Việc nhiều sát Tết
Chị Nguyễn Thị Thúy, người làm nghề bán hàng tại chợ gia cầm Hà Vĩ, cho biết: "Để chuẩn bị hàng cho dịp Tết năm nay, từ hôm 20/12 âm lịch, tôi đã nhập về 2 tấn gà mã đẹp ở Thái Nguyên. Để bán hết số gà trên, nhà tôi phải cử 4 người thay nhau làm việc".
Theo chị Nguyễn Thị Thúy, hàng năm, cứ vào giữa tháng 12 âm lịch là các hộ gia đình làm nghề buôn bán gia cầm tại chợ bắt đầu tấp nập vào vụ. Thường thì những người đàn ông trong gia đình sẽ phụ trách việc đi thu mua gia cầm, thủy cầm.
Hàng được nhập về từ tất cả các tỉnh thành trên cả nước để phục vụ chủ yếu thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận. Nhiều mặt hàng hút khách như gà mía Sơn Tây hay gà đồi Yên Thế, tiểu thương ở đây phải đi "săn lùng" tại địa phương để về phục vụ nhu cầu khách hàng trong dịp Tết.
"Nghề bán hàng gia cầm những ngày Tết này vất vả lắm. Nhiều hôm khan hàng, đang đêm phải gọi các con dậy trông hàng. Vợ chồng tôi phải đi cả trăm km bắt gà để kịp chợ sáng hôm sau" - Chị Nguyễn Thị Thúy tâm sự.
Chị Quách Thị Thanh có gần 20 năm làm nghề bán hàng tại chợ Hà Vĩ, cho biết: "Vì chợ hoạt động 24/24, chúng tôi luôn phải có người túc trực. Tết đến, phải thay nhau trực vì những lúc khách đông trói gà không kịp".
Những ngày cuối năm, chợ nhộn nhịp hơn, đặc biệt vào trước ngày Tết ông Công - ông Táo và 27 - 28 âm lịch là cao điểm của người dân mua về phục vụ tết. Càng đến Tết người dân có nhu cầu tiêu thụ càng lớn, nguồn hàng càng khan hiếm, giá sẽ tăng mạnh.
Cũng theo chị Quách Thị Thanh Thu, nhập từ công việc buôn gà này đem lại cũng khá ổn định. Với lao động làm thuê cũng được từ 6 - 7 triệu đồng/tháng. Những người đi buôn cũng có cuộc sống khá giả hơn.
Từ nghề buôn gà, gia đình chị có cuộc sống đầy đủ hơn nhưng cũng nhiều nỗi vất vả. Chị Quách Thị Thanh tâm sự: "Làm nghề phải thức thâu đêm suốt sáng, mọi người thay nhau túc trực lúc khách đến, lúc nhập hàng về. Nhiều năm nay, gia đình tôi chỉ nghỉ ngày mùng 1 Tết. Rồi ngay tối hôm đó đã đầu công việc của năm mới".
Nghề cũng khiến nhiều người dễ mắc các bệnh đường hô hấp do mùi hôi nồng nặc của gia cầm nhập về từ nhiều nguồn. Để hạn chế những bệnh cúm do gia cầm gây nên, những người làm nghề trong chợ thường xuyên phải dọn dẹp chuồng chứa khi hết hàng, đeo khẩu trang...
Những ngày Tết, hàng về nhiều khiến chị Quách thị thanh cùng nhiều lao động khác làm việc trong môi trường khá khó chịu, nhưng vì lượng khách tăng nên ai cũng đều phấn khởi.
Lo dịch Covid-19
Là một người chuyên nhập gia cầm từ chị Hà Vĩ về giết mổ phục vụ các nhà hàng, quán ăn, cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP Hà Nội, anh Lê Tuấn Hùng, trú tại Thanh Trì, Hà Nội cho hay: "Mọi năm vào tầm này, mỗi ngày, nhà tôi xuất ra thị trường hàng chục con gia cầm đã được làm sạch. Dịch Covid-19 lần này quay lại khiến thị trường có dấu hiệu sụt giảm".
Cuối năm việc nhiều, anh Lê Tuấn Hùng vẫn thuê 6 lao động vào việc giết mổ gà, vịt. Dịch bệnh bùng phát trở lại, anh lo lắng không biết xoay sở thế nào trong vụ Tết năm nay.
"Năm nào cũng vậy, sáng 30 Tết tôi xuống Hà Vĩ lấy chuyến gà cuối, mã đẹp để bán gà lễ giao thừa. Đến ngày mồng 2 Tết, nhiều nhà hàng hoạt động trở lại là tôi phải đi lấy hàng từ đêm, rạng sáng cả nhà đã phải gọi nhau dậy mổ gà" - anh Lê Tuấn Hùng nói về công việc.
Chia sẻ với PV, ông Lê Thanh Bình - Trưởng Ban quản lý chợ gia cầm Hà Vĩ - cho biết: "Hiện nay tại chợ có 160 gian bán gia cầm, thủy cầm. Chợ đàn tạo việc làm ổn định cho gần 1.000 lao động trên địa bàn".
Theo ông Lê Thanh Bình, số lượng gia cầm về chợ tại thời điểm giáp Tết trung bình khoảng 40-45 tấn gia cầm ra vào. Càng vào Tết thì chợ Hà Vỹ hoạt động ngày càng sôi động.
Năm nay, nguồn cung cấp gia cầm rất phong phú nhưng sức mua giảm hơn so với năm ngoái phần lớn là do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhiều thương lái cũng đang lo lắng khi trông chờ cả năm vào dịp Tết.