Cần tạo điểm khởi đầu để nâng chất dạy-học tiếng Anh ở vùng khó khăn

GD&TĐ - Theo thầy Nguyễn Minh Tuấn - Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, chất lượng dạy-học tiếng Anh tại các trường phổ thông ở vùng khó khăn chỉ có thể được nâng cao nhờ vào một giải pháp mang tính tổng thể và đồng bộ.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Tuy nhiên, giải pháp này cần có cú hích mang tính đột phá để tạo ra điểm khởi đầu, thúc đẩy toàn bộ giải pháp vận hành. Công nghệ thông tin và truyền thông được chứng minh là đóng vai trò như một tác nhân góp phần khởi động và xúc tiến quá trình nâng cao chất lượng dạy học nói chung, dạy-học tiếng Anh nói riêng, đặc biệt ở các vùng khó khăn.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

7 nhóm giải pháp cải tiện thiện dạy học tiếng Anh của nước Úc

Lấy ví dụ từ nước Úc, thầy Nguyễn Minh Tuấn - cho biết: Năm 2012, Bộ Giáo dục Phổ thông, Mầm non và Thanh thiếu niên của đất nước này đã triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu ‘What Works’, nghiên cứu 11 trường phổ thông tại các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn ở Úc.

Các trường phổ thông được nghiên cứu là những cơ sở giáo dục có sự tiến bộ rõ rệt trong việc nâng cao kết quả học tập của học sinh và tăng tỷ lệ học sinh đến lớp trong 5 năm qua, tính đến năm 2012.

Nghiên cứu được triển khai nhằm tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Những giải pháp mang tính hành động cụ thể nào đã giúp nâng cao kết quả học tập của người học tại các trường ở vùng xa xôi, khó khăn?”.

Ba câu hỏi khác xoay quanh câu hỏi trên là: Điểm khởi đầu cho các hành động cụ thể đó là gì?; Tiến độ thực hiện các hành động cụ thể đó như thế nào?; Mô hình đó có thể chuyển giao hay áp dụng được ở bối cảnh khác hay không?.

Thầy Nguyễn Minh Tuấn - dẫn giải: Trong báo cáo kết quả nghiên cứu công bố tháng 7/2012, Peter Garrett AM MP - Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phổ thông, Mầm non và Thanh thiếu niên (Úc) đã chỉ ra rằng các giải pháp hành động được thực hiện với tần suất cao nhất ở 11 trường kể trên có thể khái quát thành 7 nhóm như sau:

Nhóm 1: Vai trò then chốt, sống còn của lãnh đạo/sự lãnh đạo

Nhóm 2: Sự hiểu biết sâu sắc về tầm quan trọng của những người tham gia trực tiếp và gián tiếp đến cộng đồng trường học

Nhóm 3: Văn hóa trường học được xây với sự kỳ vọng cao đối với tất cả học sinh

Nhóm 4: Phương pháp dạy áp được triển khai trong toàn trường hướng đến kết quả học tập cụ thể

Nhóm 5: Xây dựng và duy trì đội ngũ giáo viên có đủ năng lực thực hiện các giải pháp hành động trong toàn trường

Nhóm 6: Đẩy mạnh, hỗ trợ và khuyến khích phát huy năng lực học tập của học sinh

Nhóm 7: Xây dựng nội dung dạy-học hấp dẫn, dễ tiếp cận và gắn liền với văn hóa của học sinh

Trong cả 7 nhóm giải pháp nêu trên, công nghệ thông tin và truyền thông thường xuyên xuất hiện, có lúc đóng vai trò là giải pháp hành động cụ thể, có lúc là môi trường xúc tác giúp cho các giải pháp khác được thực hiện hiệu quả và dễ dàng hơn.

Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông

Cũng theo thầy Nguyễn Minh Tuấn, nghiên cứu What Works cho thấy tất cả 11 trường thuộc đối tượng nghiên cứu tại vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn ở Úc đã thu được kết quả đáng kể trong việc nâng cao kết quả học tập và tỷ lệ đến lớp của học sinh thông qua việc khai thác các ứng dụng của công nghệ thông tin và truyền thông.

Mức độ khai thác ứng dụng khác nhau tùy theo điều kiện về cơ sở vật chất và khả năng của giáo viên trong trường. Tuy nhiên, tất cả các trường được nghiên cứu đều có những trang bị tối thiểu như sau:

1 bảng điện tử (hoặc máy chiếu đa chức năng) ở tất cả các lớp học; 1 phòng máy tính (phòng lab); 2 lớp học được trang bị máy tính xách tay (cho giáo viên và mỗi học sinh); tất cả giáo viên, cán bộ hỗ trợ đào tạo được tập huấn sử dụng bảng điện tử và có thể sử dụng bản điện tử cùng với học sinh.

"Nhiều bằng chứng được tìm thấy ở các trường thuộc đối tượng nghiên cứu trên cho thấy kết quả học tập được cải thiện rõ rệt ở các trường có ‘môi trường công nghệ thông tin và truyền thông phong phú, nơi có nhiều thiết bị công nghệ thông tin và truyền thông được sử dụng một cách phù hợp" - Thầy Nguyễn Minh Tuấn cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ