Cần ghi nhận sự hy sinh của giáo viên vùng khó

GD&TĐ - Giáo viên vùng khó không chỉ dạy học mà còn chăm lo đời sống cũng như tinh thần cho học sinh.

Giáo viên vùng khó bên cạnh việc dạy chữ còn phải chăm lo đời sống tinh thần cho học sinh.
Giáo viên vùng khó bên cạnh việc dạy chữ còn phải chăm lo đời sống tinh thần cho học sinh.

Đại diện lãnh đạo ngành Giáo dục (huyện Đăk Hà, Kon Tum) huyện mong muốn trong quá trình xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú sẽ xem xét, ghi nhận thêm sự hy sinh, vất vả của thầy, cô vùng khó.

Món quà tinh thần động viên thầy, cô

Năm học 2022-2023, trường Tiểu học – THCS Đăk Ui (huyện Đăk Hà, Kon Tum) có 1.500 học sinh, trong đó khoảng 90% là người dân tộc thiểu số. Với 7 điểm trường, nơi xa nhất cách trung tâm khoảng 10km. Những ngày mưa đường trơn trượt, sình lầy khiến giáo viên phải vật lộn mãi mới đến được điểm trường làng.

Thầy Phạm Văn Tung, hiệu trưởng nhà trường cho biết, học sinh nơi đây đa số là người dân tộc thiểu số, gia đình lại ít quan tâm đến con em mình. Do đó, giáo viên vừa dạy chữ lại kiêm thêm giáo dục, sẻ chia đời sống với học sinh.

Chính vì giảng dạy ở vùng khó nên giáo viên chỉ mong học sinh ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập để có cơ hội thoát nghèo, phát triển quê hương. Do đó, những ngày lễ, Tết nhà trường, giáo viên cũng không quá quan trọng hoa, quà.

Học sinh trường Tiểu học – THCS Đăk Ui.

Học sinh trường Tiểu học – THCS Đăk Ui.

“Giáo viên nơi đây thấu hiểu hoàn cảnh của học sinh nên luôn cố gắng cống hiến với hy vọng các em học tốt. Dù giúp đỡ học trò nhiều, nhưng thầy, cô cũng không mong nhận lại lời cảm ơn hay những món quà tặng.

Tuy nhiên, để động viên, khích lệ tinh thần giáo viên vào ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hay 8/3, Tết nguyên đán nhà trường sẽ sắp xếp mời giáo viên ăn sáng, cà phê. Qua những buổi gặp mặt, tôi có thể thấu hiểu, sẻ chia nhiều hơn với giáo viên trong trường. Từ đó có những quan tâm kịp thời để khích lệ thầy, cô trong hành trình dạy chữ cho học trò”, thầy Tung chia sẻ.

Thầy Tung mong muốn, sẽ có một cơ chế đặc thù cho giáo viên vùng khó. Từ đó, ít nhiều sẽ động viên tinh thần để thầy, cô nỗ lực hơn trong quá trình dạy học.

Ghi nhận thêm sự hy sinh của giáo viên

Cũng mang những trăn trở đối với giáo dục vùng khó, cô Y Sương – Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Đăk Hà bộc bạch, mặc dù cách trung tâm thành phố không xa, nhưng một số trường học trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đặc biệt điều kiện sống của học sinh vẫn còn thiệt thòi hơn chúng bạn đồng trang lứa.

“Những năm qua, ngành Giáo dục và các trường thường xuyên kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ SGK, vở viết để đảm bảo đủ đầy cho các em bước vào năm học mới. Bên cạnh đó, với cấp mầm non một số trường đã triển khai mô hình “Cặp lồng cơm” để học sinh mang cơm theo khi đến trường. Từ đó các em được ăn, nghỉ ngơi tại trường, tránh tình trạng ngủ gục khi học tập”, cô Y Sương bộc bạch.

Cô Y Sương, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Đăk Hà thăm giáo viên và học sinh vùng khó.
Cô Y Sương, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Đăk Hà thăm giáo viên và học sinh vùng khó.

Theo cô Sương, đối với Luật giáo dục có mục tiêu phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp. Bên cạnh đó có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân, yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc… Đồng thời nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế… Chính vì vậy cô rất đồng tình ủng hộ và không muốn góp ý, sửa đổi.

Cô Y Sương cho hay, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục thực hiện, đảm bảo xu hướng, thời đại giáo dục hiện nay. Bên cạnh đó, tiếp tục kiên trì, nỗ lực và nâng cao chất lượng trong việc thay đổi chương trình, SGK mới.

Với Nghị định quy định xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú cô Y Sương cho rằng, bất kể khu vực nào thì đều có tiêu chí xét như nhau. Do đó, bản thân mỗi cán bộ, giáo viên phải phấn đấu, nỗ lực mỗi ngày để ngày càng hoàn thiện bản thân và đạt được những tiêu chí đề ra.

Tuy nhiên, cô Y Sương cho rằng, giáo viên ở vùng khó, vùng dân tộc thiểu số chủ yếu tập trung vào dạy học. Bên cạnh đó, linh hoạt, sáng tạo để giúp học sinh hứng thú khi đến trường, học tập và biết được những kỹ năng sống. Chính vì vậy, so với giáo viên vùng thuận lợi thì thầy, cô khu vực khó khăn, vùng dân tộc thiểu số phải cố gắng hơn nhiều lần. Bởi đa số phụ huynh bận rộn với công việc để kiếm sống nên giáo viên chăm lo, hướng dẫn cho học sinh từ việc rửa mặt, tay chân, vệ sinh cá nhân…

Chính vì vậy, cô mong rằng trong quá trình xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú sẽ xem xét, ghi nhận thêm sự hy sinh, vất vả của thầy, cô vùng khó. Bởi giáo viên không chỉ dạy học mà còn chăm lo đời sống cũng như tinh thần cho học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ