Du học sinh quan tâm chính sách cho nhà giáo

GD&TĐ - Trình độ chuẩn được đào tạo cho nhà giáo; phân công công tác cho SV sư phạm sau tốt nghiệp; chính sách, đầu tư của Nhà nước cho GD… là những nội dung trong dự thảo Luật GD (sửa đổi) được du HS Việt Nam tại Anh, Pháp, Nga bày tỏ mối quan tâm.  

Luật Giáo dục (sửa đổi) là đòn bẩy để thực hiện các chính sách nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo
Luật Giáo dục (sửa đổi) là đòn bẩy để thực hiện các chính sách nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo

Trịnh Xuân Hiệp, 25 tuổi - Master 2 BIVRD ngành Cơ sở hạ tầng Trường Faculté de Sciences Appliquées, Béthune, Pháp

Ủng hộ nâng chuẩn trình độ GV

Trịnh Xuân HiệpTrịnh Xuân Hiệp

Tôi có bạn đang theo học năm cuối ở một trường đào tạo GV tại Pháp. Bạn tôi mơ ước trở thành GV mầm non và đã trải qua nhiều kỳ thi về kiến thức lẫn kỹ năng rất nghiêm ngặt, phải đạt được bằng cử nhân trong lĩnh vực khác trước khi bắt đầu học tập trong trường. Có thể hiểu là GV phải có 2 bằng ĐH, là một chuyên gia GD và được tuyển dụng có mức lương rất cao. Nghe kể về quá trình đào tạo GV, được học những người rất tâm huyết và uyên bác, tôi rất khâm phục các GV ở Pháp.

Xem Luật GD 2005 quy định về chuẩn trình độ đào tạo của nhà giáo, tôi thấy chưa phù hợp, đặc biệt là quy định về trình độ GV mầm non và tiểu học còn khá thấp so với thế giới và ngay trong khu vực ASEAN. Có thể thấy quy định này không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay; năng lực chuyên môn và phương pháp giảng dạy chưa đáp ứng được yêu cầu của đổi mới GD. Đặc biệt, các quy định về chuẩn trình độ đào tạo trong Luật GD 2005 và bậc lương đã gián tiếp kìm hãm động lực tự học, tự nâng cao trình độ của GV mầm mon, tiểu học và THCS.

Tôi rất ủng hộ Luật GD (sửa đổi) chỉnh sửa, bổ sung Điều 72, để nâng trình độ chuẩn được đào tạo của GV mầm non lên CĐ sư phạm; đối với GV tiểu học, THCS, THPT phải có bằng tốt nghiệp ĐH sư phạm. Đặt ra lộ trình hoàn thành nâng chuẩn đến năm 2026 và có giải pháp hữu hiệu để đảm bảo tính khả thi của việc nâng chuẩn GV và đảm bảo sự ổn định, an tâm công tác của các GV hiện nay chưa đạt chuẩn. (Điều 119 dự thảo).

Việc đưa ra nội dung “từ nay đến năm 2026 với những môn học chưa đủ GV được đào tạo trình độ ĐH sư phạm thì phải có bằng tốt nghiệp ĐH chuyên ngành tương ứng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm” là rất xác đáng.

Trịnh Hoàng Mỹ Linh, 22 tuổi – Khoa Âm nhạc học, Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Matxcơva, Nga

Làm thế nào để du HS yên tâm về nước công tác?

Trịnh Hoàng Mỹ Linh
Trịnh Hoàng Mỹ Linh 

Là du HS theo diện học bổng Chính phủ, ngoài chuyên ngành học về Âm nhạc học, tôi được học rất nhiều môn liên quan đến sư phạm để chuẩn bị sau khi tốt nghiệp có thể giảng dạy tại trường học, vì vậy tôi rất quan tâm đến việc phân công công tác cho SV sư phạm sau khi tốt nghiệp.

Hiện có một số vướng mắc, bất cập trong việc này. Đó là không có quy định phân công công tác cho SV sư phạm sau khi tốt nghiệp mà phải thông qua quy trình tuyển dụng theo Luật Viên chức. Du HS chúng tôi cũng vậy, được nhà trường cử đi học, nhưng khi trở về nước chưa chắc được phân công công tác tại trường mà có trường hợp làm trái ngành, trái nghề, rất lãng phí chất xám.

Quy định hiện nay của Luật GD và các luật khác không thu hút được SV giỏi học ngành sư phạm vì khó tìm được việc làm đúng ngành đào tạo do pháp luật chưa có cơ chế tuyển dụng đặc thù riêng. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng khi xác định chỉ tiêu biên chế, giao biên chế, giảm biên chế và quy trình tuyển dụng vẫn chưa tính đến đặc thù của ngành GD. Báo chí vẫn đăng tải thông tin về tình trạng nơi này thừa GV, nơi kia thiếu GV mà Bộ GD&ĐT không có chức năng thẩm quyền giải quyết.

Chính vì vậy, tôi rất ủng hộ nội dung Ban soạn thảo chỉnh sửa thể hiện trong Luật GD (sửa đổi): Bổ sung quy định đặc thù về xác định biên chế và cơ chế tuyển dụng GV cho SV tốt nghiệp các trường sư phạm vào các cơ sở GD công lập. Cùng đó, sửa đổi các quy định về lương và phụ cấp cho GV phù hợp với ngành GD.

Nếu có quy định du HS về nước được phân công công tác đúng ngành tại nơi cử đi học thì du HS chúng tôi sẽ tự tin trở về nước, cống hiến tâm sức cho các nhà trường ở Việt Nam.

Nguyễn Hữu Quốc, 27 tuổi - ngành Kinh tế Tài chính, ĐH Essex, Anh

Cập nhật mức đầu tư của Nhà nước cho GD

Nguyễn Hữu Quốc
Nguyễn Hữu Quốc 

Học về tài chính, tôi quan tâm đến các con số đầu tư cho GD. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết quy định tỷ trọng chi tối thiểu là 20% tổng chi Ngân sách Nhà nước (NSNN) hàng năm cho GD. Quy định này đã có từ năm 2004, và đến nay, sau 15 năm đã có những bất cập, hạn chế.

Được biết, các chuyên gia đã khảo sát đánh giá thực tế qua các năm cho thấy bảng dự toán thu chi NSNN hàng năm do Quốc hội phê chuẩn chỉ thể hiện khoản chi thường xuyên cho GD-ĐT; số liệu khoản chi đầu tư phát triển cho lĩnh vực GD-ĐT không thể hiện chi tiết mà gộp chung trong tổng chi đầu tư phát triển dẫn đến việc xác định tổng chi NSNN cho GD-ĐT không thống nhất cả trong dự toán lẫn quyết toán.

Bên cạnh đó, các chuyên gia đã chỉ rõ việc phân bổ các khoản chi NSNN giữa chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng; giữa ngân sách T.Ư và ngân sách địa phương; giữa các bậc học, cấp học… chưa hiệu quả. Tình trạng phân bổ NSNN cho GD còn mang tính cào bằng cho các địa phương, cấp học dẫn đến tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, gây nên lãng phí và không hiệu quả trong quản lý sử dụng NSNN.

Đọc dự thảo Luật GD (sửa đổi), tôi rất đồng tình việc bổ sung vào khoản 1 Điều 94 quy định NSNN chi cho GD tối thiểu 20% tổng chi NSNN hàng năm để khẳng định chủ trương của Nhà nước về việc bố trí ngân sách GD. Bổ sung vào Điều 94 dự thảo các định hướng ưu tiên trong việc phân bổ nguồn ngân sách cho GD là để thực hiện phổ cập GD, phát triển GD ở vùng dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tránh trường hợp cào bằng trong phân bổ kinh phí ngân sách cho GD trước đây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ