Hãy dành thời gian nhiều hơn cho con
Đặng Hoàng Yến (13 tuổi, lớp 7 Trường THCS Nguyễn Văn Cừ, P. Tân Lập, Tp Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk) cho biết: Là chị cả trong nhà, lại là người chuẩn bị bước vào tuổi trưởng thành, trong khi bố mẹ luôn bận rộn nên nhiều khi em thấy rất thiếu hụt, hoang mang và có băn khoăn về chuyện riêng dậy thì của mình. Trong sinh hoạt hàng ngày, có thể em có chút gần gũi, có thể tâm sự với ba về một số vấn đề như chuyện học hành, việc ở trường, lớp...
Tuy nhiên, khi em gặp những vấn đề khó hiểu, có nhiều thắc mắc như chuyện cơ thể con gái, chuyện kinh nguyệt, chuyện tâm lý bạn gái tuổi mới lớn, chuyện các bạn trong nhóm thích thích nhau rồi ghen tuông, tranh chấp, giận nhau… thì ba lại không thể là người tư vấn, giải thích được. Em thực sự mong muốn ba mẹ sắp xếp công việc ổn định để có nhiều thời gian hơn để quan tâm, lắng nghe con gái; tâm sự với con nhiều hơn về chuyện này, có thể giải đáp những khó khăn, thắc mắc của con và đưa ra lời khuyên”.
Cần “vẽ đường đúng cho hươu chạy”
Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ công tác Thanh niên (Bộ Nội vụ) cho biết: “Các bằng chứng cho thấy hầu hết thanh niên Việt Nam còn thiếu kiến thức, kỹ năng thương thuyết ra quyết định để có quan hệ tình dục an toàn và sự đồng thuận. Chương trình giáo dục tình dục toàn diện tại các trường học vẫn còn hạn chế và bất cập cả về nội dung và phương pháp truyền thụ kiến thức. Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy, vẫn còn 1/3 thanh niên Việt Nam gặp khó khăn trong tiếp cận với thông tin và dịch vụ sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và các kỹ năng bảo vệ, phòng tránh các nguy cơ đến SKSS, đặc biệt đối với thanh niên di cư, thanh niên nông thôn và thanh niên là người dân tộc thiểu số...".
Với bạn trẻ trưởng thành hơn một chút là Phạm Trung Thành (21 tuổi, sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ, Hà Nội), Thành cho biết: "Mặc dù đã là thế kỷ 21 rồi nhưng các gia đình Việt Nam hiện nay, khi cha mẹ đề cập đến "chuyện ấy" với con cái thì vẫn còn có tâm lý ngại.
Em nghĩ điều này là do xuất phát từ truyền thống, văn hóa... với quan niệm tình dục là điều cấm kỵ, tình dục là phải giấu kín, tình dục là chuyện không tốt… đã khiến cho cha mẹ không thể nói chuyện thoải mái với con về chủ đề này. Chính vì sự thiếu hụt các chương trình dạy về giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản ở các cấp trong trường học, cộng với việc cha mẹ “né tránh” dạy con ở nhà cho nên giới trẻ hiện nay bị thiếu hụt rất nhiều những kiến thức về sức khỏe sinh sản, kỹ năng thương thuyết ra quyết định để có quan hệ tình dục an toàn, đồng thuận.
Ví dụ khi người yêu “đòi hỏi” thì không biết từ chối ra sao. Khi bị người yêu dụ dỗ đến những nơi “nhạy cảm” thì cũng chưa đủ tỉnh táo để tránh né… Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vị thành niên mang thai ngoài ý muốn, phải phá thai, bỏ học… Em mong muốn mọi người và cha mẹ hãy nói nhiều hơn về nó, dạy con nhiều hơn, không nên nghĩ rằng như vậy là “vẽ đường cho hươu chạy” mà nên nghĩ rằng “vẽ con đường đúng cho hươu chạy".
Còn với Nguyễn Ngọc Nhã Nhi – sinh viên đến từ Đại học Sư phạm TPHCM cũng chia sẻ: “Ngày trước, mẹ em kể là có những thắc mắc ở tuổi mới lớn mà không biết nói với ai. Thậm chí, ngày mai mẹ đi lấy chồng rồi mà đến tận nay bà ngoại cũng vẫn không hề dạy mẹ một chút nào về những kiến thức liên quan đến cơ thể, tâm sinh lý. Mẹ không hề biết bất kỳ thông tin nào về nó.
Sau này, mẹ em tuy chỉ là một thợ may, nhưng mẹ luôn cố gắng tìm hiểu kiến thức trên báo chí, sách vở để dạy con mình từ tuổi teen. Mẹ bảo mẹ không muốn con gái bị thiệt thòi như mẹ ngày trước. Với em, em cũng học được từ mẹ nhiều bài học về cơ thể mình, về tuổi mới lớn, tình yêu, tình dục… Em nghĩ, vấn đề này, nếu cha mẹ không định hướng đúng trong việc dạy con ngay từ trong gia đình thì tất yếu trẻ sẽ có nhu cầu tìm hiểu trên mạng và dẫn đến nhiều rủi ro với những từ khóa dễ dẫn đến web đen, không lành mạnh...”