Cao điểm thi tốt nghiệp THPT:

Cẩn thận với 'lò luyện thi' trên mạng

GD&TĐ - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đang đến gần, sĩ tử ngoài tập trung vào sách vở truyền thống còn tận dụng mạng xã hội như một công cụ ôn tập hiệu quả.

Dễ dàng tìm kiếm video bài giảng trên ứng dụng TikTok. Ảnh chụp màn hình
Dễ dàng tìm kiếm video bài giảng trên ứng dụng TikTok. Ảnh chụp màn hình

TikTok, YouTube, và Facebook trở thành kênh học tập sôi động, nơi các video bài giảng, mẹo vặt và kinh nghiệm ôn thi được chia sẻ rộng rãi.

Vào mạng học mẹo giải đề

Sự phát triển mạnh mẽ của các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok và YouTube đã làm thay đổi đáng kể cách thức ôn thi của học sinh ngày nay. Gõ vào ô tìm kiếm các từ khóa như “giải nhanh”, “bí kíp ôn thi”, “mẹo làm bài”... sẽ tìm thấy rất nhiều video ngắn chỉ mẹo, cách giải nhanh môn thi tốt nghiệp THPT. Với định dạng gãy gọn, súc tích, các video bài học được thiết kế dễ thu hút sự chú ý, giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách nhanh chóng.

Dự định thi khối D00, đặt nguyện vọng vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thời điểm này, Phùng Ngọc Linh - học sinh lớp 12D8, Trường THPT Xuân Mai (Hà Nội) dành nhiều thời gian trong ngày để ôn luyện. Ngoài các buổi học trên trường, Linh tìm đến các lớp online, video và livestream dạy học trên mạng để tham khảo.

Nữ sinh chia sẻ: “Giáo viên và các “hot TikToker” em theo dõi trong lĩnh vực giáo dục thường chia sẻ cách học tập, bài giảng tóm tắt hoặc mẹo giải nhanh các bài toán, bài văn. Nội dung video cũng thú vị, ít nhàm chán so với cách học truyền thống”.

Tương tự như Ngọc Linh, cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Hải Dương) Nguyễn Thị Ngân Khánh từng có thời gian luyện đề theo các lớp học online này. Từ trải nghiệm cá nhân, Ngân Khánh thấy các khóa học trên TikTok khá ổn về chất lượng.

“Em hay học Toán của các anh chị ở TikTok và YouTube. Tiếng Anh em chọn mua khóa học từ thầy, cô giáo uy tín. Riêng môn Văn, em đăng ký lớp trực tuyến do không thể học theo các mẹo. Môn này yêu cầu học sinh hiểu bài sâu, nắm chắc nội dung nên em chỉ nghe các radio bài tập để biết thêm”, Khánh chia sẻ. Nhờ việc ôn luyện, vận dụng hiệu quả kiến thức, Ngân Khánh đã đạt được kết quả cao trong các kỳ thi.

Sĩ tử cả nước tất bật chuẩn bị cho chặng đường nước rút. Nguồn: Humans of Tran Nhan Tong

Sĩ tử cả nước tất bật chuẩn bị cho chặng đường nước rút. Nguồn: Humans of Tran Nhan Tong

Học có chọn lọc

Thông qua mạng xã hội, học sinh có thể tìm thấy hàng loạt video bài giảng chi tiết cho mọi môn học, từ Toán, Lý, Hóa đến Ngữ văn, Lịch sử. Nhiều kênh TikTok, YouTube và fanpage nổi tiếng trong lĩnh vực giáo dục hiện vẫn cung cấp các bài giảng chất lượng cao miễn phí.

Các video này không chỉ giúp học sinh nắm vững kiến thức cơ bản, mà còn hỗ trợ nhiều bài tập thực hành và các kỹ năng làm bài thi. Tuy nhiên, với số lượng lớn người tham gia chia sẻ bài giảng, các thầy, cô giáo khuyến khích học sinh nên chủ động chọn lọc kênh thông tin để học, không phụ thuộc hoàn toàn vào các mẹo giải bài.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Lan - giáo viên môn Toán, Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) cho rằng, tự ôn tập trên mạng rất tốt. Tuy nhiên, các em cần chú ý đến các cách học mẹo bởi có hai dạng.

“Dạng thứ nhất, với các mẹo giải bài có cơ sở khoa học, học sinh cần chắc kiến thức nền mới tư duy theo được. Ở dạng thứ hai, mẹo làm bài dựa trên xác suất dự đoán thì không nên lạm dụng bởi tính chất may rủi sẽ khiến các em không hiểu bản chất của đề, dẫn đến làm được ít câu”, cô Lan nhận định và lưu ý, để học theo các cách giải nhanh, trước hết học sinh cần nắm rõ kiến thức căn bản, sau đó mới nên vận dụng vào để tiết kiệm thời gian làm bài.

“Ôn luyện toàn diện là cách tốt nhất nếu thí sinh muốn đạt kết quả cao trong kỳ thi. Phối hợp đồng thời kiến thức trong sách vở lẫn các “bí kíp” làm bài trên mạng giúp người học nhớ lâu và thành thạo quy trình giải đề. Không nên tin vào việc khoanh bừa vì tỷ lệ chọn câu đúng rất thấp”, Ngân Khánh chia sẻ bí quyết học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ