Chuỗi diễn biến này khiến không ít thí sinh, nhất là các đối tượng đặc cách, trăn trở về con đường vào trường ĐH mong muốn. Vì thế, khi Bộ GD&ĐT đề nghị 2 ĐHQG tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2, nhiều thí sinh đặc biệt quan tâm đến sự kiện này.
Bắt được diễn biến tâm lý của thí sinh, những ngày qua, nhiều trang mạng xã hội đã tung thông tin tuyển sinh, thông tin tư vấn thiếu chuẩn xác. Rõ nhất là sự xuất hiện của các nhóm ôn thi đánh giá năng lực ĐHQG TPHCM mà không có ủy quyền hợp pháp của ĐH này, nhằm mục đích lôi kéo thí sinh ôn luyện.
Các nhóm này đăng tải nhiều thông tin tuyển sinh, tư vấn và có những nhận định khá chủ quan về các trường ĐH. Thậm chí có nhóm còn công bố “Kết quả khảo sát điểm tốt nghiệp THPT 2021” của thí sinh đăng ký vào các trường thành viên ĐHQG TPHCM với các số liệu không được kiểm chứng, không thực hiện đúng các thao tác trong thống kê.
Đáng chú ý nhóm còn đề nghị thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng vào Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM điền khảo sát thu thập nguyện vọng và điểm thi tốt nghiệp THPT 2021, để nhóm thống kê và đưa ra phổ điểm cho các ngành học.
Trước việc làm tuỳ tiện có khả năng ảnh hưởng đến quyền lợi thí sinh và nhà trường, gây hoang mang dư luận, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM đã đưa ra cảnh báo: “Nhà trường khẳng định đây là những thống kê không phản ánh đúng các số liệu về tuyển sinh vốn được Bộ GD&ĐT, các trường quy định chặt chẽ về tính bảo mật và ảnh hưởng đến việc điều chỉnh nguyện vọng.
Các số liệu sai lệch khi được công bố có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến quá trình tuyển sinh, chọn nguyện vọng của thí sinh. Đề nghị thí sinh chỉ tham khảo thông tin trên các kênh mà nhà trường đã công bố để bảo đảm tính chính xác, không ảnh hưởng xấu đến quá trình đăng ký nguyện vọng xét tuyển”.
Không chỉ đưa thông tin thiếu chuẩn xác gây ảnh hưởng đến thí sinh trong việc điều chỉnh nguyện vọng, các nhóm ôn thi đánh giá năng lực còn có xu hướng lôi kéo thí sinh đặt kỳ vọng vào kỳ thi này qua các lớp luyện thi, rao bán đề. Nhiều trang bán bộ đề và có các khóa học ôn luyện với giá từ vài trăm nghìn cho đến vài triệu đồng. Các trang web đều hứa hẹn bảo đảm đội ngũ giáo viên chất lượng, điểm đầu ra cao. Có trang còn đứng ra tổ chức kỳ thi thử online cho học viên đã mua bộ đề...
Đặc biệt, có trang còn dán cả logo ĐHQG TPHCM! Trong khi đó ĐHQG TPHCM khẳng định không phát hành các tài liệu liên quan đến đề thi của kỳ thi đánh giá năng lực năm 2021. Những tài liệu liên quan tới đề thi này đang rao bán, phát hành trên mạng đều là mượn danh ĐH. Và đặc biệt, ĐH này nhấn mạnh, bài thi đánh giá năng lực là kiểm tra tư duy, khuyên thí sinh không nên mất thời gian đầu tư tiền bạc, thời gian vào lò luyện thi.
Tình hình dịch bệnh Covid-19 đã gây ra nhiều thiệt thòi cho thí sinh trong mùa thi, xét tuyển năm nay. Việc cung cấp thông tin thiếu chuẩn xác để thu hút sự quan tâm của thí sinh vào các lò luyện nhằm thu lợi không chỉ gây hoang mang cho thí sinh mà còn gây bất ổn trong công tác tuyển sinh. Nghiêm trọng hơn, việc tổ chức rao bán đề nếu có gắn mác một ĐH cụ thể còn là hành vi giả mạo, vi phạm pháp luật. Đã đến lúc các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường kiểm tra, xử lý thông tin gây nhiễu, hành vi bán đề mạo danh, góp phần ổn định tư tưởng thí sinh cũng như công tác tuyển sinh của các trường.