(GD&TĐ) - Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 296/TTg của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012, Trường Đại học Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) đang tích cực tìm kiếm các giải pháp, để vươn lên theo kịp đòi hỏi của thời kỳ mới. Trả lời phỏng vấn Báo Giáo dục & Thời đại, TS Nguyễn Bảo Hoàng Thanh - Hiệu trưởng nhà trường đề nghị: Cần tăng cường đầu tư cho các trường sư phạm và ưu tiên tuyển chọn sinh viên khá và giỏi tâm huyết với nghề.
PV: Thực tế cho thấy đa số các trường ĐHSP (kể cả các trường ĐHSP có tên tuổi) đều teo tóp dần đầu vào... Như vậy làm sao các trường sư phạm có thể đứng vững được... thưa ông?
SV ĐH sư phạm TPHCM |
TS Nguyễn Bảo Hoàng Thanh: Có một thực tế là số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào các trường và khoa sư phạm trong nước có giảm. Điều này liên quan đến việc nhu cầu đào tạo giáo viên phổ thông các cấp càng giảm đi. Nguồn gốc sâu xa của việc này là do chúng ta thực hiện tốt chính sách dân số nên quy mô dân số ngày càng đi vào ổn định, số trẻ em đi học tại các trường, do đó, cũng đã ổn định, tăng thêm không đánh kể. Đội ngũ giáo viên thay thế cũng không còn thiếu như trước đây. Từ đó việc tuyển vào biên chế của ngành giáo dục đào tạo tại các Sở Giáo dục hàng năm không nhiều, làm cho sự cuốn hút tuyển sinh vào các ngành sư phạm có giảm đi so với trước đây. Thêm vào đó các trường đại học cũng mỗi năm mỗi gia tăng, các hình thức đào tạo cũng phát triển không ngừng: chính quy, vừa làm vừa học, liên thông, từ xa...
Trong bối cảnh đó trường chúng tôi cũng gặp một số khó khăn về nguồn học viên, sinh viên. Để vượt qua điều này, nhà trường đã đề ra một số chủ trương phù hợp như: 1- Tăng cường uy tín, vị thế đã được khẳng định của nhà trường ở miền Trung và Tây nguyên thông qua việc công bố chuẩn đầu ra, 3 công khai theo chủ trương chung của Bộ để giúp các cơ sở liên kết trong nước cũng như người học lựa chọn; 2- Tiếp tục cùng các cơ sở liên kết phát triển địa bàn tuyển sinh đến các vùng sâu, vùng xa, nơi có nhu cầu học tập, giúp người học thuận lợi trong công tác học tập, bồi dưỡng; 3- Bên cạnh các ngành đào tạo sư phạm, chú ý phát triển song hành các ngành đào tạo thuộc khối cử nhân khoa học mà chúng tôi đã được giao nhiệm vụ đào tạo; 4- Vì trường chúng tôi thuộc loại hình trường đa ngành, đa cấp, có thể tuyển sinh đào tạo từ bậc Trung học sư phạm, đến cao đẳng sư phạm và đại học, nên chúng tôi đang cố gắng khai thác hết những tiềm năng mình có; 5- Từng bước phát triển dần theo hướng đào tạo chuyên sâu: ngoài 27 chuyên ngành đang đào tạo đại học hiện nay, trường đang mở các chương trình đào tạo chất lượng cao, dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, các ngành đào tạo sau đại học, nghiên cứu sinh.
PV: Sư phạm vốn đã nghèo, các trường ĐHSP lại không thu học phí… Tiền ít, cơ sở vật chất nghèo nàn, chắc rất khó để nâng cao chất lượng đào tạo. Ông có trăn trở gì về chuyện nầy?
TS Nguyễn Bảo Hoàng Thanh: Một trong những vấn đề khó khăn đã, đang đặt ra và sẽ còn tiếp tục đặt ra đối với chúng tôi là khả năng tài chính, ngân sách được cấp hàng năm. Từ đó kéo theo nhiều thứ như chi trả lương cho cán bộ, phát triển đội ngũ, tiền lương tăng thêm hàng năm, cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, hoạt động văn thể mỹ... Để vượt qua điều này chắc chắn không phải dễ. 1- Trước mắt phải đề ra kiến nghị với cấp trên: Bộ và cơ quan chủ quản là Đại học Đà Nẵng, cấp đủ các nguồn kinh phí phân bổ cho trường, cấp đủ nguồn ngân sách bù cho khối sư phạm; 2- Toàn trường có kế hoạch tiết kiệm, giảm tối đa những nguồn chi chưa cần thiết... 3- Chúng tôi cũng rất đồng tình với những ý kiến chung của một số trường đại học trong nước là nên chăng Chính phủ có chủ trương cấp đủ 100% ngân sách hiện hành cho các cơ sở đào tạo trong ngành giáo dục - đào tạo, còn việc hỗ trợ kinh phí như miễn giảm học phí cho sinh viên học sinh thuộc diện chính sách, miễn học phí cho sinh viên sư phạm nên chuyển về cho Bộ Thương binh - Lao động quản lý và chi trả cho người học. Có như thế các trường đại học mới đứng vững trên đôi chân mình được. Một việc đặc biệt quan trọng mà chúng tôi đã, đang và chắc chắn sẽ tiếp tục là tăng cường công tác giáo dục lý tưởng nghề nghiệp cho đội ngũ và sinh viên nhà trường. Làm tốt công tác tư tưởng là điều kiện không thể thiếu để hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của nhà trường.
PV: Cũng vì nghèo mà các trường Sư phạm rất khó tuyển dụng và đề bạt những giảng viên có tài, có tâm huyết với nghề vào những cương vị cán bộ quản lý chủ chốt… Bài toán này theo ông cần được xử lý như thế nào? Và liệu có hiệu quả như mong muốn được không?
TS Nguyễn Bảo Hoàng Thanh: Đúng là nghèo có làm khó khăn cho các trường Sư phạm thu hút nhân tài vào làm giảng viên, kể cả việc làm cán bộ quản lý chủ chốt. Bởi thu nhập của giảng viên trường Sư phạm, bao gồm phụ cấp ưu đãi đứng lớp của Nhà nước cũng vẫn thấp hơn so với thu nhập của giảng viên các trường đại học khác. Giữa thu nhập của cán bộ quản lý với giảng viên ở trường Sư phạm không có sự chênh lệch đáng kể, thậm chí nhiều giảng viên có thu nhập còn cao hơn cán bộ quản lý, nhờ họ có thời gian giảng dạy, hay nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, không có nghĩa là đại bộ phận trí thức có tâm huyết với nghề xa rời trường Sư phạm. Họ đã, đang, vẫn và sẵn sàng gắn bó hoặc đầu quân về trường Sư phạm. Ở trường ĐHSP – ĐHĐN trong những năm gần đây đã tiếp nhận một số lượng người đáng kể có học vị thạc sĩ, tiến sĩ từ nhiều nơi trong nước và du học ở các nước khác trên thế giới về làm cán bộ giảng dạy. Điều đó cho thấy đội ngũ trí thức nước ta vẫn có một tâm nguyện, một ý thức muốn đem tài trí, công sức đóng góp vào nền giáo dục nước nhà. Với họ, tiền không phải là tất cả, mà quan trọng hơn là môi trường làm việc, sự tôn trọng, được tạo điều kiện để phát huy tài năng, tính dân chủ, công khai về mọi mặt trong môi trường làm việc.
PV: Nhiều chuyên gia về đào tạo sư phạm cho rằng: hiện nay các sinh viên sư phạm yếu nhất là khâu thực tập sư phạm, thực hành nghề nghiệp. Có lẽ ông cũng có nhiều băn khoăn đi tìm giải pháp khắc phục?
TS Nguyễn Bảo Hoàng Thanh: Giữa lý thuyết và thực hành bao giờ cũng có một khoảng cách nhất định. Một sinh viên học tập giỏi, khi thực tập sư phạm, thực hành sư phạm chưa hẳn tốt hay ngược lại. Quá trình đào tạo không kết thúc khi người học rời ghế nhà trường mà còn tiếp tục trong suốt những năm lao động nghề nghiệp sau này. Để trở thành một giáo viên giỏi cần có một quá trình đào tạo bài bản và việc tự học tập, rèn luyện tiếp sau. Việc sinh viên sư phạm yếu khâu thực tập sư phạm có nhiều nguyên nhân: 1- Thời lượng dành cho các môn nghiệp vụ sư phạm trong khung chương trình đào tạo không cân xứng với vị trí của các môn học này. Điều này đã được bàn đến nhiều. 2- Việc đổi mới PPGD ở trường đại học chưa đạt hiệu quả mong muốn và chưa sát với chương trình ở các trường phổ thông nên khi thực tập sư phạm, SV lúng túng, khó áp dụng những phương pháp mới; 3- Tư tưởng thụ động - nhiều bài giảng có sẵn trên mạng, một số sinh viên download về dạy, ít nghiên cứu để hiểu sâu bài giảng; 4- Kinh phí cho TTSP quá ít để thực hiện TTSP một cách bài bản. Để tháo gỡ điều này chúng tôi, một mặt, tăng cường việc tập giảng tại trường; xây dựng phòng thực hành giảng dạy với các trang thiết bị hiện đại để sinh viên thực tập; mặt khác, tăng cường củng cố bộ môn PPDH và các bộ môn nghiệp vụ sư phạm khác để trang bị cho người học nền tảng nghiệp vụ sư phạm vững chắc trước khi bước vào thực tế giáo dục; tăng cường cơ hội cho người học tiếp xúc với thực tế giáo dục. Điều này sẽ giúp tăng cường lòng tự tin cho sinh viên.
PV: Chân dung người thầy giáo đại học, cũng như giáo viên các trường mầm non và phổ thông thời mở cửa, hội nhập quốc tế chắc chắn phải có một số đòi hỏi mới, khác với thời bao cấp xưa kia...Chúng tôi muốn được ông thử phác họa chân dung người thầy thời hiện đại?
TS Nguyễn Bảo Hoàng Thanh: Tôi cho rằng tư tưởng “vừa Hồng vừa Chuyên” của Bác Hồ vẫn giữ nguyên giá trị trong thời đại ngày nay. Đã là thầy/cô giáo thì thời nào cũng cần có sự chuẩn mực về đạo đức, lối sống, tác phong, hành vi ứng xử. Về kiến thức thì phải sâu, rộng (biết mười dạy một) và cập nhật. Ngày nay, trong thời kỳ mở cửa, hội nhập quốc tế, người thầy cần có thêm một số năng lực và phẩm chất mới như: nhạy bén, năng động, thân thiện, biết làm việc tập thể, sẵn sàng và biết ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt công nghệ thông tin trong giáo dục, biết ngoại ngữ theo yêu cầu của từng cấp học để nghiên cứu, cập nhật tri thức mới hay giao tiếp; chuyên môn phải giỏi, kiến thức phải luôn luôn được cập nhật, đạo đức, lối sống luôn được trao dồi. Và cuối cùng, tôi cho rằng người thầy phải luôn luôn là tấm gương tự học, tự trau dồi, tự hoàn thiện, như viên ngọc càng mài càng sáng.
PV: Trân trọng cám ơn Tiến sĩ!
ĐINH LÊ YÊN (thực hiện)