Cân não chọn nguyện vọng tuyển sinh lớp 10

GD&TĐ - Học sinh lớp 9 đang hoàn thiện hồ sơ để đăng ký dự thi. 

Phụ huynh cùng con xem sơ đồ phòng thi trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm 2022 của TP Đà Nẵng.
Phụ huynh cùng con xem sơ đồ phòng thi trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm 2022 của TP Đà Nẵng.

Thời điểm này, phụ huynh tăng cường tham khảo giáo viên chủ nhiệm và bộ môn để quyết định chọn trường, sắp xếp thứ tự nguyện vọng.

Bài toán chọn nguyện vọng

Có con thi vào lớp 10, chị Lưu Hương Thơm (trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đang cân nhắc khi chọn nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 để đảm bảo an toàn, đủ điểm đậu vào trường THPT công lập.

“Gia đình vẫn mong con vào học Trường THPT Phan Châu Trinh – trường có điểm trúng tuyển cao nhất. Nhưng so sánh giữa chỉ tiêu tuyển sinh và tổng số học sinh lớp 9 năm nay, chúng tôi cân nhắc chọn một trường tốp giữa để chắc chắn con sẽ đỗ vào trường công. Nguyện vọng 2 thì chọn trường có điểm đầu vào thấp hơn từ 2 điểm”, chị Thơm chia sẻ dự định chọn trường.

Anh Trần Văn Sáng (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết: “Nguyện vọng 1 của con là Trường THPT Trần Phú vì con không tự tin sẽ đủ điểm đỗ vào Trường Phan Châu Trinh.

Nhưng sau khi tham khảo ý kiến của cô giáo chủ nhiệm và 3 cô giáo bộ môn, chúng tôi động viên cháu chọn nguyện vọng 1 vào trường THPT gần nhà để nắm chắc một suất vào lớp 10 trường công. Gia đình không có điều kiện kinh tế, nếu rớt cả 2 nguyện vọng vào trường công thì chi phí học tập ở trường tư quá khả năng thu xếp của bố mẹ”.

Phụ huynh có con thi vào lớp 10 tại Khánh Hòa lại cân não với bài toán chọn nguyện vọng 1 và 2 cho phù hợp. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2022 của Khánh Hòa, số lượng hồ sơ đăng ký nguyện vọng 1 và điểm chuẩn trúng tuyển của nhiều trường có sự đảo chiều. Chính vì vậy, khi làm hồ sơ thi tuyển năm 2023, nhiều phụ huynh không khỏi cân nhắc vì không biết “gió sẽ xoay theo chiều nào”.

Như Trường THPT Lý Tự Trọng (Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), kỳ thi tuyển sinh năm 2021 có điểm trúng tuyển cao nhất toàn tỉnh với 32,75 điểm thì năm 2022 hạ xuống còn 29 điểm. Điểm chuẩn này còn thấp hơn cả Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi với 31,25 điểm (tăng 0,75 điểm so với năm 2021). Trường THPT Nguyễn Trãi (thị xã Ninh Hòa) điểm chuẩn chỉ có 15 điểm…

Nguyên nhân của sự đảo chiều này trong năm 2022, theo nhận xét của giáo viên chủ nhiệm khối 9 và cán bộ quản lý các trường THCS do nhiều học sinh, phụ huynh có tâm lý không tự tin, nhất là sau một năm học bị gián đoạn và phải học trực tuyến do dịch Covid-19. Để chọn giải pháp an toàn, một số lượng hồ sơ từ các trường tốp đầu có điểm chuẩn cao được chuyển sang trường có điểm trúng tuyển thấp hơn.

Trường tốp đầu vì vậy giảm nhiệt hẳn khi bớt đi số lượng thí sinh đăng ký dự thi. Như Trường THPT Lý Tự Trọng (TP Nha Trang) có 669 thí sinh tham gia dự tuyển so với 660 chỉ tiêu. Đây là số hồ sơ đăng ký dự thi bao gồm cả thí sinh thi vào Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn nếu không trúng tuyển sẽ xét nguyện vọng 1.

Ở chiều ngược lại, số lượng hồ sơ thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào các trường có điểm trúng tuyển hàng năm thấp hơn lại tăng đột biến. Như Trường THPT Phạm Văn Đồng có tới 1.151 thí sinh đăng ký dự tuyển/572 chỉ tiêu; Trường THPT Hoàng Văn Thụ 1.080 thí sinh đăng ký dự tuyển/572 chỉ tiêu…, Trường THPT Hà Huy Tập có 915 thí sinh đăng ký dự tuyển/484 chỉ tiêu. Tại Ninh Hòa, Trường THPT Nguyễn Trãi chỉ có 530 thí sinh đăng ký dự tuyển so với 528 chỉ tiêu…

Chọn nguyện vọng phù hợp với năng lực học tập, thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển vào các trường công lập.
Chọn nguyện vọng phù hợp với năng lực học tập, thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển vào các trường công lập.

Hỗ trợ thí sinh

Đối với thí sinh tự do, thầy Hồ Ngọc Hưng, Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết: “Hầu hết thí sinh không đỗ vào trường công lập đều chọn học tại trung tâm Giáo dục thường xuyên, trường THPT tư thục hoặc theo học nghề. Ít gia đình chọn cho con ôn tập lại một năm để thi vào lớp 10 THPT công lập năm sau”.

Thầy Phan Thanh Bửu, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Thì Nhậm (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) nhận xét: “Không dễ gì có thí sinh tự do đối với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, dù sở GD&ĐT vẫn quy định và hướng dẫn các trường thu nhận hồ sơ. Chúng tôi mới chỉ nhận một trường hợp là thí sinh ngoại tỉnh đăng ký dự thi do gia đình chuyển về Đà Nẵng sinh sống. Trường hợp này, phụ huynh phải có đơn gửi sở để được giải quyết. Nếu đủ điều kiện, sở sẽ chuyển đơn về trường THCS gần nơi cư trú để phụ huynh nộp hồ sơ đăng ký dự thi cho con”.

Với những học viên thuộc trung tâm GDTX muốn dự thi vào lớp 10 trường THPT công lập, Sở GD&ĐT Đà Nẵng hướng dẫn nộp hồ sơ tại trường THCS thuộc xã, phường nơi cư trú. Theo thầy Phan Thanh Bửu, trong hồ sơ, không cần phải đính kèm hộ khẩu công chứng.

Sở GD&ĐT Khánh Hòa đã có hướng dẫn về tuyển sinh lớp 10. Theo đó, học sinh cần phải xác định nơi cư trú, thời gian định cư tại vùng đặc biệt khó khăn thì các trường THCS nơi học sinh theo học có trách nhiệm lập danh sách gửi cho UBND cấp xã để xác nhận.

Đối với trường tuyển sinh bằng phương thức thi tuyển, nếu số lượng học sinh đăng ký dự thi ít hơn số chỉ tiêu được giao, Sở GD&ĐT Khánh Hòa sẽ xem xét để quyết định hình thức thi tuyển hay xét tuyển trước ngày 20/5, khi học sinh đã hoàn thành việc điều chỉnh nguyện vọng lần 2.

Theo kế hoạch tuyển sinh lớp 10 năm học 2023 - 2024, chỉ tiêu tuyển sinh vào 22 trường THPT của thành phố Đà Nẵng là 11.432 với 266 lớp. Dù tăng 88 chỉ tiêu so năm 2022 - 2023 nhưng số lượng tốt nghiệp THCS của toàn thành phố nhiều hơn 500 học sinh. Do vậy, để vào được trường THPT công lập, học sinh phải nỗ lực vì sự cạnh tranh không hề nhỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ