Rõ ràng rằng, thời gian tổng thống Trump đưa ra là không hợp lý vì hiện tại NASA đang bị chậm so với kế hoạch lên sao Hỏa vào những năm 2030 của mình. Lên sao Hỏa thật sự là một việc rất khó khăn, và cần nhiều năm, thậm chí là hàng chục năm để chuẩn bị.
Nhưng, nếu NASA bắt buộc phải đưa phi hành gia lên sao Hỏa vào năm 2020 – theo đúng những gì tổng thống Trump "hy vọng" – thì sẽ ra sao? Cần phải chuẩn bị những vấn đề gì cho kế hoạch lớn khủng khiếp này?
Dưới đây là một số trong danh sách các việc mà NASA cần hoàn thành trước năm 2020 để biến "hy vọng" của vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ này thành sự thật.
1. Hoàn thiện tên lửa
Theo trang tin khoa học vũ trụ Popsci, hệ thống tên lửa phóng vũ trụ cực mạnh của NASA sẽ không được phóng cho đến cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019.
Nếu bắt buộc phải thực hiện chuyến đi lên sao Hỏa quá sớm, sẽ không có nhiều thời gian để kiểm tra và thử nghiệm các chuyến bay một cách cẩn thận trước khi NASA mạo hiểm dùng chúng chở các phi hành gia lên hành tinh Đỏ vào năm 2020 - một hành trình dài và đầy rẫy những nguy hiểm không biết trước.
2. Đảm bảo sẽ không có ai chết
Hành trình đến sao Hỏa sẽ kéo dài từ 6 đến 9 tháng. Đó thật sự là một thời gian dài đối với cơ thể của con người khi phải sống trong một môi trường không trọng lượng (điều này sẽ ảnh hưởng rất không tốt đến xương của chúng ta) và bức xạ vũ trụ quá sâu (gây ra bệnh ung thư, làm rối loạn trí não con người, và ảnh hưởng đến tim). Và đó còn chưa bao gồm nguy cơ phát loạn óc, điên dại do quá nhàm chán, mệt mỏi.
3. Xây dựng không gian phóng khoáng, tiện nghi
Nói đến việc phát điên hoặc loạn óc, bạn có thể sẽ thắc mắc. Nhưng hãy tưởng tượng bạn bỏ ra hàng tháng trời ở trong một chiếc tàu vũ trụ nhỏ xíu, nhìn mặt các phi hành gia quen thuộc đến nhàm chán mỗi ngày. Không ánh nắng mặt trời, không gió mát, không có cộng đồng xung quanh...
Cuộc sống hẳn sẽ vô cùng nhàm chán và bức bí trong một không gian chật hẹp như vậy. Do chiếc tàu Orion chỉ được thiết kế là phương tiện cho các chuyến du hành ngắn, nên không gian không được thoải mái.
Với những chuyến đi dài hơn - ví dụ như chuyến đi khám phá sao Hỏa chẳng hạn – thì các phi hành gia cần được sống trong một "căn nhà" lớn hơn, hiện đại hơn giúp ngăn chặn bức xạ có hại cùng các hệ thống hỗ trợ cuộc sống, lưu trữ thực phẩm, phòng làm việc, phòng tắm, v.v… Cho đến hiện tại, NASA vẫn còn chưa thống nhất lựa chọn được thiết kế cho căn nhà đặc biệt này, chứ đừng nói đến việc bắt đầu xây dựng nó.
4. Đảm bảo vấn đề ăn uống cho các phi hành gia
Vicky Kloeris, đầu bếp của các phi hành gia tại Trạm không gian Quốc tế, có chia sẻ rằng việc sắp xếp, chế biến thực phẩm trên sao Hỏa không dễ dàng.
Bằng chứng cho thấy bức xạ vũ trụ quá sâu sẽ ảnh hưởng đến thực phẩm, không những làm cho thực phẩm kém dinh dưỡng mà còn khiến chúng có mùi vị kinh khủng.
5. Đẩy nhanh tốc độ liên lạc
Phụ thuộc vào vị trí sắp xếp của các hành tinh, việc liên lạc giữa Trái Đất và sao Hỏa có thể mất tới 24 phút. Đó là một thời gian rất dài nếu các phi hành gia đang đợi chỉ đạo, hướng dẫn từ Trái Đất cho các trường hợp vô cùng khẩn cấp. Do vậy, việc tiếp theo NASA cần làm là tìm cách rút ngắn thời gian liên lạc giữa Trái Đất và sao Hỏa.
6. Sắp xếp lại vị trí của các hành tinh
Trái Đất và sao Hỏa bay quanh Mặt Trời với tốc độ khác nhau. Do đó, sẽ có lúc sao Hỏa rất gần hoặc rất xa Trái Đất, tùy thuộc vào sự sắp xếp của các hành tinh trong hệ Mặt Trời. NASA muốn phóng tàu vũ trụ lên sao Hỏa vào thời điểm sao Hỏa gần chúng ta nhất.
Thời điểm này được xác định là vào tháng 7 năm 2018 hoặc tháng 10 năm 2020. Vậy nên nếu Tổng thống Trump muốn NASA đưa các phi hành gia lên sao Hỏa trước cuộc bầu cử tổng thống cho nhiệm kỳ sau, thì NASA tốt nhất nên chuẩn bị ngay từ bây giờ: nhắc nhở các phi hành gia hãy khăn gói đồ đạc để sang năm khởi hành luôn. Không thành vấn đề!
7. Tính toán kế hoạch thoát hiểm
Tổng thống Trump chỉ nói đến việc muốn NASA đưa các phi hành gia lên sao Hỏa, không đề cập gì đến việc đưa các phi hành gia về nhà. Nhưng nếu chúng ta muốn mang họ quay trở lại Trái đất, chúng ta cần chuẩn bị một chiếc xe cứu hộ có thể đưa họ từ bề mặt sao Hỏa quay lại tàu vũ trụ.
Đây có thể là một chiếc xe có thiết kế đặc biệt với nơi chứa đầy đủ nhiên liệu. Chúng ta hiện chưa có thiết kế cho chiếc xe này, nhưng không sao, vì thiết kế tên lửa có vẻ rất rẻ, dễ và nhanh!
8. Trúng số
Việc lên sao Hỏa sẽ vô cùng khó khăn, kể cả khi chúng ta chuẩn bị trong thời gian khá dài. Kế hoạch của NASA là đầu tư khoảng vài tỷ đô la mỗi năm trong một vài thập kỷ tới. Nhưng theo một số tính toán và ước chừng, thì hành trình đến sao Hỏa có thể tốn đến 2 nghìn tỷ đô la Mỹ.
Đây là một con số cực kỳ lớn nếu so với quỹ hàng năm của NASA (khoảng 19 tỷ đô la Mỹ). Và, một cách thẳng thắn, tất cả tiền trên thế giới góp lại cũng không thể giúp họ mua thêm thời gian để hoàn thiện các nghiên cứu và những sự chuẩn bị cần thiết nhằm đảm bảo các phi hành gia sẽ có mặt trên sao Hỏa vào năm 2020 – theo đúng những gì tổng thống Trump "hy vọng".
Cuộc hành trình đến sao Hỏa có thể là một trong những thành tựu lớn nhất của nhân loại. Hoặc, nếu làm không tốt, nó có thể gây ra thảm họa lớn cho các phi hành gia cũng như đạp đổ những công sức, cố gắng, chuẩn bị và kỳ vọng của nhiều người.
Vì vậy, điều quan trọng là những người đứng đầu nên thực tế khi đặt kỳ vọng vào những nhiệm vụ, sứ mệnh khó và nguy hiểm như thế này.
Rất may, đây chỉ là lời nói vui của tổng thống Trump. Và trên thực tế, NASA có vẻ như đang nhận được nhiều sự ủng hộ từ vị tổng thống mới này.
Jim Wilson – người phụ trách vấn đề công cộng của NASA – cho biết: "NASA rất vinh dự khi nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ tổng thống Trump. Chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục được làm việc cùng Tổng thống và Quốc hội để đạt được mục tiêu thám hiểm của chúng ta".