Thi đánh giá năng lực, tư duy: Nở rộ lò luyện

GD&TĐ - Năm 2024, nhiều đại học và trường đại học tốp đầu thông báo sử dụng kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để tuyển sinh.

Thầy trò Trường THPT Minh Quang (huyện Ba Vì, Hà Nội) ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Vân Anh
Thầy trò Trường THPT Minh Quang (huyện Ba Vì, Hà Nội) ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Vân Anh

Do đó, nhiều khóa luyện thi đã được mở, thu hút hàng nghìn học sinh tham gia.

Tràn lan lò luyện

Nguyễn Phương Thảo - học sinh lớp 12 Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Những năm gần đây, các trường tốp đầu tăng chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả bài thi đánh giá năng lực. Do đó, bên cạnh tăng cường ôn tập để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, em còn ôn luyện để làm quen với các dạng bài thi này.

Qua tìm hiểu, Thảo biết một trung tâm luyện thi tổ chức học trực tiếp lẫn trực tuyến. Nữ sinh đã đăng ký học trực tiếp vào thời gian rảnh, còn lại sẽ học trực tuyến. “Hiện lịch học của em kín cả tuần, hết học trên lớp, ôn tốt nghiệp đến ôn đánh giá năng lực. Có lúc em mệt mỏi vì thời gian học quá nhiều”, Thảo tâm sự.

Trần Huy Đức - học sinh lớp 11 Trường THPT Minh Quang (huyện Ba Vì, Hà Nội) dự định thi vào Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Trường Đại học Hà Nội. Hai trường này đều sử dụng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Do đó Huy Đức đã đăng ký tham dự kỳ thi để có thêm kinh nghiệm, đồng thời tìm lớp học trực tuyến để làm quen với đề thi.

Tìm hiểu trên mạng, một trung tâm luyện thi quảng cáo là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực tư vấn và luyện thi đánh giá năng lực, đặc biệt là việc tổ chức các khóa luyện thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, theo hình thức trực tuyến. Thấy tiện lợi nên nam sinh đăng ký theo khóa học này.

Các lò luyện thi tưởng như đã hết thời thì những năm gần đây có xu hướng quay lại. Trên mạng xã hội, hàng loạt trung tâm dạy thêm, luyện thi đã mở những hội, nhóm với hàng vạn thành viên để chia sẻ thông tin về kỳ thi đánh giá năng lực, kèm theo đó là giới thiệu các khóa học ôn thi đánh giá năng lực, lôi kéo hàng nghìn thí sinh đăng ký luyện thi.

Không chỉ quảng cáo trên mạng xã hội, nhiều trung tâm luyện thi còn về tận trường THPT với vỏ bọc tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh nhưng thực chất để giới thiệu về các khóa học luyện thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Do kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy còn khá mới mẻ nên nhiều học sinh và cả giáo viên chưa có kiến thức đầy đủ, dễ bị lôi kéo vào các khóa học.

Chị Nguyễn Thị Lan - phụ huynh học sinh tại quận Cầu Giấy cho biết: Tham gia các lớp luyện thi đánh giá năng lực là nhu cầu của nhiều học sinh vì không luyện thi thì khó có thể làm được bài. Do đó, nhiều trẻ ngay từ lớp 10 đã phải tham gia các lớp học thêm, lớp luyện thi.

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2023. Ảnh: Vân Anh

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2023. Ảnh: Vân Anh

Có nên luyện thi?

Không thể phủ nhận việc luyện thi sẽ giúp thí sinh tự tin, có kỹ năng làm bài tốt hơn. Song với các bài thi đánh giá năng lực, thí sinh cần cẩn trọng khi luyện thi bởi thực tế các trung tâm đang dựa vào cấu trúc đề thi để xây dựng câu hỏi nên chưa được kiểm chứng.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc cá nhân tự xưng là chuyên gia thiết kế, biên soạn tài liệu hay sách ôn thi đánh giá năng lực không ai kiểm chứng. Các chuyên gia mà Đại học Quốc gia Hà Nội mời biên soạn câu hỏi phải ký cam kết không tham gia luyện thi dưới bất kỳ hình thức nào.

Ông Thảo cũng cho biết, trong bài thi, kiến thức lớp 12 chiếm tới 70%. Nếu học sinh lớp 10 đi thi chỉ đạt 10/150 điểm; học sinh lớp 11 đạt tối đa 45/150 điểm. Điểm số đó chưa đạt yêu cầu của kỳ thi và sẽ không đủ dùng để xét tuyển vào các trường đại học. Như vậy, việc học sinh lớp 10, lớp 11 đi thi vừa tốn công, sức, kinh phí lại không đạt mục tiêu đề ra.

TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia TP HCM cũng cho biết: Kỳ thi đánh giá năng lực của đơn vị không tổ chức luyện thi dưới bất kỳ hình thức nào. Tất cả tổ chức, cá nhân, tổ chức luyện thi đánh giá năng lực đều không thuộc và không có bất kỳ mối liên hệ nào với Đại học Quốc gia TPHCM.

Theo ông Chính, những thí sinh đạt điểm cao trong những kỳ thi trước đây chia sẻ đều không tham gia luyện thi. Chính vì vậy, các em không nên, không nhất thiết phải tham gia luyện thi tại các trung tâm. Thí sinh nên tự ôn luyện, tham khảo bài thi minh họa do Đại học Quốc gia TP HCM công bố để biết cấu trúc và định hướng nội dung.

Cho rằng, những trung tâm quảng cáo ôn luyện chỉ là chiêu trò, PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đồng thời nhìn nhận: Các lớp luyện chỉ dạy tiếp cận nội dung chứ không giúp hình thành năng lực. Những khóa học mở ra để hướng dẫn thí sinh kỹ thuật làm bài thi trong khi điều này đã có từ các đơn vị tổ chức.

“Quan trọng là xem hướng dẫn của các trường đại học, nơi tổ chức cuộc thi đánh giá năng lực để làm quen với dạng thức đề, từ đó có thể suy nghĩ sâu hơn về chiến lược làm bài. Đừng chạy theo lớp học luyện thi đánh giá năng lực vì năng lực không thể hình thành trong thời gian ngắn”, thầy Nam nhắn nhủ các thí sinh.

Đại diện các đơn vị có tổ chức kỳ thi riêng đều cho biết, thí sinh hãy thận trọng trước thông tin quảng cáo, giới thiệu của các trung tâm luyện thi, các nhóm luyện thi online. Thay vì đến các lò luyện thi, thí sinh tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy cần nắm chắc cấu trúc bài thi, dạng câu hỏi để có kế hoạch ôn tập phù hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ