Cần linh động trong rà soát, sắp xếp trường lớp

GD&TĐ - Tỉnh Cà Mau với đặc thù rộng lớn, địa hình phức tạp với hệ thống sông, kênh rạch chằng chịt. Trong thời gian qua, chủ trương rà soát, sắp xếp trường lớp, giáo viên của tỉnh đã phát huy hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, trong việc rà soát, sắp xếp trường lớp cần phải áp dụng linh động với các địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa.

Điểm lẻ Thuận Lợi, thuộc Trường TH Hòa Bình (xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi, Cà Mau)
Điểm lẻ Thuận Lợi, thuộc Trường TH Hòa Bình (xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi, Cà Mau)

Chủ trương rà soát, sắp xếp trường lớp, giáo viên của tỉnh Cà Mau được thực hiện theo Thông báo số 475, ngày 18/5/2018 và Thông báo số 253, ngày 16/8/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc rà soát, trường lớp, giáo viên trên địa bàn tỉnh.

Theo Thông báo của tỉnh Cà Mau, các trường học trên địa bàn tỉnh Cà Mau phải đạt bình quân 33 HS/lớp đối với cấp Tiểu học và 42 HS/lớp đối với cấp Trung học. Nhiều huyện, thành phố trong tỉnh đã thực hiện tốt Thông báo này, kể cả huyện U Minh là huyện khó khăn thuộc “rừng tràm” U Minh Hạ.

Nhưng huyện Đầm Dơi khi thực hiện chủ trương sắp xếp trường lớp của tỉnh hiện đang gặp khó khăn. Hiện sĩ số học sinh trên lớp bình quân của huyện Đầm Dơi chỉ đạt: Mầm non và Tiểu học bình quân hơn 26 em/lớp; còn Trung học cơ sở chỉ đạt bình quân 40 HS/lớp. Đối với các cấp học từ Mầm non đến Trung học cơ sở mà huyện này quản lý, thì THCS đã xóa hết điểm lẻ, chỉ còn Mầm non và Tiểu học.

Riêng cấp học Mầm non, huyện Đầm Dơi có 17 trường chính, với 70 điểm lẻ (trong đó có 50 điểm gắn với tiểu học). Hiện tại, huyện Đầm Dơi đề xuất mở thêm 6 trường mầm non, đặt tại các xã Tân Thuận, Nguyễn Huân, Quách Phẩm, Quách Phẩm Bắc, Tân Đức và Trần Phán. Đối với cấp Tiểu học, có 37 điểm chính, với 48 điểm lẻ, mặc dù đã xóa 32 điểm trong hè.

Buổi sinh hoạt ngoại khóa của HS Tiểu học trên địa bàn huyện Đầm Dơi, Cà Mau

Buổi sinh hoạt ngoại khóa của HS Tiểu học trên địa bàn huyện Đầm Dơi, Cà Mau

Huyện Đầm Dơi đã làm hết khả năng nhưng rất khó đạt chỉ tiêu cấp trên giao cho.

Thứ nhất là tiếp tục xóa điểm lẻ, dồn học sinh để tăng sĩ số lớp thì nguy cơ HS bỏ học tăng cao, do kinh tế gia đình khó khăn và khoảng cách giữa điểm chính, điểm lẻ quá xa.

Thứ hai, là dồn HS về điểm chính thì phòng học quá tải, vì diện tích nhỏ hoặc các điểm chính có nơi ít HS hơn điểm lẻ.

Đơn cử như Trường Tiểu học Tân Tiến (xã Tân Tiến), có 21 lớp, hơn 645 HS (trong đó điểm lẻ ấp Thuận Thành, cách điểm chính khoảng 5 km, với hơn 120 HS). Trường Tiểu học Tân Duyệt (xã Tân Duyệt), có 2 điểm lẻ, điểm lẻ cách điểm chính khoảng 6 đến 7 km. Trường Tiểu học Tân Long (xã Tân Tiến), điểm lẻ cách điểm chính khoảng 6 km, với 125 HS, điểm chính chỉ có 2 lớp, với khoảng 60 HS.

Tương tự, Trường Tiểu học Tân Đức (xã Tân Đức), điểm lẻ cách điểm chính khoảng 7 - 8 km, cách địa giới huyện Đông Hải (Bạc Liêu) khoảng 2 km, nhưng phải qua sông Gành Hào, nên gặp trở ngại, từ điểm chính đến điểm lẻ chưa có giao thông đường bộ; đường thủy phải đi theo con nước lên xuống theo thủy triều. Học sinh các xã như Tân Thuận, Nguyễn Quân còn khó khăn hơn…

Trong thời gian qua, việc hình thành nhiều điểm nhỏ lẻ, học sinh đi vài km là đến chỗ học, vừa ít tốn kém về tiền bạc và không mất nhiều thời gian đưa đón con em. Mặc khác, nhiều điểm trường lẻ, cũng là một trong những thành công ở thời kỳ tổng huy động học sinh đến trường trên địa bàn huyện - thời kỳ xóa mù chữ và phổ cập giáo dục các cấp.

Để xác minh về vấn đề này, Sở GD&ĐT đề xuất UBND tỉnh Cà Mau thành lập đoàn thẩm định liên sở. Ngày 28/8/2018, đoàn công tác gồm: Sở Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, do Giám đốc Sở GD& ĐT Cà Mau Nguyễn Minh Luân làm trưởng đoàn, đi thẩm định việc xóa điểm trường lẻ, sắp xếp học sinh và giáo viên trên địa bàn huyện Đầm Dơi.

Báo cáo cho biết, trên địa bàn huyện Đầm Dơi, trường gần nhất khoảng 3 km và xa nhất từ 10 đến 20 km so điểm lẻ và điểm chính. Sau khi đi thực tế tại các trường học, đoàn công tác đối chiếu số liệu hiện có giữa Sở GD&ĐT với số liệu của huyện Đầm Dơi để có cơ sở báo cáo với UBND tỉnh về những khó khăn của huyện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ