Cần cơ chế, chính sách khuyến khích sáng tạo KHKT trong trường phổ thông

GD&TĐ - Đó là một trong những nội dung được tập trung bàn luận tại Hội thảo tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong trường trung học sáng 11/3. Từ cuộc thi KHKT học sinh trung học những năm qua, đã ghi nhận nhiều dự án, sáng chế khả thi, hiệu quả thực tiễn cao. Tuy nhiên, cần có cơ chế, chính sách tạo động lực cho học sinh và giáo viên nghiên cứu khoa học, tạo quỹ hỗ trợ triển khai thực hiện các ý tưởng.

Hội thảo tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong trường trung học
Hội thảo tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong trường trung học

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đồng chủ trì hội thảo. Cùng dự có đại diện các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học khu vực phía Bắc.

Hội thảo là một trong chuỗi hoạt động thuộc Cuộc thi KHKT học sinh trung học cấp quốc gia 2018, khu vực phía Bắc hiện đang được diễn ra tại TP Vinh, Nghệ An.

Tại hội thảo, các đại biểu khẳng định và đánh giá cao tác động của cuộc thi những năm qua, đã thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong trường trung học phát triển rộng rãi. Không chỉ tạo điều kiện cho học sinh có năng lực, đam mê nghiên cứu khoa học, mà còn thúc đẩy phong trào đổi mới dạy – học theo hướng tôn trọng, tăng cường năng lực người học, phát triển toàn diện học sinh, thay đổi cách thức đánh giá học sinh…

Học sinh đang dựng gian trưng bày dự án dự thi KHKT học sinh trung học cấp quốc gia 2018 tại Nghệ An.

 Học sinh đang dựng gian trưng bày dự án dự thi KHKT học sinh trung học cấp quốc gia 2018 tại Nghệ An. 

Bên cạnh đó, tăng cường mối liên hệ giữa các cơ sở giáo dục đại học với giáo dục phổ thông, khuyến khích các nhà khoa học tham gia vào đổi mới giáo dục phổ thông, tạo cơ hội cho giáo viên và học sinh phổ thông khai thác các nguồn lực trong trường đại học và các cơ sở nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu khoa học ở các nhà trường hiện nay vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Một số dự án chưa đáp ứng được yêu cầu cuộc thi, chưa có nhiều đổi mới, nội dung sơ sài và thiếu tính khả thi.

Nhiều dự án trùng lặp về ý tưởng. Hoặc có ý tưởng hay, mới, lạ nhưng chưa phù hợp với đối tượng nghiên cứu là học sinh, không thể triển khai vì kinh phí quá lớn, vượt ngoài khả năng hỗ trợ của nhà trường. Bên cạnh đó, năng lực và trình độ của giáo viên hướng dẫn cũng có những hạn chế.

Hội thảo cũng lắng nghe những ý kiến tham luận từ đại diện các Sở GD&ĐT các tỉnh, chia sẻ các giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng phong trào nghiên cứu, sáng tạo KHKT trong các nhà trường.

Từ đó, hội thảo thống nhất một số quan điểm như: Đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên và học sinh tham gia nghiên cứu KHKT, công bằng với các môn văn hóa khác.

Có các chính sách khuyến khích các nhà khoa học, giảng viên tham gia hỗ trợ hoạt động nghiên cứu KHKT của học sinh; bổ sung kinh phí từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học – công nghệ để hỗ trợ tổ chức cuộc thi hàng năm.

Kêu gọi các quỹ khuyến khích tài năng, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tài trợ cho việc tổ chức và trao giải cho học sinh trong cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học và đẩy mạnh công tác xã hội hóa để những ứng dụng có tính khả thi sớm được đưa vào thực tế.

Về phía các trường ĐH cũng khẳng định rất quan tâm đến phong trào nghiên cứu khoa học của trường phổ thông, và sẵn sàng liên kết, hỗ trợ học sinh, giáo viên thực hiện các ý tưởng sáng tạo, khả thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên lồng ghép các trò chơi trong giờ học tiếng Anh tăng cường nhằm tăng hứng thú cho học sinh.

Còn nhiều khó khăn và thách thức

GD&TĐ - Để triển khai tốt chương trình tiếng Anh tăng cường cần phải đẩy mạnh xã hội hóa, trong đó sự đồng thuận của phụ huynh đóng vai trò quan trọng.

9 dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư vú

9 dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư vú

GD&TĐ - Ung thư vú phủ bóng đen lên cuộc sống của vô số người trên toàn cầu, ảnh hưởng đến những người mắc bệnh và gia đình của họ.