Cần sự trung thực

GD&TĐ - Những ngày sau bão, có dịp đi về các vùng quê, thậm chí ngay ở thành phố Quảng Ngãi mới thấy hết sự tàn phá khủng khiếp của cơn bão.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Thống kê của tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trong bão số 9, toàn tỉnh có 13 người bị thương, 325 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn, hơn 140.000 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng; 450 trường học, cơ sở giáo dục, 70 cơ sở y tế… bị hư hại nặng; nhiều tuyến đường giao thông, thủy lợi bị sạt lở nghiêm trọng, tổng thiệt hại ước tính lên đến 4.500 tỉ đồng.

Làng quê tan hoang sau bão là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, những con số thống kê trên đây, nhà quản lý chỉ tham khảo chứ không nên hoàn toàn tin vào đó để đưa ra những quyết định trong việc hỗ trợ. 

Sở dĩ phải nói điều đó là vì, ngay sau cơn bão, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã cắt cử người tỏa về các địa phương để nắm bắt thực tế tình hình thiệt hại dưới cơ sở và đã phát hiện ra độ vênh từ những con số báo cáo.

Kiểm tra ngẫu nhiên ở xã Nghĩa Điền, một xã vùng ven của thành phố Quảng Ngãi thì thấy, toàn xã có hai nhà tốc mái hoàn toàn chứ không phải “7 nhà bị sập hoàn toàn” như xã đã báo cáo. “Tốc mái hoàn toàn” khác với “sập hoàn toàn” về thiệt hại, do vậy mức hỗ trợ cũng sẽ khác nhau. Nếu tin vào báo cáo từ cơ sở, thì vô hình trung, ngân sách mất đi một khoản tiền mà lẽ ra sẽ dành đầu tư cho các công trình bị thiệt hai nặng đang cần vốn.

Thực ra thì cũng không nên vội quy chụp người dân và chính quyền địa phương là “không trung thực” trong thiên tai, đặc biệt là như trong vụ bão số 9. Ngay sau bão, huyện, tỉnh đều yêu cầu cơ sở “báo cáo nhanh”.

Cán bộ cơ sở thì cũng lo việc nhà của mình ngổn ngang gãy đổ nên có khi chỉ hỏi qua điện thoại dưới… xóm. Mà xóm thì cũng “báo cáo cho xong” vì thoạt nhìn từ xa thì nhà tốc mái hoàn toàn nó cũng tan hoang chẳng khác gì “sập hoàn toàn” cả khi mà cây cối sau bão lộn tùng phèo như thế.

Bây giờ không phải là lúc “quy trách nhiệm”, song chính quyền cần sát dân hơn ngay trong lúc dầu sôi lửa bỏng này. Sự trung thực trong báo cáo không chỉ mang lại sự công bằng trong việc nhận hỗ trợ từ Nhà nước mà ngay trong việc nhận hỗ trợ từ các tổ chức thiện nguyện cũng rất cần phẩm chất trung thực này.

Cách đây không lâu, ca sĩ Thủy Tiên, người đang gánh trên vai trọng trách là phải phát cho bằng hết 150 tỉ đồng của các nhà từ thiện nhờ cô phát giùm đến đồng bào vùng lũ đã phải viết trên Facebook của mình rằng, cô buộc phải tạm hoãn phát tiền cứu trợ ở một vùng lũ thuộc tỉnh Quảng Trị vì “nhiều bà con đi nhận tiền mà chạy xe tay ga, vàng đeo đầy tay, đầy cổ và… sơn cả móng tay móng chân nữa”. Dĩ nhiên số người đến nhận quà đều là những người nằm trong danh sách bị “thiệt hại nặng” mà chính quyền đã trao cho cô ca sĩ.

Việc chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã kiểm tra thực tế ngay sau khi bão tan là cần thiết trong lúc này, nhưng có lẽ, cần thiết nhất vẫn là sự tự giác của người dân và sự giám sát chéo từ cơ sở. “Người dân thì cần Nhà nước sớm hỗ trợ để ổn định cuộc sống nhưng Nhà nước thì cũng rất cần ở người dân sự trung thực trong báo cáo”, một lãnh đạo của tỉnh Quảng Ngãi đã nói như thế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.