Cần quy hoạch trong đào tạo giáo viên

GD&TĐ - Đây là nội dung cùng với mối quan tâm về chế độ phụ cấp cho nhà giáo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, kỹ năng nghề nghiệp… được các cựu giáo chức đặt ra tại Hội thảo xin ý kiến về Chính sách nhà giáo trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) do Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) tổ chức.

Cần quy hoạch trong đào tạo giáo viên

Ông Lê Quán Tần – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông Bộ GD&ĐT:

Quy định đào tạo GV theo nhu cầu thực tế.

Tôi cho rằng, Bộ GD&ĐT đã có nhiều cố gắng trong việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục. Theo tôi, cần xem xét việc ở một số nước cung - cầu trong đào tạo GV làm rất chặt chẽ. Ví dụ: Hàn Quốc – một đất nước có nền kinh tế thị trường chín muồi, đào tạo lao động theo cơ chế thị trường nhưng đào tạo GV lại có quy hoạch rất chặt chẽ. Họ quy hoạch việc đào tạo giáo viên trong 5 năm, chuyển con số này cho các cơ sở đào tạo. Tại các cơ sở đào tạo không phải trường sư phạm, sinh viên phải học hết 2 – 3 năm ĐH là loại giỏi, lúc đó mới được học lên thành giáo viên…

Theo tôi, trong Luật GD sửa đổi cần ghi điều ràng buộc chung: Chính phủ quy định việc đào tạo GV theo nhu cầu thực tế.

Bên cạnh đó, cần đặt vấn đề có hay không có chứng chỉ hành nghề dạy học? Ở Nhật Bản, người được đào tạo sư phạm tốt nghiệp loại giỏi nhưng muốn đi dạy phải có chứng chỉ sư phạm, có hiệu lực trong vòng 10 năm. Quyền năng của cơ quan quản lý Nhà nước được thực hiện trong tất cả các cơ sở GD thông qua chứng chỉ hành nghề. Với những GV tát HS, nếu có chứng chỉ hành nghề thì khi vi phạm tiêu chuẩn đạo đức là rút chứng chỉ hành nghề chứ không chỉ xin lỗi do thiếu kinh nghiệm, nóng nảy là xong.

Theo tôi lần này chưa được thì có cách “dọn đường” để lúc nào đó ta có chứng chỉ hành nghề, đưa ngành giáo, ngành y trở thành ngành rất có trách nhiệm với xã hội. Đề nghị trong Luật GD, có nội dung: Chính phủ quy định điều kiện hành nghề của nhà giáo, trong đó có điều kiện về đạo đức nghề nghiệp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa 

Bà Vũ Thị Lan – Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam

Đặt ra các chế độ phụ cấp cho GV

Tôi vẫn nhớ trước đây, GV mầm non từng được trả thù lao bằng… con gà nhưng vẫn gắn bó với nghề, làm việc hết lòng. Giờ theo sự phát triển của xã hội, đời sống GV đã được cải thiện nhiều nhưng làm một so sánh thì trong xã hội, đời sống giáo viên vẫn còn khó khăn, đặc biệt là các GV ở vùng khó, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo. Chính vì vậy cần quan tâm đặc biệt đến đời sống giáo viên.

Tôi cho rằng, trước hết cần đặt vấn đề về chính sách trước khi nói đến vấn đề khác vì nếu chỉ đặt yêu cầu với GV mà không đề cập đến chế độ chính sách cho họ thì mới chỉ là một chiều. Đưa ra chính sách, chế độ với GV không những khiến đội ngũ nhà giáo phấn khởi mà còn nâng cao vị thế GV trong xã hội, từ đó GV có trách nhiệm, cố gắng hơn. Hiện việc đưa vấn đề tiền lương ra bàn luận chung là khó khăn. Vì vậy nên suy nghĩ đặt ra các loại phụ cấp cho GV có lẽ sẽ dễ dàng hơn.

GS.TSKH Nguyễn Mậu Bành – Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam

Nhà giáo được bồi dưỡng định kỳ

Tôi rất tán đồng trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) có nội dung đào tạo của các ngành sư phạm phải được ở trong các trường, các cơ sở giáo dục do Nhà nước thành lập. Có như vậy mới giữ được chất lượng đào tạo.

Đội ngũ GV của chúng ta phải là đào tạo, sử dụng, quyền sử dụng này phải theo chính sách chung của Nhà nước, giao cho cơ quan chuyên môn. Nếu giao cho cơ quan chung chung nhiều khi bất cập. Làm thế nào ngành GD chủ động, có quyền điều phối lực lượng GV.

Tôi đề xuất nhà giáo cần được bồi dưỡng một cách định kỳ, hưởng nguyên lương và phụ cấp. Nhà giáo ở vùng sâu, xa khó khăn đề nghị có chế độ lương không cố định mà tùy theo chu kỳ để tăng lên.

Trong văn bằng, có ưu tiên chế độ cho GV ở trường dự bị ĐH. Đề xuất nói rõ: Chỉ ưu tiên cho trường dự bị dân tộc ĐH.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Ông Cao Ngọc Châu – Phó Chủ nhiệm CLB Thơ Nhà giáo Việt Nam

Cần kỹ năng nghề nghiệp

Tôi cho rằng, nhà giáo ngoài đạo đức, cần phải có kỹ năng nghề nghiệp. Tôi vẫn nhớ ngày trước học tiểu học tôi rất hay hỏi, hỏi nhiều, có câu cô giáo không trả lời được, cô cho rằng tôi cố tình chọc tức và kết luận là tôi là học trò hư, phê vào học bạ rất tệ khiến tôi từng chản nản muốn bỏ học.

Sau đó học cấp 2, tôi gặp được thầy giáo cởi mở, hay trao đổi với tôi và thích được học trò đặt câu hỏi, thầy đánh giá tôi ngoan và cho tôi làm lớp trưởng. Để thấy rằng cùng một học trò nhưng với kỹ năng đánh giá khác nhau, thầy giáo này đánh giá là ngoan, thầy giáo kia đánh giá là hư.

Bà Phạm Thị Thanh Bình - Hội Cựu giáo chức cơ quan Bộ GD&ĐT

Điều kiện mở để nhà giáo vùng khó khăn có thể đạt NGƯT, NGND

Tôi nhất trí về nội dung chuẩn nghề nghiệp theo hướng sửa đổi. Về đào tạo bồi dưỡng GV, hiện đa số các giáo viên đều trình độ ĐH. Một số nơi GV mầm non cũng tốt nghiệp ĐH ra.

Điều 73 về bồi dưỡng đạt chuẩn nhà giáo, trong văn bản nên bổ sung để toát lên hai điều: Trong đào tạo bồi dưỡng phải đảm bảo được tính quy hoạch; Thứ hai phải kiểm tra giám sát để thiết thực hơn.

Điều 77, cần suy nghĩ thêm để có chính sách kích thích người học, người dạy, cần kéo dài chế độ ưu đãi. Cân nhắc thêm cụm từ thuyên chuyển (chuyển về đâu? Ai nhận?) mới thỏa đáng, động viên GV lên vùng sâu, vùng xa công tác.

Trong nội dung khen thưởng, tiêu chuẩn khen thưởng và các mục đề nghị NGND, NGƯT quá cao. Nếu GV dạy phổ thông vùng núi thì lấy đâu ra đề tài nghiên cứu để đáp ứng tiêu chuẩn này? Theo tôi nên có hệ mở hơn. Cũng như việc bình xét chiến sĩ thi đua. Nên chăng khuyến khích GV giỏi là chiến sĩ thi đua. Nếu không chiến sĩ thi đua sẽ toàn là hiệu trưởng, hiệu phó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên lồng ghép các trò chơi trong giờ học tiếng Anh tăng cường nhằm tăng hứng thú cho học sinh.

Còn nhiều khó khăn và thách thức

GD&TĐ - Để triển khai tốt chương trình tiếng Anh tăng cường cần phải đẩy mạnh xã hội hóa, trong đó sự đồng thuận của phụ huynh đóng vai trò quan trọng.