Cần giáo dục cho thanh niên có nghề nghiệp và kỹ năng hội nhập Quốc tế

Cần giáo dục cho thanh niên có nghề nghiệp và kỹ năng hội nhập Quốc tế

(GD&TĐ) - Sáng nay ngày 28/11, tại Hà Nội Bộ Nội vụ và tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam dã tổ chức Hội nghị Nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Đến dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh; Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa,  Giáo dục, Thanh - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh; Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Dương Văn An cùng 150 đại biểu đại diện các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, đại diện địa phương các vùng miền và thanh niên.

b
Toàn cảnh Hội nghị

Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 2474/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 là nền tảng để các bộ, ngành phối hợp tổ chức giải quyết công tác thanh niên. Chiến lược này được coi là một bộ phận quan trọng của Chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2011-2020, góp phần bồi dưỡng, phát huy nguồn lực con người, xây dựng nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết: sau một năm triển khai thực hiện chương trình, nhìn chung các bộ, ngành, địa phương đã nhận thức được vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của Chiến lược, do đó đã chủ động xây dựng chương trình phát triển thanh niên theo đúng tinh thần chỉ đạo. 

Tính đến ngày 15/11/2012 đã có 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập phòng Công tác thanh niên thuộc Sở Nội vụ, đồng thời bổ sung biên chế cho Phòng Nội vụ cấp huyện, các địa phương đi vào hoạt động và từng bước đi vào nề nếp.

Một số địa phương đã chủ động triển khai nhiệm vụ, đề án, dự án thực hiện Chiến lược và phân công cho các cơ quan, đơn vị liên quan, xác định cụ thể thời gian, tiến độ thực hiện. Ngoài ra, ban hành các đề án phù hợp với đặc thù địa phương như tạo điều kiện cho thanh niên cấp xã hàng năm được tham gia  tối thiểu 1 dự án về xây dựng nông thôn mới; xây dựng mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi cho thu nhập 100 triệu/năm trở lên; xây dựng trang trại tổng hợp của thanh niên v.v...

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa,  Giáo dục, Thanh - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh cho biết: Quốc hội đã ban hành, bổ sung, sửa đổi một số luật quan trọng liên quan đến thanh niên. Nhiều chương trình, dự án dành cho thanh niên đã được Chính phủ phê duyệt và đang được triển khai. Ngân sách Nhà nước đã đáp ứng một phần nhu cầu về vốn của Trung ương Đoàn để thực hiện các chương trình, dự án cho thanh niên. Từ năm 2009- 2011, Ngân sách Trung ương bố trí 229.982 tỉ đồng, ngân sách địa phương 35 tỉ.

Hội thảo chia thành 5 phiên thảo luận. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý chủ trì phiên thảo luận số 1 xoay quanh lĩnh vực GD-ĐT cho thanh niên Việt Nam. Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, thanh niên Việt Nam trong độ tuổi 16-30 có khoảng hơn 22 triệu người, chiếm khoảng 26% dân số, chiếm 33,7% lực lượng lao động xã hội. Do vậy, song song với việc phát triển tri thức cho thanh niên, việc GD đạo đức, lối sống, phòng chống tệ nan xã hội cho thanh niên rất cần được quan tâm.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của GD toàn diện trong qui trình đào tạo của mỗi nhà trường, trong những năm qua Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các Sở và các nhà trường đẩy mạnh công tác phát triển thanh niên như gắn với các cuộc vận động của Bộ Chính trị, triển khai Nghị quyết liên tịch, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, triển khia phong trào thi đua xây dựng Trường học thân thiện, HS tích cực…vv.

Ngành GD đã tăng cường công tác tuyên truyền, GD ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, tinh thần cách mạng, phòng chống âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chiến lược “Diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề tôn giáo của các thế lực thù địch cho HS, SV; triển khai tốt tuần sinh hoạt công dân HS, SV; tăng cường nắm bắt tình hình tư tưởng và dư luận HS, SV, đồng thời nâng cao chất lượng môn GDCD của các bậc học.

Sau khi nghe ý kiến đóng góp của một số đại biểu, Thứ trưởng Trần Quang Quý nhấn mạnh: Hiện nay có gần 3 triệu thanh niên đang ngồi trên ghế nhà trường. Đây là lực lượng quan trọng, là nhân tố quyết định tương lai của đất nước.

Vì thế, các em cần được GD phát triển toàn diện cả trình độ học vấn, kỹ năng sống, có lòng yêu nước, biết giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngày nay, thanh niên không chỉ cần được GD để có nghề nghiệp ổn định mà cần cả kỹ năng hội nhập quốc tế. Do đó, ngành GD đang triển khai Đề án Ngoại ngữ, để thanh niên Việt Nam có trình độ, kể cả khi đi lao động xuất khẩu có thể giao tiếp bằng tiếng nước ngoài trong môi trường làm việc của mình.

Ngoài việc nâng cao chất lượng GD, Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội; đồng thời khuyến khích thanh niên tham gia các cuộc thi NCKH như Giải thưởng tài năng trẻ Việt Nam đã thu hút rất đông lượng SV và giảng viên trẻ tham gia.

Ngành GD tiếp tục thực hiện chính sách dành cho GD vùng sâu, vùng xa, đẩy mạnh xã hội học tập, nâng cao dân trí, thực hiện chương trình KCH trường, lớp và nhà công vụ GV; tăng cường ứng dụng CNTT trong trường học, giúp thầy trò tiếp cận với GD hiện đại. Đặc biệt, thực hiện chính sách giúp HS, SV nghèo vay tiền đi học, không để trường hợp nào phải bỏ học vì khó khăn kinh tế…vv.

Việt Hoa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ