Cân nhắc cẩn trọng lựa chọn môn học

GD&TĐ - Quy định chặt chẽ trong việc chuyển đổi môn học và chuyên đề học tập lựa chọn nên năm học này, HS, gia đình cân nhắc cẩn trọng khi quyết định.

Cô trò Trường THPT Công nghiệp (tỉnh Hòa Bình). Ảnh: NTCC
Cô trò Trường THPT Công nghiệp (tỉnh Hòa Bình). Ảnh: NTCC

Chia sẻ điều này, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cũng khẳng định trách nhiệm quan trọng của nhà trường trong tư vấn, hỗ trợ học sinh.

Người học cẩn trọng hơn

Thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP Cần Thơ) cho biết: Ngày 6/1/2023, Bộ GD&ĐT ban hành hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp THPT. Hướng dẫn này quy định rõ thời gian thực hiện chuyển đổi vào cuối năm học.

“Trường THPT Trần Đại Nghĩa có 11 học sinh lớp 10 năm học 2022 - 2023 có nguyện vọng chuyển đổi môn học khi lên lớp 11 năm học 2023 - 2024. Nhà trường đã tổ chức kiểm tra. Kết quả, 5/11 em đủ điều kiện chuyển đổi tổ hợp môn học lựa chọn”, thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng thông tin thêm.

Học sinh phải cam kết tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của chương trình môn học mới ở năm học trước và đạt yêu cầu qua bài kiểm tra của nhà trường.

Bên cạnh tư vấn, hướng dẫn, nhà trường đồng thời quán triệt kỹ nội dung này cho học sinh, phụ huynh trước khi lựa chọn môn học. Tác dụng thấy rõ là năm học 2023 - 2024, học sinh, gia đình cân nhắc kỹ lưỡng, cẩn trọng hơn trước khi quyết định.

Chia sẻ của cô Phạm Ngọc Hà - Hiệu trưởng Trường THPT Công Nghiệp (tỉnh Hòa Bình): "Đầu năm học 2023 - 2024, nhà trường có 1 học sinh có ý định chuyển đổi môn học. Tuy nhiên, sau khi biết chuyển đổi cần bổ sung kiến thức môn học mới, phải qua được bài kiểm tra, học sinh đó đã thay đổi quyết định. “Học sinh lớp 10, nhiều em chưa định hướng rõ ràng, không nhận thấy khả năng thực sự của bản thân. Có em lựa chọn theo định hướng của cha mẹ, một số lại theo bạn bè…”.

Bày tỏ trăn trở này, cô Ngọc Hà cho rằng, vai trò của thầy cô, nhà trường hỗ trợ, định hướng rất quan trọng. Với Trường THPT Công nghiệp, bộ phận tuyển sinh luôn phân tích kỹ để học sinh nhìn nhận, lựa chọn theo khả năng. Tuy nhiên, với hạn chế về nhân lực, cơ sở vật chất, nhà trường khó có thể đáp ứng hoàn toàn theo năng lực, sở trường của học sinh, mà phải cân đối hài hòa.

Tại An Giang, thông tin từ Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Tuấn Khanh, cuối năm học 2022 - 2023, qua nắm bắt tình hình các trường THPT, một số học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn. Sở GD&ĐT đã yêu cầu thủ trưởng đơn vị xem xét, quyết định cho học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường.

Học sinh phải có bản cam kết tự bổ sung kiến thức, kỹ năng chương trình môn học/cụm chuyên đề học tập mới ở năm học trước đó (có xác nhận đồng ý và cam kết của cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ). Nhà trường có giải pháp phù hợp hỗ trợ học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng của môn học/cụm chuyên đề học tập mới; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc tự bổ sung của học sinh theo nội dung, yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình môn học; bảo đảm cho học sinh có đủ năng lực học tiếp môn học/cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học tiếp theo.

Đối với học sinh chuyển trường từ nơi khác về, nhà trường sắp xếp vào lớp có môn học lựa chọn gần nhất với môn học lựa chọn học sinh đã học. Nếu các môn học lựa chọn không trùng khớp, thủ trưởng đơn vị xem xét, phối hợp với học sinh và gia đình; đồng thời có bản cam kết bù đắp các kiến thức môn học không trùng khớp trước khi vào học…

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Nâng cao trách nhiệm tư vấn, hỗ trợ

Vai trò của thầy cô, nhà trường trong hướng dẫn, hỗ trợ, tư vấn, định hướng học sinh lựa chọn môn học vô cùng quan trọng. Chia sẻ kinh nghiệm trong việc này, thầy Thiều Ánh Dương - Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Rồng (tỉnh Thanh Hóa) cho biết: Năm học 2022 - 2023 và 2023 - 2024, nhà trường đều thông báo cụ thể và để một thời gian tương đối dài cho học sinh, phụ huynh nghiên cứu, cân nhắc.

Cùng với tuyên truyền kỹ tới học sinh, phụ huynh về các tổ hợp, cũng như quy định liên quan của Bộ GD&ĐT, trong thời gian đăng ký, nhà trường tổ chức các bàn tư vấn hỗ trợ học sinh. Các tổ hợp được trường xây dựng trên cơ sở bàn bạc, cân nhắc làm sao đáp ứng cao nhất nguyện vọng học sinh, giảm áp lực cho người học; bảo đảm việc xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ; đồng thời phù hợp với điều kiện nhà trường. “Qua 1 năm, công tác tổ chức dạy học của nhà trường thuận lợi và chưa học sinh nào muốn đổi nguyện vọng môn học lựa chọn”, thầy Thiều Ánh Dương cho hay.

Với Trường THPT Trần Đại Nghĩa, cách làm được thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng chia sẻ là tư vấn kỹ cho học sinh, phụ huynh trước khi làm hồ sơ dự tuyển 10 dựa trên tổ hợp trường sẽ tổ chức đối với lớp 10; tiếp tục tư vấn khi có kết quả tuyển sinh và làm hồ sơ nhập học. Đồng thời, cho học sinh chọn nhiều nguyện vọng khi đăng ký tổ hợp ở lớp 10.

Liên quan đến nội dung này, thầy Nguyễn Minh Đạo, Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn (tỉnh Thanh Hóa) đặc biệt nhấn mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt quy định của Bộ GD&ĐT về việc đổi nguyện vọng môn lựa chọn, đặc biệt nguyên tắc bảo đảm kiến thức khi đổi môn. Tư vấn, hỗ trợ học sinh cũng là công việc bắt buộc phải làm.

“Khi gọi học sinh nhập học, trường thành lập Hội đồng Tuyển sinh và cử 8 - 9 thầy cô đón học sinh, phụ huynh học sinh trong 2 ngày (thường là cuối tháng 8 hằng năm) để làm công tác tư vấn, chọn lớp, chọn môn. Sau đó, học sinh, phụ huynh ký xác nhận vào đơn chọn môn học. Chính vì vậy gần như nhà trường không phải đổi nguyện vọng cho học sinh”, thầy Nguyễn Minh Đạo chia sẻ.

Chỉ đạo liên quan đến lựa chọn môn học năm học 2023 - 2024, Bộ GD&ĐT yêu cầu đẩy mạnh tổ chức tư vấn và cho học sinh đăng ký, lựa chọn môn học phù hợp với năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp, đảm bảo công khai, minh bạch. Nhiều địa phương yêu cầu các trường phối hợp với phòng GD&ĐT tổ chức khảo sát nhu cầu học tập các môn lựa chọn của học sinh từ lớp 9 để chủ động phương án.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ