Cần loại nhà thầu yếu kém

GD&TĐ - Tân Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng vừa có chuyến thị sát các dự án trọng điểm quốc gia từ Bắc đến Nam.

Chuyến đi thực tế đầu tiên trên cương vị mới đã mang lại cho vị “tư lệnh” ngành giao thông vận tải những trải nghiệm bổ ích.

Trước hết, ông Thắng nhận định rằng, thực tế hiện trường so với các bản báo cáo có độ vênh nhất định mà nếu không đến tận nơi thì khó mà biết được sẽ như thế nào. Đó là tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, đoạn tại xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai).

Đây là tuyến đường thuộc dự án đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, có tổng chiều dài 99Km, được khởi công tháng 9/2020, kế hoạch hoàn thành tháng 12/2022. Theo báo cáo, đến nay công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn một số công trình hạ tầng kỹ thuật chưa di dời.

Tuy nhiên, trong buổi sáng ngày 22/11, khi Bộ trưởng Thắng đi kiểm tra 2 gói thầu đoạn qua tỉnh Đồng Nai, ông tỏ ra rất sốt ruột do công trường thi công còn ngổn ngang. Quãng thời gian còn lại đến ngày bàn giao tuyến đường này còn quá ngắn, nếu gặp mưa thì rất khó để về đích đúng hạn như đã cam kết.

Quá trình thi công không đạt yêu cầu và đúng tiến độ là hai điều ông Thắng không hài lòng vì giữa báo cáo và thực tế công việc còn một khoảng cách khá xa. “Báo cáo của Ban quản lý dự án có vẻ rất ổn nhưng đi hiện trường thì thấy không ổn” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.

Theo kế hoạch, đến cuối năm nay phải khánh thành và bàn giao để đi vào vận hành nhưng phải lùi thêm 3 tháng đầu của quý I năm 2023, giờ lại “giãn” thêm đến 30/4/2023 nhưng chưa hẳn đã đúng như cam kết. Lỗi chủ quan của nhà thầu đã góp phần làm cho dự án chậm tiến độ. Vì vậy, theo ông Thắng, cần phải loại tất cả các nhà thầu không bảo đảm tiến độ, chất lượng ra ngoài.

Trước đó, ngày 17/11, người đứng đầu Bộ GTVT cũng đã có chuyến thị sát một số tuyến đường thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam từ Ninh Bình đến Nghệ An.

Sau khi nghe báo cáo của các bên ngay tại hiện trường về những khó khăn mà các nhà thầu đã và đang gặp phải như dịch Covid-19 hơn một năm trước khiến việc thi công bị ảnh hưởng, rồi giá cả biến động tác động xấu đến mua sắm vật tư, trang thiết bị…, Bộ trưởng Thắng chỉ ra rằng, việc chậm tiến độ là do yếu kém của các nhà thầu.

Vì cùng trên một tuyến đường, cùng khó khăn chung mà nhà thầu này thì đảm bảo tiến độ còn nhà thầu kia thì vẫn giậm chân tại chỗ. Ông cũng chỉ ra rằng, nhà thầu chính ở các gói thầu đã phó thác cho các nhà thầu phụ cũng là nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ. “Cần phải loại bỏ những nhà thầu yếu kém ra các công trình này!” - ông Thắng nhấn mạnh.

Có thể ông Thắng mới về tiếp quản Bộ GTVT nên chuyện “ân tình” lâu nay giữa Bộ với các nhà thầu, ông không dính đến nên việc xử lý có phần quyết liệt. Người ta không khỏi ngạc nhiên khi có một số doanh nghiệp, yếu kém lộ rõ mỗi khi thi công nhưng lại trúng thầu hết gói này đến gói khác, thì đó cũng là câu hỏi cần vị tân Bộ trưởng này giải đáp.

Hy vọng sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng Thắng sau những chuyến đi thực tế sẽ được áp dụng ngay chứ không phải quyết liệt trên… lời nói để lấy lòng dư luận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ