(GD&TĐ) – Sáng nay (3/11), Quốc hội tập trung thảo luận tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2010; dự toán và phương án phân bổ ngân sách năm 2011.
Nợ công của Việt Nam là bao nhiêu?
Theo báo cáo của Chính phủ, tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2010 ước đạt 520.100 tỷ đồng, vượt 12,7% so với dự toán và tăng 17,6% so với năm 2009. Hầu hết các khoản thu đều hoàn thành vượt dự toán, kể cả thu phí xăng dầu nhiều năm không đạt dự toán. Bảo đảm được các nhiệm vụ chi và góp phần giảm bội chi xuống dưới 6%, thấp hơn kế hoạch đề ra (6,2%). Đến hết năm 2010, dư nợ Chính phủ tương đương khoảng 44,5% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 42,2% GDP và nợ công bằng 56,7% GDP, nằm trong giới hạn an toàn.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết cho biết, theo tính toán của chuyên gia kinh tế, nếu quan niệm nợ công theo thông lệ quốc tế bao gồm cả nghĩa vụ nợ của ngân hàng, của doanh nghiệp nhà nước thì nợ công của chúng ta không dưới 70% GDP. |
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) đi sâu vào phân tích vấn đề nợ công. Báo cáo của Chính phủ cho biết nợ công bằng 56,7% GDP, tuy nhiên ông Thuyết cho biết, theo tính toán của chuyên gia kinh tế, nếu quan niệm nợ công theo thông lệ quốc tế bao gồm cả nghĩa vụ nợ của ngân hàng, của doanh nghiệp nhà nước thì nợ công của chúng ta không dưới 70% GDP. Đại biểu đề nghị Chính phủ giải trình rõ thêm về vấn đề này.
Đề cập đến vấn đề bội chi ngân sách, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên) đặt vấn đề thực sự bội chi ngân sách của chúng ta chiếm bao nhiêu % GDP? Đại biểu đề nghị Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, cùng với các bộ, ngành rà soát lại cách tính của chúng ta xem có phản ánh đúng bản chất cân đối thu chi ngân sách, có phù hợp với các định chế tài chính quốc tế hay không để báo cáo rõ hơn với Quốc hội, Chính phủ, từ đó có những chính sách đúng đắn.
Ông Đỗ Mạnh Hùng cũng cho rằng, nếu quyết tâm thì chúng ta có thể giảm được bội chi ngân sách... và nên dành khoảng 30% của số vượt thu để giảm bội chi ngân sách xuống dưới mức 5,5%, bởi nếu cứ để mức bội chi cao, kéo dài sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Một yếu tố để tăng thu được đại biểu Đinh Xuân Thảo đề cập đến đó là tình trạng nợ đọng thuế (cả nội địa và xuất khẩu) hiện nay của chúng ta còn lớn, nếu có những biện pháp quyết liệt truy thu số thuế nợ đọng này sẽ làm tăng thu ngân sách và giữ kỷ cương, pháp luật về ngân sách Nhà nước.
Tăng ngân sách cho người nghèo
Về kế hoạch thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2011, nhiều đại biểu đề nghị, chúng ta cần triển khai những giải pháp mang tính dài hạn, trong đó cần khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống và đổi mới cơ cấu thu, tăng tính bền vững và ổn định của ngân sách Nhà nước. Về chi ngân sách, các đại biểu cũng đề nghị phải rà soát, sắp xếp và bố trí lại kế hoạch đầu tư. Lĩnh vực được lựa chọn không nhất thiết phải là lĩnh vực đầu tư có hiệu quả kinh tế cao nhất mà là lĩnh vực có khả năng mở rộng, có tiềm năng phát triển của nền kinh tế.
Cần tăng cường hơn nữa kinh phí cho người nghèo, xã, huyện nghèo, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, trong đó có kinh phí cho việc xây dựng nông thôn mới để sớm rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa nông thôn vào thành thị. |
Trong lĩnh vực chi cho an sinh xã hội các đại biểu đề nghị cần tiếp tục được ưu tiên trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh gia tăng và giá cả leo thang. Đại biểu Danh Út (đoàn Kiên Giang) đề nghị, trong bố trí ngân sách, cần tăng cường hơn nữa kinh phí cho người nghèo, xã, huyện nghèo, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, trong đó có kinh phí cho việc xây dựng nông thôn mới. Có như vậy mới sớm rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa nông thôn vào thành thị.
2% tổng chi dành cho KH – CN vẫn là ít
Năm 2011, ngân sách dự kiến dành 2% tổng chi cho khoa học - công nghệ (KH - CN), về vấn đề này, Ông Lê Bộ Lĩnh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Về số tương đối cho biết, dành 2% ngân sách chi cho KH - CN là cố gắng lớn của Chính phủ. Nhưng nếu so về con số tuyệt đối thì số tiền dành cho KH - CN chỉ vào khoảng 500 triệu USD quả là quá nhỏ bé so với mức đầu tư của nhiều nước trên thế giới (hiện chiếm 2,5 - 3,5% GDP). Được biết, trên thế giới, lĩnh vực KH - CN ngoài phần chi từ ngân sách chiếm vào khoảng 15% tổng chi, còn có nhiều nguồn chi khác, đặc biệt là nguồn chi từ doanh nghiệp. Còn ở Việt Nam, đầu tư vào KH - CN vẫn chủ yếu trông chờ vào nguồn đầu tư từ ngân sách. Trong khi đó, nghiên cứu và phát triển là yếu tố quyết định sự phát triển của mỗi doanh nghiệp thì doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đầu tư.
“Mỗi năm ngân sách dành 500 triệu USD để đầu tư cho KH - CN là quá ít. Nhưng 80% số tiền này phải dành để trả lương và chi quản lý hành chính. 20% còn lại phải dành để sửa chữa, bảo dưỡng cơ sở vật chất, trụ sở, phương tiện làm việc cho cơ sở KH - CN; số tiền còn lại mới dành để trang bị thiết bị máy móc cho nghiên cứu là quá ít. Trong khi đó, các nước không coi chi lương, chi quản lý hành chính là chi cho KH - CN. Đây chính là bất cập lớn nhất” – ông Lê Bộ Lĩnh chia sẻ.
Ông Lĩnh cho biết thêm, ở nhiều nước trên thế giới như: Nhật Bản, Mỹ, Đức…, không chỉ các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn mới quan tâm đầu tư cho nghiên cứu - phát triển, mà hàng năm, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều dành nguồn tài thích đáng để đầu tư cho nghiên cứu - phát triển, bởi họ nhận ra rằng, chỉ có tập trung vào nghiên cứu - phát triển mới có thể tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, mới nâng được sức cạnh tranh của sản phẩm. Còn đối với những tập đoàn kinh tế lớn như Samsung, Honda, Sony… người ta đều có viện nghiên cứu riêng và hàng năm đều rót hàng tỷ USD cho viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm tập trung nghiên cứu - phát triển. Còn ở Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp, kể cả các tập đoàn, tổng công ty lớn cũng chưa thực sự quan tâm đầu tư cho KH - CN, cho dù Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho KH - CN với quy định cho phép doanh nghiệp được trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế để lập Quỹ phát triển KH - CN.
“Nhà nước đã có cơ chế khuyến khích, nhưng nếu doanh nghiệp không thực sự ý thức rằng, không tập trung đầu tư nghiên cứu - phát triển để nâng cao sức cạnh tranh, gia tăng giá trị sản phẩm thì việc huy động nguồn vốn ngoài xã hội để đầu tư cho lĩnh vực này khó có sự đột phá trong thời gian tới” – ông Lê Bộ Lĩnh nhấn mạnh.
Quang Anh