Can đảm hay mạo hiểm?

GD&TĐ - Câu chuyện cậu bé 13 tuổi đạp xe không phanh từ Sơn La xuống Hà Nội thăm em nằm viện có thể khiến nhiều người ca ngợi sự can đảm và tình yêu thương của cậu bé với em trai, nhưng chắc chắn nó khiến chúng ta phải tỉnh táo nhìn lại cách dạy và học kỹ năng sống.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Không phủ nhận rằng cậu bé can đảm và biết thương em, như cách báo chí miêu tả. Nhưng chắc chắn đứng ở vị trí người làm cha mẹ hẳn nhiều người sẽ không bao giờ tha thứ cho bản thân mình nếu con làm thế.

Chắc chắn các bậc cha mẹ luôn dạy con trước hết cần biết bảo vệ an toàn cho bản thân mình, mà một trong những bài học đầu tiên, từ khi bọn trẻ chập chững tập đi, là không được đến những khu vực nguy hiểm trong nhà như bếp, nhà tắm, ổ điện. Và không được ra khỏi nhà.

Tất nhiên lớn lên, phạm vi giới hạn sẽ được nới lỏng dần, nhưng câu mà trẻ em luôn phải nhớ là “hãy biết tự bảo vệ mình”. Trang bị cho con kỹ năng sống an toàn là một trong những cách để cha mẹ không bao giờ phải hối tiếc.

Nên thật đáng ngạc nhiên vì cách nhiều tờ báo, nhiều status trên mạng xã hội đưa câu chuyện này lên như ca ngợi một người hùng. “Trái tim quả cảm... Lâu lắm rồi chúng ta chưa mạo hiểm vì ai...” - một diễn đàn của những người trẻ chia sẻ một bài viết như thế.

Khen cậu bé biết yêu thương em thì đồng ý, nhưng đừng đẩy câu chuyện đi quá xa. Đừng ca ngợi cậu bé lên tận mây xanh mà quên những cảnh báo cần thiết về những hậu quả nguy hiểm mà chuyến đi có thể gây ra. Chặng đường dài cả trăm km cho đến khi cậu bé được những người tốt giúp đỡ, chiếc xe đạp không phanh, đường đi toàn đèo dốc, những khúc cua tay áo, những kẻ bắt cóc, buôn người, đói rét... Vô số những nguy cơ tiềm ẩn không thể lường hết được.

Bố mẹ cậu bé hẳn cũng chẳng ngờ con mình dám thực hiện một chuyến đi như thế và sẽ không bao giờ khuyến khích con làm thế. Cho nên hãy đừng chỉ tung hô mà hãy chỉ ra những rủi ro từ những hành động bột phát, để các cháu nhỏ và các bạn trẻ không bị định hướng sai lệch, không xem đó như hình mẫu bắt chước theo.

Nếu nói về bản lĩnh, hãy dạy con mình bản lĩnh để nói không với những điều xấu hay những cám dỗ xung quanh mình. Không bắt nạt bạn, không coi thường những người yếu thế, thậm chí từ những điều bình thường như không sa đà chơi game, không vứt rác ra đường... Sống an toàn cho mình và cho mọi người rất cần phải có bản lĩnh. Sống văn minh càng cần phải có bản lĩnh.

Nếu nói về yêu thương, hãy dạy con mình yêu thương ngay trong từng ngày thường, từng hành động lời nói mỗi ngày, biết chia sẻ trách nhiệm với bố mẹ ông bà, anh chị em, những người trong gia đình, bè bạn khi đến trường học, biết tôn trọng mọi người mình gặp hàng ngày trong cuộc sống, từ bác bảo vệ đến cô công nhân vệ sinh, đó là chia sẻ và yêu thương.

Cuộc sống quá nhiều biến cố không ngờ, nên hãy trang bị tốt nhất các kỹ năng để một đứa trẻ có thể sống tốt cho mình và cho mọi người xung quanh. Can đảm chứ không phải mạo hiểm. Yêu thương tự trái tim và hành động một cách khôn ngoan. Sự rèn luyện ấy sẽ cho các em khả năng để vượt qua những biến cố sau này và đó mới là lối đi đúng đắn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ