(GD&TĐ) - “Thời gian gần đây, giáo dục mầm non đã có bước chuyển biến tích cực...” – là nhận định của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thanh Huyền (đoàn Phú Thọ) về cấp học này trong phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011.
Ngành học Mầm non cần được đầu tư đúng mức (ảnh minh họa). |
Tuy nhiên, vị đại biểu này cũng cho rằng bậc học này vẫn chưa được đối xử công bằng như các bậc học khác, vì vậy còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém bất cập, nếu không xử lý kịp thời sẽ không nâng cao được chất lượng và quy mô giáo dục của cả nước ta, gây bức xúc cho xã hội.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền chia sẻ với những thiếu thốn của bậc học Mần non. “Tỷ lệ phòng học kiên cố mới đạt 42%, phòng học tạm, phòng học nhờ, mượn chiếm 20,8%, hầu hết là đi học nhờ ở đình, chùa, các nhà văn hóa... Các cơ sở giáo dục Mầm non thành phố thì thiếu đất, thiếu sân chơi, khuôn viên thì chật chội, còn các cơ sở giáo dục mầm non ở nông thôn thì thiếu trang thiết bị dạy học, công trình vệ sinh chưa đạt yêu cầu, 47,8% số phòng học của các cơ sở mầm non tư thục chưa đạt yêu cầu theo quy chế. Trong khi đó, chương trình kiên cố hóa trường lớp học giai đoạn 1 và 2 còn chưa tính đến giải quyết số phòng học nhờ, học tạm này.
Đội ngũ giáo viên còn thiếu và không ổn định. Năm học 2009 - 2010 cả nước thiếu tới 25.327 giáo viên, trình độ chuyên môn còn hạn chế. Nguyên nhân chính là đời sống giáo viên mầm non, nhất là giáo viên ngoài biên chế rất khó khăn, giáo viên Mầm non ngoài biên chế chưa được tăng lương định kỳ, thậm chí chưa được xét ngạch bậc lương theo trình độ đào tạo, một số cơ sở giáo dục giáo viên chưa được hưởng mức lương tối thiểu. Trong khi đó, công việc vất vả trách nhiệm lại nặng nề, số giờ làm việc thực tế cao hơn nhiều so với giáo viên phổ thông dẫn đến giáo viên Mầm non chán bỏ nghề, các học sinh thì không muốn thi vào ngành học này.
Cũng theo đại biểu Huyền, việc quản lý Nhà nước giáo dục mầm non còn hạn chế như việc chuyển đổi trường mầm non, công lập sang trường dân lập, tư thục hoặc công lập còn lúng túng, chậm chạp, kém hiệu quả. Trong 4 năm qua, cả nước mới chuyển đổi khoảng 600 trường trên 4.669 trường sang trường công lập tự chủ tài chính một phần. Việc chuyển đổi chậm chạp này làm ảnh hưởng rất lớn đến việc đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo giáo viên và gây khó khăn, lúng túng cho địa phương khi áp dụng mức thu học phí đối với các trường bán công và gây lo ngại, bất bình trong đội ngũ giáo viên Mầm non cũng như trong phụ huynh học sinh.
“Một nội dung bất cập nữa là việc chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục Mầm non còn thấp và thiếu hụt lớn, mới đạt đến 8,5% ngân sách dành cho giáo dục. Nhiều tỉnh cho chính sách cho hoạt động chuyên môn mới đạt 1% đến 2% trong tổng số chi thường xuyên, mức đóng góp về học phí nhiều cơ sở giáo dục Mầm non ngoài công lập còn quá cao so với thu nhập của nhiều gia đình dẫn đến tình trạng quá tải, tiêu cực trong trường mầm non công lập khi tuyển sinh đầu năm học. Với những khó khăn bất cập trên nếu không có giải pháp kịp thời sẽ gây cản trở triển khai việc phổ cập giáo dục mầm non độ tuổi 5 tuổi” – bà Huyền nhận định.
Với những khó khăn như vậy, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thanh Huyền đề nghị, Chính phủ rà soát lại toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục Mầm non. Khẩn trương ban hành theo thẩm quyền những văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu như: hướng dẫn tổ chức thực hiện đề án phát triển giáo dục Mầm non, quy định về chế độ lương, phụ cấp cho giáo viên ngoài biên chế, quy định chế độ làm thêm giờ, làm kiêm nhiệm cán bộ quản lý và có hướng dẫn cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ và chuyển đổi ngoại hình trường Mầm non từ bán công sang dân lập, tư thục hoặc công lập. Đồng thời hướng dẫn cả việc thu học phí, các cơ chế chính sách đối với trường mầm non bán công trong khi chưa kịp chuyển đổi.
Quang Anh