Những lò luyện thi... khó thở

Những lò luyện thi... khó thở

(GD&TĐ) - Hiện đang là thời điểm các sĩ tử miệt mài ôn luyện nước rút chuẩn bị cho kì thi ĐH, CĐ sắp tới. Các trung tâm luyện thi cấp tốc đang thi nhau mọc lên để "đón lõng" các sĩ tử.

Không ít thí sinh vẫn đến lò luyện thi cấp tốc chỉ vì tâm lý lo lắng thi cử
Không ít thí sinh vẫn đến lò luyện thi cấp tốc chỉ vì tâm lý lo lắng thi cử
 

Không thôi kỳ vọng

So với các năm trước thì vào thời điểm này, số học sinh đến ôn luyện tại các trung tâm luyện thi đại học cấp tốc đã giảm rõ rệt. Do đề thi đại học những năm gần đây luôn bám sát chương trình trong sách giáo khoa, nên các em chọn cách ôn ở nhà là chính mà không cần đến trung tâm. Nhiều trường THPT cũng đã mở các lớp ôn luyện thi đại học, cao đẳng ngay tại trường ngay sau khi kì thi tốt nghiệp THPT kết thúc.

Tuy nhiên, không ít thí sinh vẫn chọn các lò luyện thi cấp tốc để hi vọng sẽ nâng cao kiến thức trước khi bước vào "giờ G", đặc biệt là các thí sinh ngoại tỉnh.

Thí sinh Thái Thị Huyền đến từ Yên Bái cho biết: Sau khi kết thúc kì thi THPT, em đã xuống Hà Nội để ôn thi . Em cũng muốn làm quen dần với không khí, đường sá của Hà Nội để lúc bước vào kì thi sẽ không bị bỡ ngỡ.

Theo ghi nhận của phóng viên, các lò luyện thi đại học cấp tốc không nhiều như những năm trước. Không còn những biển hiệu luyện thi to và bắt mắt trưng ra để mời chào các học viên.

Trên phố Tạ Quang Bửu (Hà Nội) - điểm nóng về luyện thi những năm trước - đã không còn những lò luyện thi cấp tốc công khai. Một điểm nóng khác là ngõ sau trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) cũng chỉ còn khoảng 3 nhà trưng biển tuyển sinh với rất ít học viên.

Những lò luyện ... khó thở

Những lò luyện thi nhỏ lẻ buộc phải đóng cửa do quy định dạy thêm học thêm của Bộ GD&ĐT nên đã dẫn đến tình trạng quá tải của những trung tâm luyện thi lớn hơn và có giấy phép.

Với những giờ học của một số thầy, cô giáo có tiếng thì các thí sinh đăng kí học kín đặc, có khi lên đến 700 người ngồi trong phòng. Lớp học luôn trong tình trạng quá tải nên nhiều sĩ tử phải ngồi sát dọc 2 mép tường, nơi không có bàn, phải kê sách vở lên đùi để viết, nhiều sĩ tử phải kê ghế ra bên ngoài cửa để nghe giảng.

Tại một số trung tâm, chưa đến giờ học nhưng nhiều sĩ tử đã đứng kín trước cửa. Lớp học với diện tích khoảng 200 m2 được xếp 1 dãy gồm 10 bàn và có tất cả 20 dãy bàn trải kín từ đầu đến cuối. Mỗi bàn được chia đều với số lượng 3 học sinh và được đánh số thứ tự từ 1 đến 600.

Tại một lò luyện thi ở gần ĐH Sư phạm Hà Nội, lớp học luôn trong tình trạng... khó thở!

Nếu như trước đây mỗi môn học 2 buổi/ tuần thì bây giờ trung tâm đã tăng lên 3 buổi/ tuần. Do nhu cầu của sĩ tử quá cao, mà diện tích lớp học có hạn nên trung tâm đã ngưng việc bán thẻ học theo ngày. Thẻ tháng phải mua từ trong tháng 5 và cũng không bán nữa vì quá đông. Nhiều sĩ tử muốn học, nhưng không có thẻ nên đành ra về.

Có cần luyện thi cấp tốc?

Các giáo viên kinh nghiệm đều cho rằng các lớp luyện thi cấp tốc chỉ kéo dài chưa đến 1 tháng nên rất khó để nhồi nhét đủ các kiến thức cho các sĩ tử. Dù người dạy có giỏi đến đâu đi chăng nữa mà kiến thức 12 năm học của các em bị hổng, thì có luyện bằng mọi cách cũng không thể "trám" kịp.

Đề thi những năm gần đây rất cơ bản. Thay vì đến lò luyện thi, học sinh có thể theo học chính thầy cô giáo dạy mình ở trên lớp nếu thấy phương pháp giảng dạy đó vẫn phù hợp với mình.

Hiện nay việc học trực tuyến đã là một sự lựa chọn của nhiều thí sinh. Hình thức học và ôn thi trực tuyến hiện nay rất phong phú. Ở các diễn đàn, hoạt động hỏi đáp giữa các thành viên diễn ra khá sôi nổi. Các sĩ tử có thể vào mục hỏi đáp của các môn thi để nhờ các thành viên khác giải đáp giúp những đề thi khó.

Các kiến thức cơ bản và nâng cao cũng thường xuyên được cập nhật. Hệ thống các website ôn thi chuyên nghiệp thường xuyên đưa ra những bí quyết, tư vấn giúp thí sinh học hiệu quả, tổng hợp các kiến thức cần cho sĩ tử khi ôn thi, những đề thi phù hợp với khung kiến thức của kì thi Đại học giúp các sĩ tử thi thử để kiểm tra năng lực của mình.

Kỳ thi ĐH, CĐ năm 2012, đã có rất nhiều thủ khoa đến từ các trường "tỉnh lẻ" và có rất nhiều trường "tỉnh lẻ" có tỉ lệ thí sinh đỗ ĐH cao. Đó là nhờ sự tâm huyết của các "thầy giáo làng", học sinh không phải lên Hà Nội để chen chúc trong những lò luyện thi cấp tốc.

Nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác học tập bài bản, khoa học của các thí sinh.

Lan Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.