Những chuyển biến tích cực
Trước hết, đó là hệ thống văn bản về giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học và giáo dục nghề nghiệp của Chính phủ, cũng như của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) khá đầy đủ.
Nhiều địa phương đã chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện giáo dục hướng nghiệp theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm thực tế cho học sinh; tích hợp các chủ đề giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông gắn với hoạt động dạy học các môn và tham quan thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nông trại, làng nghề truyền thống, triển khai thí điểm các mô hình nhà trường gắn với sản xuất, kinh doanh tại địa phương như: mô hình trường học - nông trường chè, trường học - nông trường mía, trường học - nông trường cam tại Tuyên Quang, Hòa Bình; trường học - vườn đào, trường học - du lịch ở Lào Cai, Hà Giang...
Bộ GD&ĐT hướng dẫn các trường trung học chuyển dần từ hoạt động ngoài giờ lên lớp (HĐNGLL) sang hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.
Một số bất cập, hạn chế
Trước hết, đó là nhận thức của xã hội vẫn trọng bằng cấp, chỉ tiêu ĐH, CĐ đã giảm nhưng vẫn cao so với nhu cầu, các trường trung học vẫn còn xu hướng chạy theo thành tích tốt nghiệp và đại học. Việc dạy thêm, học thêm các môn thi ĐH đã diễn ra ngay từ cấp THCS, trong khi lại coi nhẹ giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề cho HS, nhất là nhóm không có khả năng và điều kiện tiếp tục học lên. Cán bộ quản lý cho rằng, chỉ những tỉnh khó khăn, chất lượng giáo dục phổ thông còn thấp mới thực hiện các chỉ tiêu phân luồng như Đề án đặt ra, còn những tỉnh chất lượng cao hơn chủ yếu hướng học sinh sau THPT vào đại học.
Thứ hai, ngành GD&ĐT và LĐ, TB&XH chưa thực sự phối hợp chặt chẽ trong công tác phân luồng HS sau THCS. Chưa có thông tư liên bộ về tuyển sinh THPT và trung cấp nghề; các tỉnh, thành phố ban hành văn bản tuyển sinh THPT, GDTX riêng với tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp. Vì vậy, các trường THCS chủ yếu tiếp cận văn bản tuyển sinh THPT nên hướng học sinh thi vào cấp học này.
Thứ ba,chất lượng đào tạo nghề vẫn còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, nên nhiều doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài chỉ nhận lao động tốt nghiệp THPT sau đó họ tự đào tạo. Năng lực nghề nghiệp, trình độ ngoại ngữ, tin học, khả năng hợp tác của lao động nước ta chưa cạnh tranh được với lao động các nước.
Thứ tư, công tác giáo dục hướng nghiệp ở các trường THCS, THPT chưa đáp ứng yêu cầu; giáo viên kiêm nhiệm chưa được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ hướng nghiệp. Cơ sở vật chất - kĩ thuật cho công tác này vẫn còn hạn chế, hoạt động tham quan thực tế lại khó khăn về kinh phí. Học sinh học nghề phổ thông nhưng chỉ học để được cộng điểm cho tốt nghiệp và tuyển sinh THPT. Vì vậy, học sinh học nghề mà không thể làm được nghề và cũng không có nhận thức về nghề.
HS Trường THCS Đông Mai, Quảng Ninh tham quan xưởng máy |
Mục tiêu và các giải pháp đột phá
Mục tiêu chung của Đề án là tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập quốc tế.
Về các giải pháp: Giải pháp thứ nhất, quan trọng nhất là nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục phổ thông, cha mẹ học sinh, học sinh và trong các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh...
Thứ hai, đưa nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông vào chủ trương, kế hoạch chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và điều chỉnh chỉ tiêu mà Đề án đặt ra vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã ban hành.
Thứ ba, xây dựng trang thông tin về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; hình thành cơ sở dữ liệu về nghề nghiệp, thị trường lao động và thông tin, dữ liệu liên quan đến ngành, nghề...
Thứ tư, đổi mới nội dung giáo dục hướng nghiệp thông qua các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường, đổi mới nội dung dạy học trong chương trình theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi...
Thứ năm, đa dạng hóa, vận dụng linh hoạt các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp với lứa tuổi học sinh; cung cấp kịp thời thông tin về cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chính sách đối với người học các trình độ giáo dục nghề nghiệp, chính sách ưu đãi trong giáo dục nghề nghiệp, cơ hội khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm, xu hướng thị trường lao động và nhu cầu sử dụng của thị trường lao động...
Thứ sáu, phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học; bổ sung, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; huy động nguồn lực xã hội trong và ngoài nước tham gia giáo dục hướng nghiệp...
Bộ GD&ĐT và Bộ LĐ, TB&XH cần ban hành thông tư liên bộ về tuyển sinh THPT và trung học nghề. Hằng năm, các địa phương ban hành một văn bản duy nhất về tuyển sinh THPT và trung học nghề; có chính sách cộng điểm khuyến khích thi đại học đối với những học sinh tốt nghiệp THPT có bằng trung cấp và sơ cấp nghề, lúc đó chắc chắn các trường THPT và phụ huynh sẽ đầu tư cho con em học nghề song song với học văn hóa ở trường. Đây chính là giải pháp xã hội hóa về hướng nghiệp, dạy nghề.