Hiểu đúng để đào tạo chuẩn
ThS Trần Xuân Tình cho biết, nguồn nhân lực phục vụ cho nông nghiệp công nghệ cao không chỉ dừng lại ở các ngành nghề Nông nghiệp, Sinh học thuần túy. Nó bao gồm nhiều ngành nghề khác nhau như Điện, Cơ khí hóa, CNTT; Kinh tế…
Vì vậy cần phải có cái nhìn tổng quát về nguồn nhân lực phục vụ cho nền nông nghiệp công nghệ cao. Từ đó, các cơ sở dạy nghề mới có hướng đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng.
Ông Tình cho rằng, nền nông nghiệp công nghệ cao là nền nông nghiệp với hình thức chuyên môn hóa cao. Do đó, nguồn nhân lực cũng phải được đào tạo theo hướng chuyên môn hóa theo nội dung công việc cụ thể chứ không đào tạo chung chung. Hướng đào tạo nghề rất phù hợp với sự phân công lao động lĩnh vực này.
Tuy nhiên, tại Việt Nam chưa có những vùng chuyên canh thực sự. Các quy trình sản xuất theo hướng công nghệ chưa đồng bộ. Các hệ thống công ty sản xuất nông nghiệp phát triển chưa cao, sự phân công lao động chưa rõ ràng. Đây là một sự khó khăn đòi hỏi phải có thời gian mới khắc phục được.
Việt Nam là một đất nước nông nghiệp, việc ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp là một trong những nội dung quan trong được Đảng và Nhà nước quan tâm đẩy mạnh nhằm phát triển một nền nông nghiệp sạch, bền vững. Điều này nhằm nâng cao chất lượng và giá trị nông sản Việt Nam trên thế giới. Muốn được như vậy, việc xây dựng nguồn nhân lực ngành công nghệ sinh học đòi hỏi phải được đào tạo ở nhiều cấp độ khác nhau.
Vì vậy, nên tập trung chuyên sâu vào các kỹ thuật viên công nghệ sinh học trên các lĩnh vực cụ thể. Đó là kỹ thuật viên phòng thí nghiệm công nghệ sinh học, kỹ thuật viên phân tích kiểm định, kỹ thuật viên phân tích môi trường. Hoặc các nghề đào tạo trong nông nghiệp như kỹ thuật rau hoa công nghệ cao, kỹ thuật viên chọn tạo giống cây trồng…
Theo báo cáo của Viện Chiến lược và Chương trình Giáo dục thuộc Bộ GD&ĐT, đến năm 2020, Việt Nam sẽ cần ít nhất là 25 nghìn lao động chuyên sâu trong lĩnh vực này.
“Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao bao gồm rất nhiều ngành nghề và lĩnh vực khác nhau không phải riêng các nghề nông nghiệp. Vì vậy trong định hướng phát triển nguồn nhân lực cho ngành này phải tính đến đào tạo các nghề ngoài nông nghiệp nhưng là nguồn nhân lực không thể thiếu trong sự phát triển chung”, ông Tình nhấn mạnh.
Chưa “mặn mà” để học nghề nông
ThS Trần Xuân Tình cho biết, thực tế cho thấy những năm qua, trong các nghề đào tạo tại Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt nói riêng và một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói chung, số lượng sinh viên học các nghề liên quan đến nông nghiệp rất ít. Mặc dù khi ra trường các em có việc làm đạt tỷ lệ cao.
Nguyên nhân là do phần lớn người học cho rằng học các nghề nông nghiệp “chân lấm, tay bùn” vất vả so với các nghề học khác. Hơn nữa, hệ thống các công ty, doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao có phát triển nhưng chưa nhiều, chưa ổn định. Bên cạnh đó, các nghề đào tạo trong nông nghiệp chưa thực sự hấp dẫn người học.
Tuy vậy, trong những năm học gần đây, tỷ lệ các sinh viên học khoa Nông nghiệp sinh học ứng dụng đã tăng lên ở một số cơ sở. Điều đó cho thấy đã hình thành lên một thị trường lao động liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp.
Nguyên nhân là do tác động của sự phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương. Rất nhiều công ty đã gửi thư thông bảo tuyển dụng đến một số trường. Đồng thời, nhận thức của người học đã bắt đầu có xu hướng thay đổi khi chọn học các nghề liên quan đến nông nghiệp.
“Đây là một cơ hội tốt để đào tạo một nguồn nhân lực vừa có chuyên môn vừa yêu nghề phục vụ tốt cho định hướng phát triển nguồn nhân lực phục vụ nền nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương”, ông Tình đánh giá.
Cũng theo ThS Trần Xuân Tình, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần có giải pháp phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao. Đó là, đổi mới phương pháp đào tạo nghề.
Theo đó, cần tập trung vào đào tạo năng lực thực hành, những kỹ năng, kỹ thuật cốt lõi và các kỹ năng mềm để thích ứng và phát huy trong môi trường công nghệ hiện đại.
Từng bước đưa các công nghệ mới đặc thù trong nông nghiệp như công nghệ sinh học, công nghệ số, tự động hóa, cơ khí chính xác, vật liệu mới… vào các chương trình đào tạo dài hạn.
Cần xây dựng bộ chuẩn đầu ra cho sinh viên học các nghề liên quan đến phục vụ nhân lực nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó chú trọng trình độ ngoại ngữ và tin học đảm bảo hội nhập quốc tế. Phát triển nguồn nhân lực không chỉ hướng vào thị trường trong nước, mà còn phải hướng ra thị trường quốc tế như xuất khẩu lao động tới các nước có nền nông nghiệp phát triển hơn.
Đồng thời, cần tăng cường công tác đào tạo sinh viên tại các trang trại, gắn kết nhà trường với doanh nghiệp. Tiếp nhận các chương trình đào tạo các nghề nông nghiệp của các quốc gia phát triển cao trong nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh…
Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của đào tạo nghề đối với việc tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nông nghiệp. Đặc biệt trong xu hướng phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao.
Đối với các cơ sở đào tạo nghề, cần phải đổi mới và phát triển chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề cho lao động nông thôn, người học theo yêu cầu của thị trường lao động. Thường xuyên cập nhật kỹ thuật, công nghệ mới. Bên cạnh đó, cần phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề đáp ứng được nhu cầu đào tạo nhân lực cho nền nông nghiệp công nghệ cao.