Lương khởi điểm của giáo viên quốc gia nào cao nhất châu Âu?

GD&TĐ - Lương giáo viên tại các quốc gia châu Âu trong thập kỷ qua nhìn chung có tăng nhưng không đồng đều.

Trong thập kỷ qua, lương khởi điểm của giáo viên châu Âu tăng không đồng đều.
Trong thập kỷ qua, lương khởi điểm của giáo viên châu Âu tăng không đồng đều.

Năm 2020 - 2021, Luxembourg là quốc gia châu Âu có mức lương giáo viên khởi điểm hàng năm cao nhất.

Theo dữ liệu của Cơ quan Điều hành Giáo dục, Nghe nhìn và Văn hóa châu Âu (EACED) và Eurydice, mức lương khởi điểm hàng năm chính thức của giáo viên các trường công lập THCS tại châu Âu dao động từ 4.233 đến 69.076 euro trong năm học 2020 - 2021. Mức lương trung bình của các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) là 25.055 euro.

Giáo viên Luxembourg có mức lương khởi điểm cao nhất là 69.076 euro/năm. Hai quốc gia theo sau là Thụy Sĩ (66.972 euro) và Đức (54.129 euro). Trong khi đó, Albania là quốc gia có mức lương khởi điểm thấp nhất ở mức 4.233 euro.

Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) dùng “sức mua tiêu chuẩn” (PPS) để so sánh mức lương giáo viên giữa các quốc gia châu Âu. PPS là “một đơn vị tiền tệ nhân tạo”, trong đó một đơn vị PPS về mặt lý thuyết có thể mua cùng một lượng hàng hóa và dịch vụ ở mỗi quốc gia. Thông qua mức lương PPS cho thấy một số chênh lệch lớn về chi phí sinh hoạt giữa các quốc gia.

Theo đó, lương giáo viên nhìn qua PPS dao động từ 7.824 PPS ở Albania đến 50.357 PPS ở Đức. Trong khi tổng mức lương khởi điểm hàng năm của giáo viên dao động từ 20 nghìn đến 30 nghìn PPS. Một số quốc gia có mức lương giáo viên dưới 20 nghìn PPS có thể kể đến như Estonia, Malta, Séc, Romania, Hy Lạp, Bulgaria, Ba Lan, Hungary, Latvia và Slovakia.

Đáng chú ý, một số quốc gia nằm ngoài EU như Montenegro và Bắc Macedonia có mức lương giáo viên theo PPS cao hơn một số quốc gia EU. Đơn cử, Thổ Nhĩ Kỳ xếp hạng tốt hơn về PPS (đứng thứ 11 với 28.455 PPS) trong khi mức lương danh nghĩa chỉ đạt 8.330 euro, xếp thứ 28/36 quốc gia.

Nhìn chung, ở hầu hết các nước châu Âu, thu nhập của giáo viên bắt đầu làm việc tại các trường công lập thấp hơn đáng kể so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên đầu người. Chỉ 7 trong 36 quốc gia có tổng mức lương khởi điểm theo luật định hàng năm cao hơn GDP bình quân đầu người. Con số cao nhất được ghi nhận ở Bắc Macedonia đạt 1,28, trong khi tỷ lệ này thấp nhất ở Ireland với 0,45.

Cuộc khảo sát cũng tiến hành nghiên cứu, so sánh mức lương khởi điểm của giáo viên trong năm học 2009 - 2010 so với 2020 - 2021. Nhìn chung, mức lương của giáo viên các quốc gia châu Âu trong giai đoạn này có tăng nhưng không đồng đều.

Mức thay đổi cao nhất ở Lithuania, nơi tiền lương đã tăng 269%. Một số quốc gia cũng chứng kiến mức tăng đáng kể là Romania và Bulgaria với mức tăng lần lượt là 193 và 180%.

6 quốc gia có mức lương giáo viên thay đổi dưới 10% gồm Cyprus, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italy, Slovenia và Luxembourg.

Đáng chú ý, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia duy nhất trong danh sách có mức lương giáo viên giảm trong thập kỷ vừa qua. Ước tính, mức giảm là 876 euro, tương đương 10%. Theo các chuyên gia, nguyên nhân do sự sụp đổ của đồng lira trong những năm gần đây.

Một vấn đề khác là tình trạng thiếu giáo viên ở châu Âu. Ước tính đầu năm học 2022 – 2023, Đức thiếu hơn 30 nghìn giáo viên, Ba Lan thiếu 20 nghìn giáo viên. Còn ở Hungary và Pháp con số lần lượt là 16 nghìn và 4 nghìn.

Theo Euronews

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.