Cần phát huy hết tính năng thư viện trường học

Cần phát huy hết tính năng thư viện trường học

(GD&TĐ) - Chất lượng nguồn nhân lực, kinh phí  đầu tư cơ sở vật chất, việc ứng dụng công nghệ thông tin và cuối cùng là những chính sách kích thích sự sáng tạo những mô hình mới… sẽ là những nhân tố căn bản để thư viện nhà trường phát huy hết tính năng. Hãy nghe người trong cuộc bàn về vấn đề này.

 Đầu tư nguồn nhân lực

Đoàn kiểm tra của Sở GD&ĐT An Giang đang kiểm tra công tác thư viện trường học tại huyện Thoại Sơn
Đoàn kiểm tra của Sở GD&ĐT An Giang đang kiểm tra công tác thư viện trường học tại huyện Thoại Sơn
 

Theo thống kê của ngành GD An Giang, cán bộ TV trường học đa số trình độ trung cấp và cao đẳng, chỉ có một số ít trình độ ĐH.

Con số này ở các tỉnh cũng tương tự, chưa kể có nơi giáo viên thiếu chuẩn, dôi dư không thể “giảm biên chế” được thì chuyển sang làm thủ thư.  Chính điều này làm chất lượng cán bộ TV trong nhà trường kém. Chưa kể có nơi cán bộ thủ thư chỉ kiêm nhiệm.

Cô Huỳnh Mai, thủ thư trường THCS Nguyễn Thị Lựu, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp, người có 23 năm làm thủ thư, tốt nghiệp cao đẳng thư viện cho biết: “Thủ thư có kiến thức thư viện là hết sức cần thiết, nhưng chưa đủ. Phải có kiến thức về Công nghệ thông tin mới đáp ứng nhu cầu “thư viện thông minh”, chứ chưa nói đến thư viện điện tử”.

Cô đề xuất, Bộ GD cần chuẩn hóa, trường loại nào cần thủ thư trình độ nào, biên chế bao nhiêu. Có những trường rất đông học sinh mà nhân sự ít, trình độ kém thì không thể nào xây dựng thư viện chuẩn.

Cơ sở vật chất có quyết định?

Ở những trường chuẩn Quốc gia dĩ nhiên cơ sở vật chất cho thư viện khang trang. Nơi nào có trường chuẩn tất có thư viện chuẩn. Riêng ở Đồng Tháp, số thư viện chuẩn thấp hơn trường chuẩn nên ngành Giáo dục có quyết tâm cao hơn.

Thực tế một số địa phương tổ chức luân chuyển sách giữa các trường để hỗ trợ cho các trường vùng sâu, như An Giang. Ở Vĩnh Long, thư viện Tổng hợp tỉnh (thuộc Sở VHTT) luân chuyển sách cho các trường THPT và Đại học trong địa bàn tỉnh đã góp phần không nhỏ đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, sinh viên…

Kinh nghiệm ở Cần Thơ, việc đầu tư cơ sở vật chất cho các thư viện ở các quận nội thành đã tạo một sinh khí mới cho thư viện trong nhà trường.

Ông Phạm Văn Thuận, Sở GD&ĐT An Giang đề xuất: “Việc đầu tư cơ sở vật chất cho TV trong trường phổ thông nên tập trung, đặc biệt những nơi còn khó khăn, chưa có TV. Sau khi những nơi này đạt chuẩn xong thì tiến hành đầu tư tập trung cho những nơi khác, cuốn chiếu. Với nguồn lực được tập trung như vậy chắc chắn sau một thời gian, hệ thống TV trường học ở địa bàn sẽ có nhiều khởi sắc. Phải gắn kết đội ngũ cán bộ TV với các hoạt động dạy, học, đặc biệt là gắn kết với tình hình phát triển hệ thống TV ở địa phương. Như những lần tổ chức công nhận một TV trường học đạt chuẩn sẽ mời lãnh đạo cũng như cán bộ TV các trường khu vực lân cận, có thể mời cán bộ TV trong huyện tham quan, nhân mô hình. Qua những lần công nhận TV đạt chuẩn đó, cán bộ TV sẽ cập nhật thêm những kiến thức mới cũng như biết được mặt mạnh, hạn chế, tồn tại qua đó rút kinh nghiệm để đem về trường thực hiện… Làm cách này sẽ có tác dụng và thiết thực hơn so với công tác tuyên truyền, đôn đốc trên phương diện giấy tờ, văn bản…”.

Thư viện trường học ngày càng được các địa phương quan tâm đầu tư
Thư viện trường học ngày càng được các địa phương quan tâm đầu tư
 

Chính sách cho cán bộ thư viện

Hiện nay, những người có bằng nghiệp vụ thư viện hoặc là cán bộ thư viện chuyên trách (mà không có bằng cấp về thư viện) khi làm việc trong các trường phổ thông thường không an tâm công tác do không có chế độ đãi ngộ. Đa số các trường không áp dụng Quy định trợ cấp độc hại của Bộ VHTT đối với cán bộ thư viện chuyên trách vì không biết công văn này hoặc nếu biết thì cho rằng: “Làm thư viện không có gì là độc hại, nguy hiểm cả”. Nếu là giáo viên giảng dạy kiêm thư viện thì ngoài lương cơ bản được hưởng thêm phụ cấp 30% một tháng của giáo viên. Nếu làm thư viện chuyên trách (có hoặc không có bằng nghiệp vụ thư viện, không tham gia giảng dạy) thì không được hưởng khoản phụ cấp 30% này. Trong cùng một ngôi trường mà chế độ ưu đãi khác nhau dẫn đến sự so sánh, bức xúc, cảm thấy bị xem nhẹ, thua thiệt. Từ đó, người làm công tác thư viện chuyên trách không an tâm công tác hoặc chỉ làm chiếu lệ.

Theo thông tư liên bộ số 35/2006/TTLB-BGD-BNV do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ ký ngày 23/8/2006 về “Hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập”, mỗi trường học được bố trí một cán bộ chuyên trách vừa làm công tác thư viện, vừa làm công tác thiết bị (trừ trường tiểu học hạng 1, trường chuyên biệt, trường THPT chất lượng cao). Thông tư này đã tạo điều kiện để mỗi trường có một người chuyên làm công tác thư viện và thiết bị. Thế nhưng, đối với trường có ít hay nhiều lớp học, có thư viện lớn hay nhỏ, có thiết bị nhiều hay ít đều chỉ có một biên chế ngang nhau. Cùng một lúc phải làm cả 2 công việc (vừa thư viện vừa thiết bị) ở một trường có khoảng 30 lớp trở lên là một gánh nặng và quá tải.

Cô Huỳnh Mai, Trường THCS Nguyễn Thị Lựu tâm sự: “Nhân viên thư viện cộng đồng thì được phân công chuyên môn hóa; còn thủ thư trường học làm việc từ A đến Z. Phân loại sách, làm fit, giới thiệu sách mới, tổ chức học sinh tìm hiểu chủ đề, chủ điểm tháng để qua đó các em truy tìm tài liệu trong thư viện. Đó cũng là cách tập tành kỹ năng nghiên cứu khoa học sau này… Thế nhưng thủ thư trong nhà trường không phụ cấp  thâm niên, chỉ có phụ cấp độc hại… 0,2 tháng lương tối thiểu tương đương  200.000đ/tháng!”.

 “Ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên trong khi GV được hưởng phụ cấp có khi đến 140% thì cán bộ TV chỉ được hưởng 0,2% phụ cấp độc hại, ngoài ra họ không hưởng thêm bất kỳ chế độ, phụ cấp nào khác”, ông Phạm Văn Thuận, Trưởng Phòng Thư viện - Thiết bị - CNTT, Sở GD&ĐT An Giang cho biết. 

Cán bộ TV trường học ở vùng sâu, vùng xa còn phải thực hiện nhiệm vụ luân chuyển sách đến các điểm lẻ. Thông thường TV chỉ tập trung ở điểm chính, còn các trường điểm lẻ thì cán bộ TV phải luân chuyển sách theo định kỳ. Mỗi lần cán bộ TV kết hợp cùng GV các trường để vận chuyển sách đến các điểm lẻ cho HS và GV. Địa bàn xa, nhiều trường TH có đến 5, 6 điểm lẻ nên công tác vận chuyển sách rất vất vả… Qua những khảo sát trên, việc đầu tư cho thư viện chuẩn ở ĐBSCL không chỉ là nhiệm vụ nặng nề của ngành Giáo dục mà thông qua đó cần sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy và chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của toàn xã hội thì hệ thống thư viện của khu vực mới từng bước hiện đại hóa, đáp ứng  chức năng của thư viện trong nhà trường.

Nhóm phóng viên Cần Thơ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ