Cần thanh kiểm tra các khoản thu chi ‘dạy thêm khối THPT ở Thanh Hoá’

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Việc dạy thêm ở khối THPT ở Thanh Hoá đang có tình trạng "lạm thu", khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi và cho rằng cần thanh, kiểm tra vấn đề này.

Trường THPT Hậu Lộc 4, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa).
Trường THPT Hậu Lộc 4, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa).

Nặng gánh học thêm

Dù UBND tỉnh, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đều có công văn hướng dẫn về quy định các khoản thu trong cơ sở giáo dục, nhưng tình trạng “lạm thu” vẫn diễn ra ở nhiều trường học của địa phương này.

Thực tế, có nhiều trường học phải hoàn trả cho phụ huynh, học sinh (HS) những khoản tiền đã thu trái quy định.

Đi sâu tìm hiểu và tính toán một cách cơ học, số tiền mà phụ huynh phải đóng góp hàng năm cho các khoản học thêm trong trường học không phải là nhỏ.

Nếu ở bậc học mầm non, cấp tiểu học, THCS số tiền học thêm của mỗi HS đang ở mức mà phụ huynh có thể cáng đáng được, thì đối với cấp THPT, đặc biệt là khối lớp 12, quả đang là một “gánh nặng”.

Ngày 13/7/2022, HĐND tỉnh Thanh Hóa ban hành Nghị quyết số 286/2022/NQ-HĐND, quy định mức thu tối đa các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh.

Mức thu tiền học thêm đối với HS cấp THPT, tối đa không quá 7.000 đồng/1 tiết. Với quy định này, tất cả các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh không được thu vượt khung.

Theo điều tra của Báo GD&TĐ, cũng có trường THPT ở Thanh Hóa đưa ra mức thu thấp hơn quy định (tức khoảng 6.000 đồng/tiết). Tuy nhiên, có rất nhiều trường thực hiện thu ở mức “triệt để” 7.000 đồng/tiết.

Khi thực hiện thu khoản tiền này, nếu trường nào thu theo tháng, thì số tiền mà phụ huynh nộp cho con em mình còn “dễ thở”. Nhưng, nếu trường nào thực hiện thu 1 lần, thì số tiền lên tới vài triệu đồng. Đó sẽ là “gánh nặng” cho không ít gia đình có con đang học cấp THPT, đặc biệt là ở vùng nông thôn.

Đối với HS khối lớp 12, có thể lên tới hàng trăm tiết học thêm/năm học, vì thế số tiền đội lên rất cao. Ví dụ: Mỗi HS lớp 12 phải học thêm ở trường 5 buổi chiều, mỗi buổi 4 tiết, tức là 20 tiết/tuần, thì 1 HS phải nộp 140.000 đồng/tuần.

Như vậy, mỗi tháng một HS lớp 12 phải nộp 560.000 đồng tiền học thêm. Nếu tính đủ 35 tuần (1 năm học), thì 1 HS đã phải chi phí gần 5 triệu đồng cho khoản tiền học thêm ở trường vào buổi chiều.

Tại Trường THPT Hậu Lộc 4 (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa), HS khối lớp 12 đang phải theo học thêm các buổi chiều trong tuần (từ thứ 2 đến thứ 7).

Một HS lớp 12 ở ngôi trường này (xin giấu tên) cho biết: “Chúng em học thêm vào tất cả các buổi chiều trong tuần, từ thứ 2 đến thứ 7, mỗi buổi 4 tiết”.

Nhưng khi làm việc với phóng viên, bà Trần Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường THPT Hậu Lộc 4, nói: “HS của nhà trường có nhiều em gia đình nghèo lắm, nên nhà trường không tổ chức học thêm nhiều. Có lớp học 3 buổi, có lớp học 4 buổi. Tùy theo tổ hợp môn học. Nếu tổ hợp môn học nào mà HS đăng ký nhiều các môn, thì nhà trường phải cho các cháu học thêm 1 buổi, còn không thì thôi”.

Quy định một đằng, thực hiện một nẻo

Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 15/2017/TT-BGDĐT (Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT) quy định đối với giáo viên THPT có “37 tuần dành cho việc giảng dạy và hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học”.

Trên thực tế, từ sau khai giảng (ngày 5/9 năm trước) đến khi kết thúc năm học (trước ngày 31/5 năm sau) có hơn 38 tuần đã bao gồm 1 tuần nghỉ Tết Nguyên đán, nên còn 37 tuần dành cho việc giảng dạy và các hoạt động giáo dục (trong đó có 35 tuần thực học, 2 tuần dự phòng).

Điều đáng nói, hiện nay nhiều trường THPT ở Thanh Hóa thực hiện dạy thêm trong nhà trường không đúng quy định theo Công văn 7291/BGDĐT-GDTrH, ngày 1/11/2010 của Bộ GD&ĐT, về việc “Hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày đối với các trường trung học”.

Công văn hướng dẫn như sau: “Đối với cấp THCS buổi sáng dạy không quá 4 tiết, buổi chiều không quá 3 tiết, mỗi tuần học không quá 6 ngày. Đối với cấp THPT buổi sáng dạy không quá 5 tiết, buổi chiều không quá 3 tiết, mỗi tuần học không quá 6 ngày”.

Quy định là vậy, nhưng thực tế nhiều trường THPT ở Thanh Hóa hiện tại đang dạy thêm cho HS lớp 12 với mức tối đa, mỗi buổi chiều 4 tiết.

Ví dụ cho một phép tính cơ học về một trường THPT tại Thanh Hóa có 1.300 HS (34 lớp), trong đó có khoảng 450 HS khối lớp 12. Giả thiết là tất cả số em này đều tham gia học thêm, phải học 24 tiết/tuần, thì số tiền học thêm đã lên tới khoảng hơn 2,6 tỷ đồng.

Còn lại 900 HS của khối lớp 10 và 11 nếu đều tham gia học thêm, mỗi tuần 3 buổi, mỗi buổi 4 tiết, thì số tiền của 2 khối lớp này (trong 35 tuần/năm học) là hơn 2,6 tỷ đồng.

Như vậy, nếu toàn bộ HS trường này đều tham gia học thêm như tính toán cơ học ở trên thì số tiền thu từ học thêm của HS là hơn 5 tỷ đồng/năm học (tính bình quân - PV).

Với tổng số tiền có thể thu được như trên, theo quy định: Nhà trường chi 75% thù lao cho giáo viên trực tiếp giảng dạy (khoảng 3,75 tỷ đồng). Còn lại 25% (khoảng 1,25 tỷ đồng) chi phí cho công tác quản lý, cơ sở vật chất, điện chiếu sáng...

Quy định là thế, nhưng cũng chưa ai biết cụ thể số tiền 25% thu từ học thêm của HS, cơ sở giáo dục đã chi phí vào những khoản gì và có đúng với nguyên tắc chi - tiêu tài chính hay không (?!). Về vấn đề này, chỉ có các cơ quan chức năng, thanh tra tài chính mới có thể làm rõ!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ