Đà Nẵng: Tiểu thương lo lắng vì chợ Tết vắng khách

GD&TĐ - Chỉ còn khoảng ít ngày nữa là sẽ đến Tết Nguyên đán. Tại các chợ ở TP Đà Nẵng, trái ngược với không khí sầm uất đông đúc như mọi năm là sự đìu hiu, ế ẩm, vì vắng khách mua.

Chợ Hàn khá vắng khách trong dịp cận Tết Nguyên đán.
Chợ Hàn khá vắng khách trong dịp cận Tết Nguyên đán.

Thấp thỏm lo lắng

Ngày 1/2, ghi nhận của PV tại chợ Hàn (Đà Nẵng), một trong những chợ loại 1 của thành phố. Trái ngược với vẻ đông đúc với mọi năm, năm nay chợ Hàn khá vắng vẻ.

Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã khiến hoạt động kinh doanh của người dân tại chợ bị gián đoạn nhiều lần. Dù đã bước vào thời điểm cuối năm song chợ vẫn khá vắng bóng khách. Nhiều tiểu thương thỉnh thoảng mới có thể mời chào một vài khách vãng lai… Nhiều người bán thậm chí ngồi chơi suốt cả ngày.

Chị Lại Nam Định - tiểu thương chợ Hàn (quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết, ảnh hưởng của dịch khiến việc buôn bán giảm sút.

“Trước đây, thời điểm cận Tết chợ Hàn rất đông khách, mở cửa từ sáng sớm đến khi tận khuya mới đóng cửa. Mới năm ngoái thôi, hàng hóa bán của tôi nhập về nhiều, khách đông nên bán được lắm. Nhưng năm nay không khí mua bán dịp Tết im vắng, hàng nhập về cũng ít. Riêng tôi trữ hàng Tết cũng giảm gần một nửa. Mua đến đâu bán đến đó vì khách hàng ít”, chị Định nói.

Không chỉ ở chợ loại 1 của thành phố, những chợ ở các quận, huyện trên địa bàn quận cũng lao đao vì ế khách. Chị Nguyễn Thị Cúc – tiểu thương bán đồ gia dụng ở chợ Túy Loan (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cho biết, năm nay chị trữ hàng Tết gần trăm triệu đồng. Giờ vắng khách nên chị đang lo “sốt vó”.

“Mọi năm vào giờ này, khách đến mua hàng tấp nập nhưng năm nay thì quá ế. Vắng khách một phần, nhưng giờ dịch Covid-19 xuất hiện ở các tỉnh phía Bắc khiến người mua sắm Tết ít hơn, vì lo sợ dịch bệnh. Chỉ mong từ đây tới Tết bán được chút ít để gỡ lại vốn”, chị Cúc chia sẻ.

Trước đây, TP Đà Nẵng trải qua 2 đợt dịch, nhiều tiểu thương tại các chợ đã chủ động đóng cửa, dừng hoạt động kinh doanh để chống dịch. Sau khi thành phố khống chế được dịch, nhiều tiểu thương mở cửa trở lại mong có thể tiếp tục buôn bán bù đắp lại phần nào thiệt hại trong gần 1 năm qua, thế nhưng tình hình không khả quan hơn là mấy.

Tiểu thương e dè trữ hàng Tết

Ông Nguyễn Đắc Hùng - Trưởng BQL chợ Cồn (TP Đà Nẵng) cho biết, dịch bệnh, thiên tai khiến đời sống người dân khó khăn, nhiều người dân cũng e dè trong mua sắm các mặt hàng Tết. Nắm bắt được tâm lý đó nên các tiểu thương không lấy hàng nhiều. So với Tết năm ngoái, năm nay nguồn hàng dự trữ giảm hơn 50%, có hàng giảm 70 - 80% như mặt hàng: Bánh, kẹo, mứt…

Còn ông Nguyễn Trung Thành – Trưởng BQL chợ Hàn (TP Đà Nẵng) cho hay, so với mọi năm, năm nay do tình hình dịch bệnh nên nhiều tiểu thương trữ hàng khá ít, hoặc không trữ hàng bán Tết.

“Chợ Hàn chủ yếu phục vụ khách du lịch, thế nhưng dịch bệnh khách du lịch không có nên năm nay, có nhiều hộ kinh doanh chủ động không trữ hàng bán Tết. Bên cạnh đó, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên người dân càng ít đi chợ hơn. Cảnh tượng chợ Tết mà không hề có ai, khá ế ẩm”, ông Thành cho hay.

Ông Thành cũng cho biết thêm, tại chợ Hàn có hơn 30% tiểu thương đã đóng cửa vì khá ế khách.

Ông Nguyễn Hữu Hạnh - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng cho biết, dịp Tết Tân Sửu, thành phố dành 1.700 tỷ đồng để mua hàng hóa phục vụ người dân, trong đó gồm các mặt hàng như: Gạo nếp, thịt lợn, thịt bò, mứt, bánh kẹo… và khoảng 1 nghìn tấn rau củ, quả.

Theo ông Hạnh, Sở Công Thương đã phối hợp các sở, ngành, liên quan theo dõi sát diễn biến thị trường, tình hình cung cầu hàng hóa để có kế hoạch bảo đảm cân đối lượng hàng Tết, bình ổn thị trường, phục vụ cho cho người tiêu dùng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.