Cần có biện pháp xử lý đối với “cò” khiếu nại, tố cáo

GD&TĐ - Chiều 26-7, UBND TP.HCM tổ chức giao ban về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo quý 2-2017. Chánh Văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhận định bên cạnh những nguyên nhân khách quan và chủ quan thì tình trạng khiếu kiện, khiếu nại kéo dài, dắt dây còn có một phần nguyên nhân do sự tham gia, chi phối của “cò” khiếu nại, tố cáo.

Ảnh minh họa (theo công ty luật Dương Khôi Minh)
Ảnh minh họa (theo công ty luật Dương Khôi Minh)

Thông tin về tình trạng “cò” nêu trên, đại diện chính quyền TP.HCM cho biết, những đối tượng này kích động, xúi giục người dân đi kiện - dân càng kiện thì họ càng có lợi, dân kiện thắng thì họ ăn tiền. “Thậm chí đây có thể gọi là “nghề kinh doanh khiếu kiện”, các đối tượng này còn thuê mướn cả luật sư vào cuộc”.

Thông tin về “cò” khiếu nại, tố cáo mới xuất hiện, cho thấy tình trạng khiếu nại, tố cáo có xu hướng ngày càng biến tướng và diễn biến phức tạp về nội dung lẫn tính chất vụ việc.

“Cò” khiếu nại, tố cáo có thể hiểu là những người tư vấn, giúp sức cho người khiếu nại, tố cáo để trục lợi; có thể trục lợi về vật chất do người khiếu nại, tố cáo chi trả hoặc hứa hẹn chi trả sau khi có kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo; có thể trục lợi về động cơ chính trị thông qua việc kích động người khiếu nại, tố cáo gây rối an ninh trật tự hoặc gây sức ép với chính quyền địa phương để nhượng bộ, thỏa hiệp đối với dự án phát triển kinh tế - xã hội…

Đối tượng “cò” khiếu nại, tố cáo thường theo dõi sát cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, kịp thời tư vấn, giúp sức cho người khiếu nại, tố cáo các đường đi, nước bước, nhất tìm ra các sơ hở, sai sót của cơ quan chức năng để gây sức ép hoặc đe dọa, bắt buộc phải trao đổi các lợi ích vật chất với chúng. Không loại trừ các đối tượng “cò” khiếu nại, tố cáo móc nối với các cán bộ, công chức thông qua việc giải quyết khiếu nại, tố cáo để thu lợi bất chính.

Trước tình hình khiếu nại, tố cáo đang có chiều hướng gia tăng về số lượng và phức tạp về tính chất vụ việc như hiện nay, thì xuất hiện “cò” khiếu nại, tố cáo sẽ càng làm phức tạp thêm tình hình khiếu nại, tố cáo.

Để thu lại lợi ích cho mình, các đối tượng “cò” khiếu nại, tố cáo không ngại thực hiện nhiều thủ đoạn để bắt ép người khiếu nại, tố cáo; kích động, dụ dỗ, mua chuộc hoặc kể cả tư vấn trái pháp luật nhằm thu lại lợi ích vật chất cho mình.

Chính vì vậy, chính quyền địa phương cần phải có biện pháp xử lý đối với các đối tượng “cò” khiếu nại, tố cáo, không để lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dân để dụ dỗ, lừa đảo, tư vấn sai pháp luật…nhằm trục lợi, gây mất an ninh trật tự.

Đồng thời, cần phải tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc chấp hành pháp luật, nhất về quyền và nghĩa vụ liên quan đến người khiếu nại, tố cáo; người dân cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, không nên tin vào các đối tượng “cò” khiếu nại, tố cáo vì có thể gây ra những thiệt hại, tiếp tay cho các đối tượng xấu và vô tình vi phạm pháp luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ