Cần công tâm và có trách nhiệm khi 'mổ xẻ' ngành giáo dục

GD&TĐ - Những người tâm huyết với sự nghiệp 'trồng người' không khỏi băn khoăn, khi một số người 'mổ xẻ' ngành giáo dục mà không nhìn được những điều tốt đẹp.

Giáo dục và đào tạo là nền tảng của sự phát triển bền vững, quyết định tương lai của mọi dân tộc, mọi quốc gia. Giáo dục và đào tạo vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển của xã hội. Chính vì thế, giáo dục là một trong những ngành được cả xã hội đặc biệt quan tâm và nhiều người muốn “mổ xẻ”, tìm ra “bệnh tật”, tư vấn giúp cho ngành “chữa bệnh” thành công. Đó là điều rất đáng trân trọng.

Tuy nhiên, trên thực tế không phải ai cũng cầm được dao mổ. Nếu mổ ra rồi thì việc phát hiện đúng bệnh, cắt đi được khối u, không cho nó tái phát lại là điều rất ít người làm được.

Hơn 4.000 sinh viên tham dự lễ khai giảng năm học 2023-2024 của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM.
Hơn 4.000 sinh viên tham dự lễ khai giảng năm học 2023-2024 của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM.

Thế nhưng, nếu dạo qua các trang mạng xã hội trong thời gian gần đây thì thấy khá nhiều người “điếc không sợ súng”, cứ “mổ xẻ” tràn lan các hiện tượng xã hội, trong đó có ngành giáo dục, từ đó mà suy luận, phê phán, thậm chí là “dạy dỗ”, “rủa xả”…Cá biệt, có trường hợp lợi dụng vài ba vụ việc đơn lẻ xảy ra trong hoạt động giáo dục để xuyên tạc mục tiêu, bản chất tốt đẹp của nền giáo dục cách mạng Việt Nam.

Các thế lực thù địch và cơ hội chính trị đã “chớp ngay lấy thời cơ”, bằng các thủ đoạn nham hiểm như “cắt dán”, “đục nước béo cò”, “lập lờ đánh lận con đen”…, chúng tiếp tục sử dụng chiêu trò xuyên tạc thông qua các bài viết có tiêu đề phản giáo dục, như: “Nỗi nhục của nền giáo dục Việt Nam”, “Giáo dục Việt Nam nỗi đau nhiều kiếp chưa tan”, “Nói thêm về nỗi nhục của nhà giáo”… mà nhiều ý kiến còn bình luận cay nghiệt, ác ý, nào là: “Hậu quả là ngành giáo dục, cái ngành nuôi nhân tài, nhân lực cho sự phát triển kinh tế của đất nước, lại trở thành cái ngành ăn mày xã hội”; “Viễn cảnh giáo dục của Việt Nam được so sánh như một bức màn đen mà không tia sáng nào lọt qua được, nếu như giới lãnh đạo giáo dục cấp thượng tầng không bao giờ thay đổi”; “Giáo dục, càng cải cách, càng lùi xa so với thế giới”…

Chưa dừng lại ở đó, động cơ của những kẻ bình luận đã bộc lộ rõ mưu đồ đen tối khi gán ghép vấn đề giáo dục với vấn đề chính trị cùng thái độ hằn học: “Do sự đào tạo của cộng sản, ở Việt Nam một số người đã mất tính người"; “Tại Việt Nam hiện nay con thuyền giáo dục cũng như các con thuyền kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh, quốc phòng… đều đang mục ruỗng cả”; “Đảng Cộng sản đã biến dân Việt thành những đám nửa người nửa ngợm”…

Cách nhìn nhận, đánh giá về giáo dục Việt Nam như vậy chẳng khác nào cách liên tưởng bằng con mắt “mù màu”.

Thực tế ở Việt Nam hiện nay, có thể khẳng định chắc chắn rằng: Một trong những thành tựu lớn nhất trong gần 40 đổi mới được cộng đồng quốc tế ghi nhận là nền giáo dục Việt Nam có sự phát triển cả về lượng và chất.

Chúng ta không chỉ hoàn thành mục tiêu đưa hầu hết trẻ em đúng độ tuổi được đến trường học tập và hoàn thành phổ cập trung học cơ sở ở khắp các địa phương trong cả nước, mà chất lượng giáo dục cũng ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực ở tất cả các đối tượng học sinh và các cấp học, bậc học. Điều này được bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) trong chuyến thăm Việt Nam nhận định: “Trong lần thứ ba đến Việt Nam, tôi thấy Việt Nam có nhiều thay đổi, nhất là sự phát triển tích cực về kinh tế cũng như chất lượng giáo dục, trong đó có thành tựu về đào tạo giáo viên và thúc đẩy sự công bằng, bình đẳng về giáo dục”.

Không ngẫu nhiên mà người đứng đầu UNESCO ghi nhận về thành tựu giáo dục Việt Nam như vậy. Vài dẫn chứng sau đây phần nào minh chứng điều đó. Đến nay, các trường đại học ở Việt Nam đã có hơn 500 chương trình đào tạo quốc tế với các trường đại học ở nhiều nước trên thế giới; chưa kể hàng chục chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao, cử nhân tài năng, chương trình tiên tiến theo chuẩn quốc tế.

Tạp chí Times Higher Education (THE) của Anh mới đây đã công bố bảng xếp hạng đại học tốt nhất thế giới năm 2024. Trong đó có 6 trường đại học của Việt Nam là Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Huế, Trường Đại học Duy Tân và Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Những năm gần đây, Việt Nam cũng trở thành một trong những điểm sáng trên bản đồ giáo dục thế giới, khi đăng cai và tổ chức thành công nhiều kỳ thi quốc tế. Đặc biệt, thành tích của các đội tuyển học sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế cũng rất nổi bật, được bạn bè quốc tế ngưỡng mộ.

Chỉ tính riêng trong hai năm gần đây: Năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo cử 7 đoàn học sinh giỏi Việt Nam với 38 lượt học sinh tham gia Olympic quốc tế. Kết quả, 100% học sinh Việt Nam dự thi đều đoạt giải, gồm 13 huy chương Vàng, 12 huy chương Bạc, 8 huy chương Đồng và 5 Bằng khen (giải Khuyến khích).

Các đoàn Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất với nhiều học sinh đạt điểm số cao. Đặc biệt Đoàn học sinh Việt Nam xếp thứ 4/104 quốc gia tại Olympic Toán học quốc tế lần thứ 63. Tất cả 6/6 thí sinh Việt Nam đoạt giải với 2 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc, 2 huy chương Đồng. Trong đó, em Ngô Quý Đăng, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đạt điểm tuyệt đối 42/42.

Cả 5 học sinh Việt Nam dự Olympic Vật lý Bắc Âu-Baltic (NBPhO) năm 2024 đều đạt giải với 1 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc, 1 huy chương Đồng và 2 giải khuyến khích.
Cả 5 học sinh Việt Nam dự Olympic Vật lý Bắc Âu-Baltic (NBPhO) năm 2024 đều đạt giải với 1 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc, 1 huy chương Đồng và 2 giải khuyến khích.

Đoàn Việt Nam xếp thứ 2 sau Trung Quốc và được Ban tổ chức đánh giá rất cao tại Olympic Hóa học quốc tế với thành tích 4 huy chương Vàng. Đây là lần thứ hai, tất cả học sinh trong đội tuyển Việt Nam dự thi Olympic Hoá học quốc tế đều giành huy chương Vàng.

Năm 2023, Việt Nam có 7 đoàn học sinh tham dự Olympic khu vực và quốc tế, với 36 lượt học sinh tham gia. Các đoàn học sinh Việt Nam đã mang về cho nước nhà thành tích xuất sắc, tất cả các thí sinh của các đoàn đi thi đều đoạt giải, với 8 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc, 12 Huy chương Đồng và 4 Bằng khen. Các đoàn học sinh của Việt Nam dự thi năm 2023 tiếp tục giữ thành tích trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất.

Đoàn Việt Nam đạt thành tích xuất sắc tại Olympic Hóa học Quốc tế Mendeleev lần thứ 58, năm 2024.

Đoàn Việt Nam đạt thành tích xuất sắc tại Olympic Hóa học Quốc tế Mendeleev lần thứ 58, năm 2024.

Cũng phải nói thêm rằng, từ giữa thế kỷ 20 đến nay, Việt Nam đã tiến hành nhiều cuộc cải cách giáo dục. Năm 1950, trong hoàn cảnh nước nhà còn muôn vàn khó khăn, nhưng cuộc cải cách giáo dục lần đầu tiên đã nhằm mục tiêu xây dựng một nền giáo dục của dân, do dân và vì dân. Đến năm 1956 cải cách giáo dục lần thứ hai hướng tới đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ thành những công dân tốt, có đức có tài; đến lần thứ ba năm 1981, cuộc cải cách giáo dục toàn diện hơn, đồng bộ hơn nhằm tạo bước chuyển biến mới về hệ thống giáo dục, nội dung và phương pháp dạy học.

Cuộc cải cách lần thứ tư được đánh dấu bằng việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một sự chuyển hướng rất đúng đắn theo tinh thần Nghị quyết 29 khóa XI của Đảng, bảo đảm cho giáo dục Việt Nam phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Điểm nhấn của cuộc cải cách này là chuyển đổi phương thức dạy học từ truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh.

Các cuộc cải cách này có những điều cần phải rút kinh nghiệm nghiêm túc, nhưng công bằng mà nói, đều có ý nghĩa rất quan trọng chứ không phải “càng cải cách, càng rối rắm, càng đi vào ngõ cụt” như các thế lực thù địch thường rêu rao.

Cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, trong ngành giáo dục của chúng ta vẫn còn có không ít khó khăn, tiêu cực, nhưng đó chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”. Không thể từ một vài việc tiêu cực mà phủ nhận toàn bộ những đóng góp của ngành giáo dục – đào tạo, phủ nhận công sức của hàng triệu thầy cô đang ngày đêm đứng vững trên mặt trận “trồng người”.

Chúng ta luôn trân trọng các ý kiến phản biện, nhất là phản biện trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, nhưng phải công tâm và có trách nhiệm khi “mổ xẻ” ngành giáo dục. Dù chưa hẳn hài lòng với những gì ngành giáo dục đã và đang có, nhưng trước khi cầm bút, gõ phím bàn về giáo dục, mỗi chúng ta, trước hết là cán bộ, đảng viên rất cần một “cái đầu lạnh” trong việc xem xét, nhận định về các sự kiện, vấn đề giáo dục một cách trung thực, công tâm, khách quan, vì thông tin về giáo dục có ảnh hưởng mật thiết đến việc giữ gìn an ninh tư tưởng-văn hóa của quốc gia, tránh để các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.