Cần mạnh tay trong quản lý thực phẩm chức năng

GD&TĐ - Hiện trên thị trường có rất nhiều loại thực phẩm chức năng (TPCN) trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, hành lang pháp lý cho vấn đề này vẫn còn nhiều bất cập, lỏng lẻo cũng như xử phạt chưa mang tính răn đe... Điều này đã vô tình “tiếp tay” cho TPCN giả hoành hành...

Cần mạnh tay trong quản lý thực phẩm chức năng

Nhiều vụ bắt giữ lớn

Vừa qua, trên địa bàn Hà Nội, lực lượng chức năng đã liên tiếp phát hiện, thu giữ khối lượng lớn sản phẩm TPCN không rõ nguồn gốc. Cụ thể, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 7 (Chi cục QLTT Hà Nội) đã phối hợp với Đội 6 PA 81 (Công an TP Hà Nội) đồng loạt kiểm tra 6 địa điểm sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại SLIM HMN Việt Nam.

Qua đó đã thu giữ hàng nghìn sản phẩm chức năng giả có các nhãn hiệu đang được tiêu thụ phổ biến trên thị trường như: Royal Jelly, Glucosamin USA, Glucosaminesit, Plus min USA Collagen L-ghitathione... Các hộp TPCN này đã được đóng gói hoàn chỉnh và dán tem nhập khẩu, ghi sản phẩm chính hãng. Lực lượng chức năng cũng phát hiện 1.937 kg vỏ hộp, tem nhãn các loại, 280 vỏ nhựa, 900 lọ nhựa không nhãn mác ghi thông tin sản phẩm có xuất xứ tại Mỹ, Đức...

Gần đây nhất (ngày 29/9), qua kiểm tra địa bàn, Đội QLTT số 5 (Chi cục QLTT Hà Nội) phối hợp với cảnh sát môi trường đã đồng loạt kiểm tra kho hàng tại số 47, ngõ 259 phố Vọng, phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng liên ngành đã phát hiện, thu giữ hàng trăm hộp TPCN không rõ nguồn gốc, trên nhãn phụ ghi TPCN bảo vệ sức khỏe giúp săn chắc cơ bắp, giảm mỡ, tăng thể lực trong các hoạt động thể thao... Chủ hàng Nguyễn Viết Đoàn, trú tại Nam Định khai nhận, đã nhập số lượng lớn TPCN từ một công ty trong TPHCM sau đó bán lẻ trên địa bàn Hà Nội.

Trước đó một ngày, Đoàn liên ngành của TPHCM đã kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Thương mại sản xuất Đông Nam dược Hồng Vương (tại số 1231/21C tỉnh lộ 13, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TPHCM), chuyên về sản xuất TPCN. Dù bà Phan Thị Phương Hồng - đại diện công ty biện minh chỉ mới sản xuất thí điểm, nhưng trên thực tế nhiều lô hàng đã được đóng hộp và ghi rõ ngày sản xuất, hạn sử dụng.

Tại thời điểm kiểm tra, doanh nghiệp (DN) này không xuất trình được hợp đồng, hóa đơn mua nguyên liệu, chất hỗ trợ chế biến, bao bì đựng sản phẩm... Khi đánh giá ngẫu nhiên, 6 nhãn sản phẩm đều không phù hợp với công bố quy định an toàn thực phẩm.

Cần mạnh tay để bảo vệ NLĐ

Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều DN dược cũng đang nhảy vào sản xuất, kinh doanh TPCN vì đây là thị trường “béo bở” cho họ kinh doanh. DN được sản xuất, kinh doanh TPCN một cách “dễ dãi”, còn công tác kiểm soát chất lượng lại đang có nhiều “lỗ hổng”.

Theo Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội, hiện việc kiểm soát vẫn rất khó khăn do lợi nhuận kinh doanh lĩnh vực này rất cao, trong khi mức xử phạt các vi phạm lại chưa đủ sức răn đe. Hành lang pháp lý về quản lý TPCN tại Việt Nam chưa rõ ràng dẫn đến nhiều bất cập và nguy cơ. Điều kiện sản xuất chưa được quy định cụ thể, mà chung chung là sản xuất thực phẩm. Trong khi theo quy định quốc tế, điều kiện cơ sở sản xuất TPCN phải đủ các yếu tố như cơ sở, trang thiết bị, con người, quy định, phòng thí nghiệm kiểm nghiệm, nguyên liệu an toàn.

Mới đây, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã đặt ra các chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực ATVSTP chặt chẽ và khả thi hơn. Điều 317 về tội “vi phạm quy định về ATVSTP” quy định: Người nào chế biến, cung cấp, bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về ATVSTP, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với tội danh này là 20 năm tù.

Như vậy, mọi tổ chức, cá nhân chỉ cần có hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm “bẩn” như quy định nêu trên sẽ bị xử lý hình sự, mà không cần có hậu quả xảy ra như chết người hay gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng (NTD). Điều này sẽ giúp cơ quan chức năng có biện pháp mạnh tay hơn trong việc xử lý hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm “bẩn”, có hại cho NTD trong thời gian tới.

Tuy nhiên, bên cạnh những biện pháp trên, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn nữa trong vấn đề xử lý vi phạm trong quảng cáo TPCN như thu hồi giấy xác nhận nội dung quảng cáo hoặc phối hợp với cơ quan công an để xử lý nếu quảng cáo gây thiệt hại cho xã hội và NTD. Đồng thời, cần có quy chế bắt buộc phải kiểm nghiệm lâm sàng, nếu nói TPCN có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh gan thì phải kiểm nghiệm lâm sàng xem có tác dụng đúng như vậy mới cấp phép cho bán ra thị trường để bảo vệ sự an toàn sức khỏe và quyền lợi NTD.

Được biết, hiện nay cách thức sản xuất và tiêu thụ TPCN giả của các đối tượng rất tinh vi. Họ thường lập công ty có chức năng kinh doanh, sản xuất TPCN, sau đó thuê gia công sản phẩm bán thành phẩm như viên nang hoặc lọ không dán tem, nhãn mác. Trong khi đó, hầu hết nguyên liệu TPCN, các đối tượng nhập về đều không rõ nguồn gốc hoặc có nguồn gốc từ Trung Quốc với giá rất thấp, nhưng khi sản phẩm thành phẩm được bán ra thị trường đều được gắn nhãn mang xuất xứ từ Mỹ, Nhật Bản, Australia hay một số nước châu Âu nhằm lừa NTD với giá bán từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ