Cần sớm ban hành quy định quản lý đối với lưu học sinh Việt Nam

Cần sớm ban hành quy định quản lý đối với lưu học sinh Việt Nam

(GD&TĐ)- Chiều nay (20/)8),  Cục đào tạo với nước ngoài- Bộ GD-ĐT tổ chức Hội thảo trực tuyến về công tác quản lý lưu học sinh Việt Nam đang học tập ở nước ngoài nhằm lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan liên quan cho công tác quản lý các học sinh thuộc diện này trong thời gian tới và hoàn thiện dự thảo “Quy định việc công dân Việt Nam học tập, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật tại nước ngoài” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dự buổi hội có đại diện Bộ Ngoại Giao, Cục đào tạo với nước ngoài, Vụ hợp tác Quốc tế- Bộ GD-ĐT, đại diện Đại sứ quán Nhật Bản, ở các điểm cầu là đại diện của Đại sứ quán Việt Nam tại các nước Anh, Úc, Nga, Thụy Sĩ, Italia, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… 

Các đại biểu dự hội thảo tại đầu cầu Hà Nội đang lắng nghe các ý kiến đóng góp của các đầu cầu ở nước ngoài. Ảnh, gdtd.vn
Các đại biểu dự hội thảo tại đầu cầu Hà Nội đang lắng nghe các ý kiến đóng góp của các đầu cầu ở nước ngoài. Ảnh, gdtd.vn

Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục đào tạo với nước ngoài, tính từ năm 2000 đến năm 2010 Việt Nam có 10.361 lưu học sinh (LHS) đi học nước ngoài theo diện học bổng do Bộ GD-ĐT cấp và học bổng do các nước, các tổ chức quốc tế cấp.

Hiện nay, Cục đào tạo với nước ngoài đang trực tiếp quản lý 4.943 LHS đang học tập, nghiên cứu tại 41 nước trên thế giới.

Do vậy, mục đích tổ chức hội thảo lần này là kiểm tra thực trạng tình hình LHS đang theo học tại nước ngoài, lấy ý kiến đóng góp xây dựng văn bản pháp quy về quản lý LHS trước và trong quá trình du học tại nước ngoài, rà soát việc cấp phát kinh phí trong quá trình học tập, công tác tiếp nhận, xử lý hồ sơ…. nhằm khắc phục bất cập, kịp thời điều chỉnh…

Nhìn chung, đa số lưu học sinh xác định rõ ràng động cơ học tập, có lập trường quan điểm vững vàng, ý thức kỉ luật tốt, chăm chỉ học tập, nghiên cứu, chấp hành đúng quy định của Nhà nước đối với LHS ở nước ngoài. Nhiều LHS có thành tích phấn đấu, rèn luyện tốt đã được Đại sứ quán Việt Nam tại các nước tuyên dương, khen thưởng. Một số LHS đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngay tại nước đang theo học. Các LHS đều có tinh thần cộng đồng cao, hăng hái tham gia vào các hoạt động tập thể và các hoạt động hướng về quê hương đất nước…Tại nhiều nước đã thành lập được Hội sinh viên Việt Nam, Hội LHS với nhiều hoạt động gắn kết các thành viên là LHS.

Tuy nhiên, còn có một bộ phận không nhỏ các LHS chưa đến làm thủ tục đăng kí công dân tại Cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, không làm thủ tục xin ra hạn thời gian học tập, không báo cáo khi về nước công tác, phần lớn LHS diện tự túc kinh phí không đến làm thủ tục đăng kí công dân nên công tác thống kê, quản lý LHS đang gặp nhiều khó khăn trở ngại mà đối tượng chịu thiệt thòi lại chính là LHS.

Ông Bùi Thanh Trường bí thư thứ Nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, năm 2007, tại đây đã thành lập được Hội Sinh viên, LHS Việt Nam. Công tác quản lý LHS của các cơ quan liên quan đều thực hiện qua việc cấp thị thực và quản lý thời gian học tập sinh hoạt của LHS tại các KTX được duy trì khá tốt. Tại nước này Hội LHS đã tổ chức các hoạt động gặp mặt LHS, giao lưu thể thao, hợp tác NCKH giữa các trường, các nhóm, tích cực hưởng ứng các đợt quên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai (41.000 USD), tích cực tham gia dạy tiếng Hàn cho người Việt tại Hàn Quốc được chính quyền sở tại đánh giá cao.

Tuy vậy ông Trường còn phản ánh, còn có tình trạng các GS Hàn Quốc đã kéo dài quá mức thời gian nghiên cứu nên đã có nhiều trường hợp phải về nước mà chưa hoàn thành chương trình học, có LHS không học mà bỏ ra ngoài lao động trong thời gian dài…

Ông Nguyễn Thành Trung, bí thư thứ hai Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết, đa số LHS du học tự túc tại đây không đăng kí tại văn phòng Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, do vậy gây khó khăn cho công tác quản lý. Nhiều hiện tượng nhập học tại trường, đăng kí tại ĐSQ nhưng không đến trường học, thay vào đó bỏ ra ngoài làm việc, 3 tháng 1 lần đến trường nộp học phí và đến hạn thì xin cấp hạn Visa.

Tại Australia, ông Chử Đức Nhã, tham tán giáo dục của Việt Nam tại đây cho biết, do hiện chưa có văn bản, chế tài nào trong việc quản lý, xử phạt LHS; do vậy, chưa có cơ quan nào thống kê đầy đủ số LHS du học tại nước này nhằm phục vụ cho công tác quản lý.

Ý kiến của đại diện các Đại sứ quán Việt Nam tham gia Hội thảo trực tuyến đều tập trung vào mức độ cần thiết của việc ban hành một văn bản pháp quy quy định những quyền và nghĩa vụ của LHS đi học tập và nghiên cứu tại nước ngoài cũng như trách nhiệm của các tổ chức quản lý LHS , các tổ chức cử hoặc đưa người Việt Nam đi học tập ở nước ngoài. Ban hành những quy định về quản lý dịch vụ du học tự túc, chế tài xử khi LHS vi phạm pháp luật Việt Nam và nước sở tại, trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp… 

Bá Hải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ