Không làm tốt giáo dục thì mọi thứ đều phản tác dụng
Liên quan dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung, Đại biểu Hồ Thị Minh – Đoàn Quảng Trị - phân tích thêm: Ngoài sự đổi mới chương trình, SGK hay phương pháp giảng dạy thì nên quan tâm tới đời sống nhà giáo vì giáo viên ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn đòi hỏi đồng lương để đảm bảo thu nhập cho đời sống là rất quan trọng.
"Thực tế giáo viên miền núi chỉ sống bằng đồng lương, việc đi lại rất khó khăn. Ví dụ như: Từ trung tâm huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) đi vào những điểm dạy tới hơn 100 km. Một tháng chỉ về nhà một lần. Nếu như trời mưa lũ thì không về được nhà.
Khi giáo viên không đảm bảo thu nhập, rất buồn khi mà nhiều giáo viên phải lên mạng bán hàng online – điều này làm ảnh hưởng đến thời gian của họ đầu tư cho giáo dục" - Đại biểu Hồ Thị Minh chia sẻ, đồng thời cho biết:
Giáo viên đi dạy 10 năm, tiền thưởng Tết chỉ 50 nghìn, 100 nghìn. Vì thế cần phải có chính sách đặc thù đối nhà giáo, nhất là đối với những vùng sâu vùng xa. Chúng ta cũng đừng bàn đến xã hội hoá giáo dục ở những vùng khó.
Đại biểu Hồ Thị Minh: Không coi trọng giáo dục, không làm tốt giáo dục thì mọi thứ ta làm đều phản tác dụng. |
Cũng theo Đại biểu Hồ Thị Minh, ngành Giáo dục đang có nhiều bứt phá, giảm bớt các kì thi, tập trung vào chuyên môn và đặc biệt khâu chuẩn bị giáo án, thi giáo viên giỏi được giảm bớt.
Lần này có nhiều đổi mới, đặc biệt là quan tâm tới chương trình, SGK. Quốc hội đã đồng tình lùi lại thời điểm triển khai chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới để có thời gian nâng cao chất lượng, làm chậm mà chắc.
"Không coi trọng giáo dục, không làm tốt giáo dục thì mọi thứ ta làm đều phản tác dụng. Đầu tư cho là giáo dục là quốc sách hàng đầu. Đầu tư cho giáo dục không bao giờ sợ lỗ mà cũng đừng nghĩ đầu tư cho giáo dục mà muốn thu lời – mà lãi chính là những con người đang đóng góp cho đất nước" - Đại biểu Hồ Thị Minh nhấn mạnh.
Trân trọng chính sách nâng mức thu nhập của nhà giáo
Còn theo Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn TP Hồ Chí Minh- cho rằng, chất lượng giáo dục vừa qua được nâng lên nhiều. Mong muốn Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung nâng cao hơn nữa đạo đức công dân, ý thức chấp hành luật pháp, vấn đề quan trọng “tiên học lễ, hậu học văn”…thì dự thảo Luật đã đáp ứng được kỳ vọng này.
Theo Đại biểu Trần Hoàng Ngân, dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung lần này đã nâng được mức thu nhập của nhà giáo, đó là điều đáng trân trọng và ai cũng mong muốn.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Dự thảo Luật giáo dục sẽ miễn học phí đến cấp THCS, tạo điều kiện phổ cập học sinh. Đây là trách nhiệm của xã hội và là điều đương nhiên. |
Thêm nữa, trong Dự thảo cũng đề cập tới trình độ giáo viên ở các cấp học sẽ được nâng lên. Đây là vấn đề này rất cần thiết bởi những “kĩ sư tâm hồn” không chỉ ở các bậc học cao, mà còn cần ở các cấp từ mầm non trở đi để truyền lửa. Nhưng muốn như vậy phải có một cơ chế tài chính, thu nhập đủ mạnh, điều này thể hiện lời nói đi với hành động.
Một trong những nội dung đổi mới của Dự thảo Luật giáo dục sẽ miễn học phí đến cấp THCS, tạo điều kiện phổ cập học sinh. Vấn đề này, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, đây là trách nhiệm của xã hội và là điều đương nhiên.