Khẳng định cần rạch ròi giữa hai loại hình dạy học tự nguyện và bắt buộc, ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), đồng thời đưa ra giải pháp tổ chức, quản lý hoạt động dạy học “tự nguyện” trong nhà trường.
Bất bình vì thiếu minh bạch, rõ ràng
- Quan điểm của ông thế nào về việc “chèn” môn tự nguyện vào thời khóa biểu chính khóa mà không ít trường đang thực hiện?
- Trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 có môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc; cùng đó có môn học lựa chọn hoặc tự chọn để học sinh đăng ký theo học. Điểm mới, tiến bộ của Chương trình GDPT 2018 là cấu trúc mở và tập trung vào mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Do đó, khi tổ chức triển khai, các nhà trường được phép linh hoạt, sáng tạo, để phù hợp với nhu cầu và khả năng dạy học của từng địa phương. Việc tổ chức dạy học và giáo dục theo cách này gọi chung là dạy học tự nguyện, học thêm, không bắt buộc và không chính khóa.
Như vậy, bản chất của dạy học chính khóa và không chính khóa khác nhau hoàn toàn về phương thức tổ chức dạy học; vai trò trách nhiệm của người dạy, người học; dù chúng có cùng mục tiêu là giúp học sinh phát triển toàn diện và tạo cơ hội cho năng lực riêng mỗi em phát huy tối đa. Việc nhiều nhà trường xếp thời khóa biểu lồng ghép (chèn) vào giữa các môn học, hoạt động giáo dục chính khóa, không chính khóa, giữa học bắt buộc và học tự nguyện là sai, không rõ ràng, gây bất bình trong phụ huynh và xã hội.
- Theo ông, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là gì?
- Theo tôi, có thể một số trường hiểu đơn giản là để thuận tiện cho quá trình kiểm tra, giám sát và đánh giá tổ chức dạy học, giáo dục; chuẩn hóa, công khai hoạt động quản lý của nhà trường.
Các nhà trường có sức ép cần linh hoạt thực hiện giáo dục theo yêu cầu chương trình mới, mặc dù còn thiếu người dạy hay chưa đủ cơ sở vật chất; sức ép hoàn thành các chỉ tiêu về dạy học theo chủ đề, đề án giáo dục toàn diện cho học sinh (kỹ năng cứng và mềm, giáo dục kỹ năng sống, tăng cường học tiếng Anh, làm quen môn học khoa học, tích hợp và hoạt động giáo dục cảm xúc xã hội, đạo đức cho học sinh)...
Ở nhiều trường, nguyên nhân lại do không có sự tường minh giữa việc học bắt buộc và tự nguyện; giữa nhiệm vụ người dạy hay cần sự cống hiến của giáo viên; giữa hình thức học thu phí theo thỏa thuận và học thu phí theo quy định. Một số trường có động cơ thiếu minh bạch, mang yếu tố tiêu cực, vụ lợi trong trong việc tổ chức dạy và học.
Ông Đặng Tự Ân. |
Quản lý yếu tố tiêu cực, phát huy tính tích cực thay vì cấm
- Vậy trách nhiệm của nhà trường, cơ quan quản lý trong chuyện này thế nào, theo ông?
- Trách nhiệm đầu tiên thuộc về hiệu trưởng và ban lãnh đạo, quản lý nhà trường. Sau đó là cơ quan quản lý giáo dục cấp trên đã buông lỏng kiểm tra, giám sát hoạt động dạy học tự chọn, học tự nguyện. Vấn nạn học thêm, học tự nguyện là hiện tượng tồn tại khách quan trong các nhà trường, chúng ta không thể cấm mà cần chung sống với nó theo nguyên tắc phát huy tác dụng tích cực và hạn chế, quản lý yếu tố tiêu cực.
Các cơ quan quản lý giáo dục cũng cần chấp nhận thực tế hiện nay đời sống giáo viên thấp, mức lương chưa đủ nuôi sống gia đình. Trong khi đó, phụ huynh và xã hội lại mong muốn con được học thêm để phát triển toàn diện. Thiết nghĩ, tạo điều kiện để kết nối giữa nhà trường và cộng đồng cha mẹ học sinh, trung tâm và doanh nghiệp là việc cần thiết, nên làm.
- Nhiều năm ở vị trí quản lý giáo dục tiểu học, theo ông, việc bố trí các môn tự nguyện thế nào mới đúng quy định?
- Các môn học tự nguyện phải có thời khóa biểu riêng. Bởi đã là học tự nguyện thì rất ít xảy ra trường hợp 100% học sinh trong lớp hay trường tham gia. Tổ chức dạy học ngoài giờ chính khóa, địa điểm có thể trong hoặc ngoài trường. Nhà trường cần có phương án cụ thể để quản lý, tổ chức hoạt động phù hợp cho học sinh không tham gia học tự nguyện; cân đối thời gian học tự nguyện để tránh quá tải với học sinh và không bị áp lực cho công tác quản lý. Nhà trường cũng cần quan tâm tới mức đóng học phí của học sinh, có miễn giảm với em diện khó khăn.
Vượt khó đi lên là phẩm chất tốt, nhưng không vì thế mà các cấp quản lý giáo dục, hiệu trưởng nhà trường cố triển khai dạy học tự nguyện dù còn khó khăn về nội dung, người dạy và cơ sở vật chất cho dạy và học. Các môn học và hoạt động giáo dục tự nguyện phải được công khai trong trường, cộng đồng cha mẹ học sinh để lựa chọn. Nội dung thông báo phải ghi rõ mục đích, nội dung, thời gian, địa điểm, tên tổ chức hay cá nhân giảng dạy, cách đánh giá chất lượng người học và mức thu phí thỏa thuận cho từng hoạt động.
Nguyên tắc “vàng”: Công khai dân chủ
- Trả lời báo chí, nhiều nhà trường kêu khó trong sắp xếp bảo đảm “cái chung, bắt buộc” và những môn học, hoạt động tự nguyện. Theo ông, giải pháp gì để giải quyết khó khăn này?
- Trước hết, đây là việc làm khó, không dễ trong quản lý dạy và học đổi mới. Cần có sự sáng tạo của tập thể giáo viên, trách nhiệm tâm huyết với nghề và chăm lo tương lai thế hệ trẻ. Công khai dân chủ trong hoạt động quản lý, đổi mới và sáng tạo thấm sâu vào mọi thành viên trong trường là nguyên tắc vàng cho các nhà trường.
Cần rạch ròi giữa hai loại hình dạy học tự nguyện và bắt buộc, không gian và thời gian phải sắp xếp không trùng nhau. Về quản lý có sự khác biệt tương đối. Dạy học bắt buộc thuộc về quản lý Nhà nước, nhà trường có trách nhiệm thực hiện. Dạy và học tự nguyện do nhà trường phối hợp với cha mẹ học sinh, các tổ chức giáo dục có uy tín được mời liên kết cùng hoạt động và loại hình này có thu phí theo thỏa thuận.
- Xin cảm ơn ông!
Ở các nước phát triển, hoạt động có thu phí được tổ chức dưới dạng các câu lạc bộ giáo dục ngoài giờ. Nhà trường quản lý, giám sát, quyết định về chuyên môn, nội dung giáo dục và đánh giá chất lượng người dạy, người học, có hỗ trợ cơ sở vật chất cũng như bố trí thời gian giáo dục của câu lạc bộ hợp lý. Các tổ chức liên kết chịu trách nhiệm triển khai hoạt động câu lạc bộ và cùng phụ huynh thống nhất mức phí thỏa thuận.