Cần nhân lực chất lượng cao ở tất cả các lĩnh vực

GD&TĐ - Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, với xã hội phát triển, chúng ta cần nguồn nhân lực chất lượng cao ở tất cả các lĩnh vực.

Cán bộ, giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu khoa học.
Cán bộ, giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu khoa học.

Thứ trưởng chia sẻ tại Chương trình với chủ đề "Nhân lực Việt - Khát vọng Việt" do Đài tiếng nói Việt Nam tổ chức (chiều 20/12). Thứ trưởng nhận định, ở từng giai đoạn phát triển, nhất là trong bối cảnh, với nguồn lực có hạn, chúng ta cần ưu tiên những lĩnh vực mà đất nước có tiềm năng, nhu cầu và có thể có khả năng cạnh tranh trong môi trường quốc tế.

Trong rất nhiều nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước gần đây, các trường đại học nhận thức rõ, những lĩnh vực liên quan đến kỹ thuật công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ then chốt như: công nghệ thông tin và truyền thông, gần đây là trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ dữ liệu, công nghệ sinh học, năng lượng sạch… là những lĩnh vực cần thiết đối với phát triển đất nước. Chúng ta cũng có những thế mạnh về đội ngũ nhân lực, học sinh, sinh viên có thể tạo ra những sự khác biệt trong những lĩnh vực này.

trituenhantao.jpg
Ảnh minh họa/internet.

Triết lý đào tạo của CMC là dựa trên hệ sinh thái viện – trường – doanh nghiệp và có sự gắn kết rất chặt chẽ. TS Đặng Minh Tuấn - Trưởng khoa Vi điện tử và Viễn thông (Trường ĐH CMC) trao đổi, nói đến chất lượng cao, nhà trường sẽ tập trung vào vấn đề chuyên môn, giúp sinh viên có môi trường trải nghiệm thực tế trong doanh nghiệp.

Theo đó, sinh viên được tiếp cận với môi trường thực tiễn, công nghệ hiện đại. Ngoài ra, sinh viên có thể tham gia các dự án... và sẽ có trải nghiệm từ sớm về môi trường sau này sẽ làm việc.

Trong quá trình thực tập ở các đơn vị thành viên, sinh viên cũng sẽ phải tuân theo các kỷ luật lao động. “Như vậy chúng tôi sẽ đào tạo về chuyên môn, kỹ năng, kỷ luật để đáp ứng tiêu chuẩn yêu cầu của thị trường” - TS Đặng Minh Tuấn cho biết.

Xét trên phương diện cả hệ thống giáo dục, GS.TS Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) đặt vấn đề, làm sao để có nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của các ngành, lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, trong từng giai đoạn lịch sử, chúng ta cần tập trung vào những ngành mũi nhọn.

Thời gian qua, Trường ĐH Công nghệ đã tập trung vào ngành ICT, tự động hóa. “Vừa qua, chúng tôi cũng thấy rằng, Việt Nam có lĩnh vực tiềm năng là nông nghiệp. Chúng tôi cũng mở ngành mới là Công nghệ Nông nghiệp. Hy vọng, thời gian tới chúng ta sẽ làm chủ được các ngành là lợi thế của Việt Nam” - GS.TS Chử Đức Trình nhìn nhận.

Theo TS Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT, đặc tính của phát triển công nghệ là nhanh. Điều này đang là thách thức lớn cho hệ thống giáo dục. Những gì chúng ta dạy ngày hôm nay có khi hai năm nữa đã lạc hậu. Vì thế, các trường cần sẵn sàng bắt nhịp với cái mới để phù hợp với thực tiễn.

Với yêu cầu mới, tất cả phải thực chất chứ không lý thuyết suông. Trường ĐH CMC sẽ giúp sinh viên sáng tạo, biến kiến thức tạo ra những sản phẩm mang tính thực tiễn và có thể thương mại trên thị trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ