bên cạnh đó, kịp thời giao bổ sung biên chế để các địa phương có phương án tuyển dụng thường xuyên, đảm bảo số lượng và chất lượng theo yêu cầu.

Ông Đỗ Đức Quang – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lập Thạch và Phan Quốc Hào - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Tường nêu quan điểm: Chỉ tiêu biên chế còn thiếu so với quy định của Bộ GD&ĐT cần được tỉnh Vĩnh Phúc giao sớm cho ngành Giáo dục. Đồng thời, có cơ chế tuyển dụng linh hoạt để bổ sung hàng năm. Bên cạnh đó, đối với các nhà trường cần giao thêm quyền để chủ động ký hợp đồng và trả lương giáo viên như trong chỉ tiêu biên chế.

“Khó khăn lớn nhất đối với các phòng GD&ĐT hiện nay là việc giao kinh phí hợp đồng giáo viên có sự khác nhau giữa số giáo viên thiếu theo chỉ tiêu biên chế tỉnh giao và quy định theo Thông tư 06, 16 của Bộ GD&ĐT. Cụ thể, Sở Tài chính chỉ cấp kinh phí hợp đồng giáo viên trên số biên chế tỉnh giao trừ đi số hiện có (số giáo viên thiếu theo chỉ tiêu biên chế tỉnh giao). Trong khi đó, nếu tính theo định mức giáo viên/lớp thì số lượng giáo viên thiếu rất nhiều. Tuy nhiên, nếu áp dụng theo định mức giáo viên/lớp thì phòng GD&ĐT không có kinh phí để hợp đồng đối với số giáo viên thiếu này”, ông Đỗ Đức Quang băn khoăn.

Cùng quan điểm, ông Phạm Ngọc Thiệu, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Phúc Yên chia sẻ: Việc tuyển dụng giáo viên mới của địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Số lượng tuyển được không đủ chỉ tiêu đề ra. Một số giáo viên sau khi trúng tuyển đã không nộp hồ sơ hay xin rút hồ sơ để chuyển nơi khác. Bên cạnh đó, nhiều giáo viên hợp đồng xin thôi việc khiến tình trạng thiếu giáo viên ngày càng nhiều. Do vậy, các cấp, ngành cần sớm có cơ chế tháo gỡ khó khăn cho nhà trường để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được hiệu quả.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, năm 2022, việc tuyển dụng giáo viên ở tất cả cấp học đều không đạt so với chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, tổng chỉ tiêu tuyển giáo viên mầm non là 107, tuyển được 104 giáo viên. Cấp tiểu học, chỉ tiêu 407, tuyển được 257. THCS, chỉ tiêu 218, tuyển được 198. Tổng chỉ tiêu tuyển THPT, GDTX 109, tuyển được 79 giáo viên.

Đáng chú ý, tại cấp tiểu học, số lượng giáo viên trúng tuyển so với chỉ tiêu đề ra thiếu ở hầu hết địa phương trong tỉnh. Cụ thể: Huyện Bình Xuyên, chỉ tiêu 76, tuyển được 43. Phúc Yên, chỉ tiêu 41, tuyển được 25. Tam Dương, chỉ tiêu 53, tuyển được 32. Tam Đảo, chỉ tiêu 41, tuyển được 17. Vĩnh Yên, chỉ tiêu 90, tuyển được 67…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.